Sửa Thông tư 01 - tiếp sức cho doanh nghiệp

06/04/2021 06:45

Việc Ngân hàng Nhà nước sửa đổi và ban hành thông tư mới về hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 giúp các ngân hàng thoát cảnh loay hoay trong việc hỗ trợ, còn doanh nghiệp tránh được nguy cơ trở thành “khách hàng xấu”.


Doanh nghiệp và ngân hàng cùng "thở phào" sau khi có Thông tư 03. Ảnh minh họa

Sau hơn 1 năm đại dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế của cả nước nói chung và của tỉnh Hải Dương nói riêng bị ảnh hưởng trầm trọng. Khách hàng của các ngân hàng, chủ yếu là doanh nghiệp (DN) cũng liêu xiêu sau nhiều lần dịch bệnh bùng phát. 

“Thuốc bổ” cho doanh nghiệp

Ngày 13.3.2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN (Thông tư 01) quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 

Hơn 1 năm qua, cộng đồng DN đánh giá cao tính kịp thời và hữu dụng của thông tư này. Được miễn giảm lãi suất, được kéo dài thời gian trả nợ, áp lực nợ ngân hàng đối với DN theo đó cũng giảm đi. Công ty CP May Việt Trí (xã Hồng Quang, Thanh Miện) hiện có nhiều khoản vay với tổng dư nợ hàng chục tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Hải Dương. Khoản vay mới nhất phát sinh từ đầu tháng 3 vừa qua. Ông Đào Đình Dư, Giám đốc công ty chia sẻ: “Trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các biện pháp miễn giảm lãi suất từ ngân hàng đã giúp DN phân bổ hiệu quả chi phí tài chính, góp phần rút ngắn thời gian khôi phục sản xuất, kinh doanh”.

Qua tổng hợp báo cáo kết quả rà soát từ các đơn vị của NHNN chi nhánh Hải Dương, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ ba có ảnh hưởng sâu rộng, nặng nề đến cả những khách hàng đã được xác định bị ảnh hưởng từ các đợt dịch trước và khách hàng mới phát sinh. Đến ngày 5.3, có trên 20.000 khách hàng với tổng dư nợ bị ảnh hưởng 35.800 tỷ đồng. Riêng từ ngày 27.1 đã có trên 340 DN với dư nợ 5.200 tỷ đồng và hơn 6.700 cá nhân với dư nợ hơn 9.000 tỷ đồng bị ảnh hưởng.

Xác định đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn do Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng, hàng chục nghìn khách hàng, trong đó có hàng nghìn DN đã được các ngân hàng hỗ trợ với nhiều mức độ khác nhau. Tại BIDV chi nhánh Thành Đông, gần 850 tỷ đồng dư nợ của cá nhân, hộ gia đình, hộ sản xuất, kinh doanh được miễn giảm lãi suất; gần 420 tỷ đồng dư nợ của các DN được thay đổi thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) chi nhánh Hải Dương, hơn 110 tỷ đồng dư nợ của các DN đã được giảm lãi suất, nhiều tỷ đồng dư nợ khác được thay đổi thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.

Theo số liệu tổng hợp từ NHNN chi nhánh Hải Dương, tính đến ngày 26.3, các ngân hàng trong tỉnh đã kéo dài thời gian trả nợ cho 790 khách hàng với dư nợ 1.972 tỷ đồng; miễn, giảm lãi suất cho 24.381 khách hàng với dư nợ 45.861 tỷ đồng. Trong đó 93 DN được thay đổi thời gian trả nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN với dư nợ 1.577 tỷ đồng; 1.477 DN được miễn, giảm lãi suất các khoản vay với dư nợ 21.560 tỷ đồng. 


Thông tư 01 và nay là Thông tư 03 góp phần tạo động lực giúp doanh nghiệp vượt qua ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19

Giảm áp lực cho ngân hàng và doanh nghiệp

Những con số biết nói vừa nêu đã phần nào thể hiện tác động tích cực của Thông tư 01. Ông Nguyễn Quang Trung, Giám đốc BIDV chi nhánh Thành Đông nhận định: “Thông tư 01 đã kịp thời hỗ trợ, giảm áp lực tài chính cho khách hàng trong thời gian gặp khó khăn do dịch bệnh. Đối với ngân hàng, thông tư này đã tạo hành lang pháp lý và cơ chế thuận lợi để chủ động xử lý, tái cơ cấu các khoản nợ đến hạn cho khách hàng”.

Mặc dù vậy, theo văn bản số 3339/NHNN-TTGSNH ngày 8.5.2020 về giải đáp hướng dẫn thực hiện Thông tư 01, các khoản nợ phát sinh sau ngày 23.1.2020 không thuộc phạm vi được cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ. “Như vậy, các DN phát sinh khoản vay mới sau mốc thời gian này sẽ không được thay đổi thời gian trả nợ. Các khách hàng nói chung và DN nói riêng theo đó sẽ rơi vào tình cảnh khó chồng khó, nhất là với các DN có vòng quay vốn nhanh”, ông Trung cho biết thêm. 

Lời giải bài toán nợ xấu nói trên là cho phép cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có dư nợ phát sinh từ ngày 23.1.2020; tăng thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Cuối cùng, sau nhiều tháng trông ngóng, NHNN đã ban hành Thông tư 03/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01. Các ngân hàng được giữ nguyên nhóm nợ với số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi của khoản nợ phát sinh từ ngày 23.1.2020 đến trước ngày 10.6.2020. Trong đó cho phép các ngân hàng được giữ nguyên nhóm nợ với số dư nợ được cơ cấu của khoản nợ phát sinh đến trước ngày 20.6.2020; việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí được kéo dài đến hết ngày 31.12 năm nay... Thông tư 03 có hiệu lực từ ngày 17.5.2021.

Bà Vũ Thị Thu Nga, Giám đốc Sacombank chi nhánh Hải Dương cho rằng Thông tư 03 đã phần nào giải tỏa áp lực đối với khách hàng, chủ yếu là DN. “Được nới thời gian xét duyệt cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ giúp khách hàng cân đối tốt hơn nguồn lực tài chính. Việc phê duyệt các khoản vay mới của khách hàng theo đó không bị ảnh hưởng. Đối với ngân hàng, quy định tại thông tư mới cũng giúp giảm áp lực nợ xấu”, bà Nga nói.

Sau đại dịch, DN cần một thời gian nhất định để bắt nhịp lại tiến độ sản xuất, kinh doanh và đạt mức tăng trưởng kỳ vọng. Sửa đổi và ban hành thông tư mới, các ngân hàng thoát khỏi tình cảnh loay hoay trong việc hỗ trợ còn DN tránh khỏi nguy cơ trở thành “khách hàng xấu”. 

HÀ KIÊN

(0) Bình luận
Sửa Thông tư 01 - tiếp sức cho doanh nghiệp