Chợ phố, hồn quê

07/08/2022 11:09

Chợ Con trở thành một phần không thể thiếu của Thành Đông bởi nó gắn bó và chứng kiến từng thay đổi của mảnh đất này.


Phần lớn hàng hoá tại chợ Con được mang từ huyện Thanh Hà lên, mang đậm chất quê

Đúng như tên gọi, chợ Con nhỏ bé, nằm khuất cuối phố Phạm Sư Mệnh ở phường Quang Trung (TP Hải Dương), nhưng nơi đây lại được lòng người dân thành phố vì bày bán nhiều mặt hàng mang đậm chất quê.

Lâu đời

Cũng giống những chợ dân sinh khác, chợ Con hiện tại thuần túy, không có gì khác biệt. Mái tôn lợp cao, che nắng, tránh mưa cho tiểu thương, người mua hàng. Mặt chợ đổ bê tông kiên cố, chia thành từng ô để người bán sắp xếp hàng hóa, không lấn chiếm chỗ của người khác. Thế nhưng, ngược dòng thời gian, đây là chợ lâu đời của Thành Đông xưa và là một trong số ít chợ còn tồn tại với thời gian tới ngày nay.

Trước đây, sông Thái Bình chia 2 nhánh, đoạn ăn sâu vào thành phố cạnh phố Bến Bè. Nơi này luôn tấp nập kẻ bán, người mua tre nứa được vận chuyển theo đường sông từ mạn ngược về. Vào những năm đầu thế kỷ XX, để thuận lợi cho đi lại, giao thương, đường bộ được đào đắp đã chia cắt phố Bến Bè, tàu thuyền không cập bến được, hoạt động buôn bán tre nứa chuyển về khu vực Tam Giang. Dù vậy, người dân vẫn duy trì nếp cũ song thay vì tre nứa, họ trao đổi các hàng hóa, nông sản thiết yếu. Có đường thuận lợi, dân mạn Thanh Hà, Nam Sách cũng về đây họp chợ nhiều hơn.

Những năm 20 của thế kỷ XX, người Pháp kiến thiết lại Thành Đông, chợ Hàn Giang ven sông Sặt được di chuyển vào trong, cách sông vài trăm mét đổi tên thành chợ Lớn. Còn phố Bến Bè cũ thành lập chợ Con. Ngày ấy, Thành Đông có 4 chợ, ngoài 2 chợ kể trên còn có chợ gia súc tại phố Đông Mỹ và chợ lúa gạo cạnh sông Sặt. Hiện nay chỉ còn lại chợ Lớn, chợ Con. Trong khi chợ Lớn đổi thay nhiều qua từng thời kỳ, đáp ứng yêu cầu của chợ trung tâm thì chợ Con tuy thay da mà không đổi thịt, chợ vẫn giữ được hồn cốt xưa. Hơn 40 năm nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử Thành Đông, ông Phạm Quý Mùi đánh giá: "Chợ Con là một phần không thể thiếu của Thành Đông. Chợ gắn liền và chứng kiến những thay đổi của mảnh đất nơi đây. Trải qua thăng trầm lịch sử, có chợ còn, chợ mất. Nó phù hợp với quy luật phát triển chung, có cầu ắt có cung, hết cầu thì cung cũng teo tóp rồi mất dần. Chợ Con vẫn tồn tại đến bây giờ minh chứng vai trò, tầm quan trọng của chợ trong đời sống dân sinh. Điểm khác biệt lớn nhất của chợ này so với các chợ lân cận là đa phần tiểu thương từ nơi khác tới".

Ngày trước, chợ Con do chính quyền địa phương quản lý, đến năm 2014 thì đấu thầu giao cho công ty tư nhân. Chủ doanh nghiệp vốn am hiểu về lịch sử và giá trị văn hoá của Thành Đông nên luôn trân trọng và lưu giữ nét riêng có của chợ này. Chợ có khoảng 200 tiểu thương thì quá nửa là dân Thanh Hà, một phần người Nam Sách, số ít mới là người thành phố. Lúc trước, tiểu thương chủ yếu từ ngoại thành đến nên hay buôn bán tranh thủ, tràn trên vỉa hè rồi xuống cả lòng đường. Nhờ được vận động, tạo điều kiện mà họ yên tâm vào chợ đã được xây dựng khang trang. Những người bán hàng rong, vãng lai cũng được ban quản lý cho sử dụng miễn phí chỗ trống. “Lâu dần họ gắn bó với chợ Con và buôn bán ổn định ở trong chợ. Việc quản lý gặp nhiều khó khăn khi đa số tiểu thương không phải người địa phương, nhất là trong đợt dịch Covid-19 vừa qua đòi hỏi kiểm tra, kiểm soát gắt gao. Mặc dù vậy, chính quyền cùng ban quản lý luôn chia sẻ, tạo thuận lợi cho người dân kinh doanh, buôn bán”, ông Nguyễn Đình Hồng, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND phường Quang Trung cho biết.


Chợ Con là chợ lâu đời ở TP Hải Dương

Đến chợ tìm thứ dân dã

Xã hội phát triển, đời sống đi lên, thương mại hoá ngày càng rõ rệt thì chợ Con vẫn duy trì được nếp xưa, chủ yếu bán đồ quê. Thực phẩm tại chợ không đa dạng, số lượng cũng không nhiều nhưng lại thu hút khách mua hàng chính bởi sự giản dị, dân dã. Tiểu thương tại chợ phần nhiều xuất phát từ nông dân nên giữ được nét chân chất, thật thà vốn có. Hiếm có chợ nào trong trung tâm TP Hải Dương vẫn bày bán những sản phẩm mang đậm chất quê. Bước chân vào chợ đã cảm nhận rõ sự khác biệt vì đồ quê không màu mè, bóng bẩy. Tiểu thương không chuyên bán một mặt hàng nào mà mỗi thức một ít, có gì bán nấy. Từ mớ rau sam, tập tàng, sài đất, nhọ nồi vốn không còn quen thuộc, nhất là với người dân thành phố cũng xuất hiện tại chợ.

Bà Nguyễn Thị Chuyên ở thôn Song Động, xã Tân An (Thanh Hà) năm nay 54 tuổi thì có hơn 30 năm gắn bó với chợ Con. Trong trí nhớ của bà, cơ duyên với chợ này không phải tình cờ mà xuất phát từ thực tế. Ngày bé, bà luôn ao ước được đến chợ Con vì các bà, các mẹ hay nhắc tới. Dù tò mò nhưng do còn nhỏ, lại xa xôi nên mong ước không thành hiện thực. Vì thế, bà hay đỡ đần mẹ, chuẩn bị mớ rau, củ khoai để gánh gồng lên phố bán. Những năm 90 của thế kỷ trước, người dân Thanh Hà hăm hở chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đất trồng lúa lập thành vườn cây ăn quả rồi đào ao, thả cá. Nguồn nông sản ngày một nhiều thêm, tiêu thụ tại chỗ không hết lại thường xuyên bị ép giá. Tiếc đồ làm ra bị ép giá, bà Chuyên kẽo kẹt đạp xe gần hai chục cây số chở lên chợ Con bán. Tuy mất công nhưng lại được giá, bán chạy nên không chỉ đồ nhà làm ra, để tiện chuyến bà còn gom của các hộ lân cận. Qua từng ấy năm, bà trở thành người bán mát tay tại chợ Con, hàng mang lên tới đâu hết tới đó. Những quả ổi, quả mít, nải chuối quê chưa kịp trải bạt đặt xuống đã có người hỏi mua. Lâu dần, được khách tin tưởng đặt hàng trước nên sáng đi chợ, chiều bà lại đạp xe khắp huyện để lần mua đồ khách đặt. Vừa nhanh tay cân quả mít chín cây cho khách bà Chuyên vừa hài hước nói, không biết có phải cái tên vận vào hay không mà ở chợ này ít đổ buôn. Phần vì toàn khách mua lẻ, phần bởi hàng hoá không có nhiều. Ban đầu những người đến họp chợ đều làm nông nghiệp, trồng được gì thì bán nấy, nhà dùng không hết mới mang bán. Về sau để đáp ứng nhu cầu của khách mua hàng, họ nuôi trồng nhiều thêm, chủ đích đem bán song chất lượng hàng hoá vẫn vậy, không vì thương mại mà đánh mất nét quê. “Khách phố có nhiều lựa chọn nên họ cũng kén chọn, đặc biệt là rất sành ăn. Vì thế chúng tôi phải bảo đảm hàng sạch, ngon thì mới giữ chân được người mua”, bà Chuyên tiết lộ.


Những mặt hàng dân dã bày bán nhiều tại chợ Con

Đối diện gian hàng của bà Chuyên là bà Vũ Thị Tiếp ở thôn Cam Lộ, xã Tân Việt (Thanh Hà). Bà Tiếp than phiền mấy hôm nay, khách qua hỏi mua mít nhiều mà bà chỉ có nhãn và ít chay khô để bán. Bà hào hứng kể hơn 20 năm chạy chợ, bà có rất nhiều khách quen, có khách chỉ nghe giọng nói đã nhận ra là đồng hương. Khách mua về dùng thấy hợp lại ra đặt hàng nhưng bà chỉ bán chứ không buôn nên không mấy khi nhận lời chắc chắn. Hôm bà bán thứ này, hôm sau lại bày thứ khác, chứ không chuyên về mặt hàng nào. Giữa thành phố đắt đỏ, hàng hoá tại chợ này lại có giá bán hợp lý, thậm chí là rẻ nhất ở khu trung tâm bởi phần nhiều người bán cũng là người làm ra, không qua trung gian. Nếu có mua đi, bán lại thì cũng chỉ tính công chứ không đội giá. Bà Tiếp cũng đã từng chuyển qua nhiều chợ khác nhưng đều thấy không phù hợp lại quay về chợ Con. 

Hàng hoá bán tại chợ Con không bắt mắt, cầu kỳ song lại rất thu hút người dân thành thị. Không ít khách “ruột” tại chợ này nói rằng họ đã chán ngán những thực phẩm sản xuất công nghiệp, muốn được thưởng thức đồ ăn dân dã. Cũng có người chia sẻ bản thân họ có gốc gác từ quê nên muốn tìm lại hương vị xưa để làm dịu đi nỗi nhớ quê hương. Với lý do nào thì những mặt hàng chứa đựng hồn quê tại chợ Con luôn có sức hút với nhiều người. Vài năm trước, khi còn ở đường Trần Hưng Đạo, chị Nguyễn Thị Chiên đều đặn mỗi ngày đi chợ Con mua thực phẩm. Hiện gia đình chị chuyển tới sinh sống ở đường Ngô Quyền nhưng chị vẫn giữ thói quen mua hàng ở chợ Con. Chị cho biết: “Dù không còn thường xuyên nhưng tôi vẫn tranh thủ để về mua sắm ở chợ Con. Giờ mọi thứ đều tiện lợi, ra khỏi cửa đã có cửa hàng tiện ích rồi mỗi phường có một chợ dân sinh song tôi vẫn thích đi chợ Con. Không chỉ yên tâm về chất lượng hàng hoá, giá cả phải chăng mà ở đó tôi còn tìm được cả ký ức tuổi thơ”.

Ở trung tâm thành phố, nhu cầu trao đổi, buôn bán lớn, hầu hết các chợ đều hoạt động cả ngày, chợ Con nằm trong số ít chợ chỉ họp buổi sáng. Bởi hàng hoá tại chợ thường không có sẵn. Sáng ra, người dân Thanh Hà, Nam Sách tới đây họp chợ, còn chiều về lại phải tất bật chuẩn bị cho phiên chợ của ngày hôm sau. Cũng vì lẽ này mà giữa dòng chảy xô bồ, cấp tập của đô thị, chợ Con vẫn tồn tại để lưu giữ hồn quê. 

DŨNG CƯỜNG

(0) Bình luận
Chợ phố, hồn quê