An Phượng vượt lên khó khăn

15/06/2021 15:25

Tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh đã công nhận xã An Phượng đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Đây là xã cuối cùng của huyện Thanh Hà về đích.


Người dân An Phượng đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới

Khắc phục nhiều khó khăn

An Phượng là xã mới được sáp nhập từ 2 xã An Lương và Phượng Hoàng. Trước khi sáp nhập, xã An Lương đã được công nhận đạt chuẩn NTM, nhưng Phượng Hoàng còn nhiều tiêu chí chưa hoàn thiện nên khi sáp nhập gặp một số khó khăn về công tác cán bộ, quản lý, điều hành bộ máy. Bên cạnh đó, An Phượng không có nhiều thế mạnh như nhiều xã khác, vị trí không thuận lợi nên việc đấu giá đất không thuận lợi. Nhận thức của người dân trong xây dựng NTM còn hạn chế. Vấn đề khó khăn nhất là tình hình an ninh trật tự còn hạn chế kéo dài khiến cho mục tiêu xây dựng NTM ở An Phượng chậm tiến độ.

Ngay sau khi sáp nhập, xã An Phượng khẩn trương kiện toàn, sắp xếp lại bộ máy chính quyền. Đảng ủy, chính quyền tạo được sự đồng thuận, cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng như trường học, đường giao thông... đã được xây dựng khang trang. Lãnh đạo xã có nhiều sáng tạo, đổi mới tư duy trong điều hành, quản lý, mạnh dạn hơn trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ. Một số việc quan trọng, Ban Thường vụ đã bàn bạc kỹ, thống nhất và xin ý kiến của huyện, tỉnh để có hướng giải quyết phù hợp như bàn giao Nhà máy Nước sạch Phượng Hoàng, giải quyết việc gây rối tại trụ sở làm việc của UBND xã...

Trong giai đoạn 2011-2020, xã An Phượng đã huy động gần 100 tỷ đồng đầu tư xây dựng NTM, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 36,5 tỷ đồng, huyện hỗ trợ 10 tỷ đồng, còn lại là ngân sách xã và nhân dân đóng góp. Đến hết năm 2020, thu nhập bình quân đầu người ở xã đạt hơn 50 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,62%, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 96,3%. 100% số đường giao thông được đổ bê tông xi măng. Các trường học đều đạt chuẩn quốc gia. Xã đã đầu tư xây dựng hội trường đa năng đủ tiêu chuẩn phục vụ sinh hoạt văn hóa; có điểm vui chơi giải trí, thể thao cho trẻ em và người cao tuổi. Năm2020, UBND huyện Thanh Hà đã công nhận An Phượng là xã "An toàn về an ninh trật tự".

Trong 10 năm xây dựng NTM, nhân dân An Phượng đã hiến gần 20.000 m2 đất để làm đường giao thông. Đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện. Ông Nguyễn Danh Thanh ở xóm 10, thôn Ngoại Đàm vui mừng nói: "Chúng tôi rất mừng vì nhờ có xây dựng NTM mà đường giao thông ngày càng rộng mở, đi lại thuận tiện. Con cháu chúng tôi được thụ hưởng những thành quả nổi bật của NTM. Giờ đây ai nấy đều đồng lòng ủng hộ".

Quan tâm tuyên truyền

Trong quá trình xây dựng NTM, công tác tuyên truyền được Đảng ủy, chính quyền xã An Phượng quan tâm hàng đầu. Lãnh đạo xã đã trực tiếp đến từng nhà tuyên truyền, vận động họ hiến đất làm đường; quyên góp ngày công; tích cực tham gia các phong trào xây dựng đời sống văn hóa, làng văn hóa; sản xuất nông nghiệp nâng cao thu nhập. Đến nay, hệ thống chính trị đã có sự thống nhất cao trong công tác chỉ đạo, thực hiện. Nhận thức của người dân ngày càng cao.

Sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM, xã An Phượng tập trung duy trì tốt các tiêu chí, trong đó quan tâm đến cơ sở vật chất ở một số trường tiểu học, THCS. Thời gian tới, xã tiếp tục cải tạo đường giao thông trục chính đi vào xã, tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị để giới thiệu việc làm cho lao động, chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho người dân sản xuất nông nghiệp. "Việc xây dựng NTM, NTM nâng cao tiếp tục cần có sự ủng hộ, đồng lòng của người dân nên thời gian tới xã tăng cường công tác tuyên truyền, kêu gọi nhân dân, người con xa quê hỗ trợ địa phương. Khi cấp ủy, chính quyền và nhân dân cùng quyết thì công cuộc xây dựng NTM ắt thành công", đồng chí Nguyễn Dũng Thành, Bí thư Đảng ủy xã An Phượng nói.


MINH NGUYÊN


(0) Bình luận
An Phượng vượt lên khó khăn