Lãng phí công trình nước sạch ở Kinh Môn

03/10/2021 17:34

Dù được đầu tư tiền tỷ nhưng công trình nước sạch sinh hoạt nông thôn ở xã Hiệp Hòa không sử dụng được ngày nào, còn công trình ở phường Duy Tân (cùng thị xã Kinh Môn) chỉ dùng được một thời gian rồi bỏ phí.


Công trình nước sạch phường Duy Tân bị bỏ hoang lâu ngày không thể sử dụng

20 năm chưa vận hành

Nằm ở cánh đồng thôn An Bộ (xã Hiệp Hòa), công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn xã được khởi công từ năm 2001 với công suất thiết kế 500 m3/ngày đêm, nguồn nước được lấy từ sông Đò Than. Công trình có vốn đầu tư gần 1,172 tỷ đồng, trong đó 95% kinh phí từ ngân sách nhà nước, phần còn lại là vốn đối ứng của địa phương. Năm 2002, công trình hoàn thành và được bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng.

Tuy nhiên, gần 20 năm qua công trình chưa một lần vận hành. Theo thời gian, các hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng. Vôi vữa của các bức tường nhà điều hành, nhà bảo vệ đã bong tróc, cánh cửa xập xệ, chắp vá. Máy bơm nước, đường ống dẫn hoen gỉ, bể lắng, bể lọc mọc rêu, xung quanh cỏ mọc um tùm. Hệ thống đường điện của trạm, đèn chiếu sáng cũng không hoạt động.

Còn công trình nước sạch tập trung nông thôn phường Duy Tân vận hành được hơn 14 năm rồi mới dừng hoạt động. Công trình này cũng được xây dựng năm 2001 và hoàn thành năm 2002, công suất thiết kế 300 m3/ngày đêm, cấp nước cho 880 trong tổng số 1.793 hộ dân của các khu dân cư Trại Xanh, Châu Xá và Duyên Linh. Do bỏ hoang lâu ngày không ai trông coi nên công trình đã xuống cấp nặng, nhà không còn cửa, bên trong ẩm thấp, bẩn thỉu. Hệ thống máy hút, máy đẩy đều hỏng, đường ống hoen gỉ... Một người dân đã tận dụng diện tích đất trên để chăn nuôi ngan, gà...

Theo anh Lê Văn Quân, cán bộ địa chính, xây dựng phường Duy Tân, do công trình cấp nước nhiều năm qua không được vận hành và lại nằm xa khu dân cư nên hiện nay không ai quan tâm. Vì bị bỏ hoang lâu ngày nên công trình xuống cấp, không còn hạng mục nào có thể sử dụng được.

Cần sớm thanh lý, bàn giao đất

Theo UBND xã Hiệp Hòa, có nhiều nguyên nhân dẫn đến công trình nước sạch trên không thể đưa vào sử dụng. Theo quyết định đầu tư, Nhà nước chỉ hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình nước sạch và hệ thống đường ống chính, còn hệ thống đường ống xương cá đi vào từng hộ dân do UBND xã Hiệp Hòa huy động nguồn kinh phí đóng góp từ nhân dân để xây dựng. Tuy nhiên, sau khi công trình nước sạch được xây xong, việc huy động vốn đối ứng không thực hiện được. Nhiều người dân không muốn sử dụng nguồn nước cấp từ nhà máy.

Ông Nguyễn Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa cho biết công trình sử dụng nguồn nước sông Đò Than là sông nội đồng, không thường xuyên có nước ra vào với các con sông lớn. Dọc con sông này có rất nhiều nghĩa trang. Các chất thải từ chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật đều được dồn ra sông nên người dân cho rằng nguồn cấp nước không bảo đảm. Ngoài ra, việc xây dựng công trình vào thời điểm đó cũng chưa hợp lý khi đời sống của người dân còn khó khăn, nhiều người không muốn sử dụng vì sẽ phải đầu tư kinh phí lắp đặt đường ống nước và trả tiền nước hằng tháng. "Không chỉ tôi mà nhiều người lo lắng chất lượng nguồn nước cấp là sông nội đồng, công nghệ xử lý đơn giản. Trong khi đó, chất lượng nguồn nước ngầm của địa phương cũng rất tốt nên chúng tôi đào, khoan giếng lấy nước sử dụng", anh Nguyễn Văn Thọ ở thôn An Bộ chia sẻ.

Sau khi Trạm cấp nước sinh hoạt nông thôn phường Duy Tân hoàn thành, UBND phường giao cho HTX Dịch vụ nông nghiệp quản lý và vận hành. Do hoạt động kém hiệu quả nên năm 2006, công trình được chuyển sang cho Công ty CP Điện nước Duy Tân quản lý. Trong quá trình vận hành, công ty đã nâng cấp công suất lên 360 m3/ngày đêm, đấu nối thêm nhiều hộ dân của 3 khu dân cư Trại Xanh, Châu Xá, Duyên Linh và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn phường. Tuy nhiên, những năm gần đây xuất hiện nhiều doanh nghiệp kinh doanh bãi than gần sông Kinh Thầy đã làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước. Bên cạnh đó, do công trình đã xây dựng từ lâu, đơn vị quản lý vận hành công trình nước sạch không có kinh phí đầu tư, nâng cấp nên hệ thống đường ống đã xuống cấp nghiêm trọng, thường xuyên hỏng, rò rỉ làm cho tỷ lệ thất thoát nước lên đến 50%; công nghệ xử lý nước lạc hậu, đơn giản khiến chất lượng nước không cao. Những năm gần đây, Xí nghiệp Nước sạch số 8 (Công ty CP Kinh doanh nước sạch Hải Dương) đã đầu tư hệ thống nước sạch về địa phương và chất lượng nước bảo đảm nên nhiều người dân đã chuyển sang sử dụng nguồn nước do đơn vị này cung cấp.

Trước thực trạng 2 công trình nước sạch bị bỏ hoang, nguyện vọng của UBND xã Hiệp Hòa và phường Tân Dân là nhanh chóng thanh lý tài sản trên đất, bàn giao đất về cho địa phương quản lý, không để lãng phí đất đai như hiện nay. "Dù công trình không sử dụng được nhưng chúng tôi vẫn phải trả lương cho 1 bảo vệ để trông coi, gây tốn kém ngân sách. Nếu được, chúng tôi mong muốn cấp có thẩm quyền cho phép chuyển nhà máy này vào trạm trung chuyển nước sạch", Chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa Nguyễn Văn Quân đề nghị.

THANH HÀ

(0) Bình luận
Lãng phí công trình nước sạch ở Kinh Môn