Kiên quyết không bố trí vốn đầu tư manh mún, nhỏ lẻ

06/12/2021 09:50

Tại Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa XVII, UBND tỉnh đã báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương 5 năm 2021-2025 tỉnh Hải Dương.

>>> Khai mạc Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa XVII​

Đồng chí Nguyễn Minh Hùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đọc báo cáo dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025

UBND tỉnh đề ra định hướng đầu tư công 5 năm 2021-2025 phải phù hợp với các định hướng, mục tiêu phát triển theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và định hướng cơ cấu lại đầu tư công đến năm 2025.

Ưu tiên đầu tư công trình, dự án trọng điểm

Trong đó, tập trung vào 4 nhiệm vụ trọng tâm sau:  Thực hiện theo đúng các quy định của nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; chấp hành nghiêm quy định về các nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên bố trí vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025. Nâng cao chất lượng công tác lập kế hoạch, bảo đảm phù hợp với khả năng cân đối, bố trí các nguồn vốn thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư; tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư công. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; ưu tiên bố trí vốn thanh toán khối lượng hoàn thành và đầu tư hoàn thành dự án chuyển tiếp trong giai đoạn 2021-2025 để phát huy hiệu quả đầu tư, đặc biệt là tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, dự án thực hiện các chương trình, đề án theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và dự án kết nối mở rộng không gian thu hút đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh, có tác động liên vùng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh. Thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư để sớm có đầy đủ các điều kiện phân bổ vốn cho các dự án khởi công mới trong giai đoạn 2021-2025 theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Nhu cầu vốn đầu tư công 5 năm 2021-2025 của các cấp là rất lớn, trong đó nhu cầu đầu tư 224 dự án cấp tỉnh quản lý khoảng 56.010 tỷ đồng. Cụ thể như sau: Nhu cầu vốn thanh toán cho 37 dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng từ năm 2020 trở về trước khoảng 184 tỷ đồng. Nhu cầu vốn đầu tư hoàn thành 30 dự án chuyển tiếp khoảng 1.526 tỷ đồng. Nhu cầu vốn khởi công mới 157 dự án khoảng 54.300 tỷ đồng.

UBND tỉnh dự kiến nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước 5 năm 2021-2025 như sau: Tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan. Phục vụ cho việc thực hiện các định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch, bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững, hài hòa giữa kinh tế và xã hội. Lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt huy động các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước, đẩy mạnh hợp tác công tư trong phát triển hạ tầng chiến lược. Phù hợp với khả năng cân đối vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước và đẩy mạnh cơ cấu lại đầu tư công theo hướng tập trung, khắc phục dàn trải, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; kiên quyết không bố trí vốn đầu tư manh mún, nhỏ lẻ. Chỉ giao kế hoạch vốn cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư được cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản pháp luật có liên quan. Phù hợp với khả năng cân đối vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước và đẩy mạnh cơ cấu lại đầu tư công theo hướng tập trung, không dàn trải, nhỏ lẻ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Các dự án mới phải bảo đảm thời gian bố trí vốn thực hiện, dự án nhóm A không quá 6 năm, nhóm B không quá 4 năm và nhóm C không quá 3 năm.

Thứ tự ưu tiên phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước 5 năm 2021-2025 như sau: Để dự phòng 5% theo từng nguồn vốn.

Số vốn còn lại phân bổ theo thứ tự ưu tiên như sau: Trả nợ gốc vốn vay đến hạn phải trả. Cấp vốn điều lệ cho quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Phân bổ vốn chuẩn bị đầu tư để lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư và lập, thẩm định, quyết định đầu tư chương trình, dự án. Vốn phân bổ cho các chương trình, đề án và dự án đầu tư công, trong đó chỉ phân bổ vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh trước ngày 1.1.2015. Phân bổ vốn cho dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn; vốn đối ứng dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài và vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư (nếu có); dự án chuyển tiếp thực hiện theo tiến độ được phê duyệt. Phân bổ vốn để thực hiện nhiệm vụ quy hoạch. Sau khi đã bố trí đủ vốn theo thứ tự trên, nếu còn vốn mới phân bổ cho dự án khởi công mới. Tập trung ưu tiên bố trí vốn đầu tư các dự án trọng điểm, các chương trình, đề án theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và các dự án có sức lan tỏa cao, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, đặc biệt là các dự án giao thông, các công trình văn hóa - thể thao lớn và các bệnh viện cấp tỉnh; dự án thủy lợi bảo đảm an ninh nguồn nước, chống biến đổi khí hậu...

UBND tỉnh cũng đề ra các tiêu chí lựa chọn dự án trọng điểm cấp huyện và đề nghị lựa chọn mỗi huyện, thành phố và thị xã không quá 2 dự án; riêng TP Hải Dương không quá 3 dự án.

Trên 34.000 tỷ đồng tổng vốn đầu tư ngân sách địa phương

Căn cứ Quyết định số 1535/QĐ-TTg ngày 15.9.2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, tổng kế hoạch vốn ngân sách địa phương 5 năm là 19.556,4 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung là 4.115,4 tỷ đồng.

Trên cơ sở báo cáo kết quả rà soát nguồn thu sử dụng đất 5 năm 2021-2025 của 12 huyện, thành phố và thị xã (chưa bao gồm tiền thu sử dụng đất từ đấu giá, đấu thầu dự án khu dân cư, khu đô thị để đầu tư dự án trọng điểm cấp huyện đề nghị giao tổ chức thực hiện trong giai đoạn 2021-2025), tổng số dự kiến khoảng 63.700,7 tỷ đồng. Đề nghị xây dựng kế hoạch thu tiền sử dụng đất 5 năm 2021-2025 khoảng 30.000 tỷ đồng để tạo nguồn vốn lập kế hoạch 5 năm và hằng năm trong giai đoạn 2021-2025 phấn đấu thực hiện.

UBND tỉnh dự kiến phương án cân đối vốn đầu tư như sau:

Vốn đầu tư xây dựng tập trung: Phân bổ về ngân sách cấp tỉnh và ngân sách cấp huyện theo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025.

Nguồn thu tiền sử dụng đất: Phân bổ về các cấp ngân sách (tỉnh, huyện, xã) theo quy định tại các Nghị quyết của HĐND tỉnh về tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu tiền sử dụng đất giữa các cấp ngân sách trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Vốn thu xổ số kiến thiết: Thuộc ngân sách tỉnh.

Vốn đầu tư từ nguồn bội chi ngân sách địa phương: Thực hiện phân bổ cho các dự án sử dụng vốn vay ODA theo kế hoạch vốn Nhà nước giao và kế hoạch giao hằng năm chỉ phân bổ khi có phát sinh vay vốn.

Phương án phân bổ vốn đầu tư tổng vốn ngân sách địa phương 5 năm 2021-2025 là 34.403,4 tỷ đồng (chưa bao gồm 200 tỷ đồng vốn năm 2020 chuyển nguồn sang năm 2021), bao gồm: vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung là 4.115,4 tỷ đồng, vốn thu tiền sử dụng đất là 30.000 tỷ đồng, vốn thu xổ số kiến thiết là 170 tỷ đồng và đầu tư từ nguồn bội chi ngân sách địa phương là 118 tỷ đồng.

Phương án phân bổ vốn về các cấp ngân sách dự kiến như sau:

Vốn ngân sách cấp huyện và ngân sách cấp xã tổng số 18.863,6 tỷ đồng, phân bổ như sau: Vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung phân bổ về ngân sách cấp huyện là 1.342,3 tỷ đồng, trong đó, kế hoạch năm 2021 đã giao là 326,7 tỷ đồng; giai đoạn 2022- 2025 là 1.015,6 tỷ đồng (chiếm 30% so với tổng kế hoạch vốn giai đoạn 2022- 2025).

Nguồn thu tiền sử dụng đất phân bổ về ngân sách cấp huyện và ngân sách cấp xã khoảng 17.521,3 tỷ đồng, chiếm 58,4% so với tổng số.

Vốn ngân sách tỉnh tổng số 15.621,8 tỷ đồng (không bao gồm bội chi ngân sách địa phương), bao gồm: vốn kế hoạch 5 năm là 15.421,8 tỷ đồng (vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung 2.773,1 tỷ đồng, thu tiền sử dụng đất 12.478,7 tỷ đồng, thu xổ số kiến thiết 170 tỷ đồng); vốn đầu tư công năm 2020 chuyển nguồn sang năm 2021 đã phân bổ là 200 tỷ đồng.

Phương án phân bổ như sau: Dự phòng 5% là 771,1 tỷ đồng (chỉ tính vốn kế hoạch 5 năm). Trả nợ vốn vay là 183,3 tỷ đồng. Cấp vốn điều lệ cho quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách: 350 tỷ đồng. Chuẩn bị đầu tư là 40 tỷ đồng.

Số còn lại 14.277,4 tỷ đồng, đề nghị phân bổ như sau: Hỗ trợ thị xã Kinh Môn để xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường trên địa bàn là 40 tỷ đồng (vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung). Vốn phân bổ cho dự án đầu tư công là 14.237,4 tỷ đồng sẽ phân bổ đợt 1 cho các chương trình, đề án và dự án đầu tư công đã đủ điều kiện bố trí kế hoạch 5 năm 2021-2025 là 5.584,5 tỷ đồng. Vốn phân bổ sau là 8.612,98 tỷ đồng.

UBND tỉnh đề ra 10 nhóm giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện hoàn thành, hiệu quả kế hoạch đầu tư công 5 năm 2021-2025

PV

(0) Bình luận
Kiên quyết không bố trí vốn đầu tư manh mún, nhỏ lẻ