"Ánh sáng" từ nguồn điện mới

10/02/2021 18:31

Sau gần 10 năm xây dựng, trải qua nhiều khó khăn, Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương đã chính thức hòa lưới điện quốc gia.


Phòng điều khiển trung tâm của Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương

Dự án vốn FDI lớn nhất từ trước đến nay

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Trưởng Phòng Hành chính - Tổng hợp Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương cho biết 19 giờ ngày 23.11.2020, công ty đã hoàn thành toàn bộ các thí nghiệm tính năng, chạy thử nghiệm công suất ban đầu tổ máy số 1. Đến 0 giờ ngày 24.11, tổ máy số 1 với công suất 600 MW chính thức hòa vào lưới điện quốc gia để phát điện thương mại. 

Tháng 6.2011, Công ty Jaks Pacific Power Ltd được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT. Thị xã Kinh Môn được nhà đầu tư chọn làm nơi dừng chân bởi nơi đây có nhiều tiềm năng, lợi thế như không gian rộng rãi, giao thông thuận lợi cho quá trình vận chuyển nguyên liệu phục vụ hoạt động của nhà máy... Nhà máy được xây trên diện tích gần 200 ha tại xã Quang Thành, tổng vốn đầu tư khoảng 2,2 tỷ USD.

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh đến nay đạt 8,8 tỷ USD, trong đó Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương là dự án FDI lớn nhất.

Do khó khăn về tài chính, chủ đầu tư đã phải tìm kiếm, lựa chọn nhiều đối tác và cuối cùng bắt tay với Tập đoàn Xây dựng năng lượng Trung Quốc để thực hiện dự án. Bước vào giai đoạn nước rút đưa nhà máy vào vận hành, dịch Covid-19 ập đến khiến nhiều chuyên gia, kỹ sư người Trung Quốc sau kỳ nghỉ Tết Canh Tý 2020 không thể sang làm việc. Khắc phục khó khăn này, công ty đã đưa ra phương án yêu cầu kỹ sư, chuyên gia Trung Quốc làm việc qua internet, điện thoại, đồng thời luân chuyển các chuyên gia, kỹ sư từ những dự án nhiệt điện khác đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam về làm việc tại nhà máy... Nhờ vậy, doanh nghiệp đã nhanh chóng khắc phục được sự thiếu hụt về nhân lực và hoàn thành lắp đặt máy móc, thiết bị.

Cùng với tổ máy số 1 chính thức vận hành, tổ máy số 2 cũng đã hoàn thành các công đoạn hiệu chỉnh thiết bị và chuẩn bị vận hành thử nghiệm. Theo kế hoạch, tổ máy số 2 sẽ vận hành chính thức vào cuối tháng 2.2021, nâng tổng công suất lên 1.200 MW. So với các nhà máy nhiệt điện đốt than, Nhiệt điện BOT Hải Dương nằm trong nhóm những nhà máy có công suất lớn nhất cả nước. Khi hoàn thành toàn bộ, nó chỉ nhỏ hơn 4 nhà máy nhiệt điện là Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1, Duyên Hải 3 và Mông Dương 2. Nhà máy này cùng với Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại sẽ đưa Hải Dương trở thành trung tâm sản xuất điện than lớn của cả nước với tổng công suất 2.240 MW.


Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương

Góp phần giảm căng thẳng về nguồn điện

Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư, số lượng doanh nghiệp được thành lập mỗi năm ngày càng tăng. Cùng với đó, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao, nhu cầu sử dụng điện tăng mạnh.

Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng điện của Hải Dương cũng như cả nước tăng bình quân 10%/năm. Trong khi nhu cầu điện tăng mạnh, việc triển khai các dự án điện lại gặp khó khăn, một số dự án bị chậm tiến độ... Có thời điểm nước ta rơi vào tình trạng thiếu điện. Để bảo đảm cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội, ngoài thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt điện, điện mặt trời, điện gió, mua điện từ nước ngoài... Chính phủ còn yêu cầu các doanh nghiệp, người dân thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện. Điều đó cho thấy nhu cầu về điện phục vụ các hoạt động kinh tế - xã hội ngày càng cấp thiết. 

Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương đi vào hoạt động sẽ bổ sung lượng điện đáng kể cho lưới điện quốc gia, góp phần giảm tình trạng căng thẳng về nguồn cấp điện, nhất là vào mùa hè. "Trong phát triển kinh tế - xã hội, điện luôn đi trước một bước. Phải có điện thì mới triển khai được các hoạt động tiếp theo. Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương đi vào hoạt động sẽ góp phần giảm áp lực về nguồn cung điện, từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển", ông Phạm Thanh Hải, Giám đốc Sở Công thương khẳng định.

Có nguồn điện mới, các doanh nghiệp và người dân cũng rất phấn khởi khi tới đây sẽ không còn lo lắng thiếu điện cho hoạt động sản xuất, sinh hoạt. Ông Dương Thanh Báu, Giám đốc Công ty TNHH Vietory (Kinh Môn) cho biết: "Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc, hằng tháng chúng tôi sử dụng lượng điện rất lớn. Năm trước chúng tôi đã tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện để thực hiện tiết giảm theo yêu cầu của ngành điện. Việc Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương đi vào hoạt động hy vọng sẽ góp phần cung cấp đủ nhu cầu điện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh". 

Việc đưa tổ máy số 1 vào vận hành và tới đây là tổ máy số 2 của Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Theo Cục Thống kê tỉnh, mỗi năm nhà máy này sẽ đóng góp cho giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh khoảng 5.000 tỷ đồng (theo giá hiện hành), tương đương 3%.

THANH HÀ

(0) Bình luận
"Ánh sáng" từ nguồn điện mới