Vì sao xe vi phạm giao thông "chất đống" ở bãi tạm giữ?

21/10/2021 06:09

Nhiều người vi phạm giao thông sẵn sàng bỏ lại phương tiện khiến các bãi tạm giữ luôn quá tải.


Một số chủ phương tiện sẵn sàng bỏ lại xe vì mức phạt cao hơn giá trị xe


Số lượng xe vi phạm giao thông bị tạm giữ lớn trong khi thủ tục thanh lý rườm rà, mất nhiều thời gian nên hầu hết các bãi tạm giữ luôn trong tình trạng quá tải.

Bỏ của

Là trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh nên tình trạng vi phạm giao thông tại TP Hải Dương diễn ra khá phổ biến. Trung bình mỗi tháng có từ vài chục đến vài trăm phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ bị lập biên bản tạm giữ. Nhiều trường hợp không đến hoàn thiện thủ tục xử phạt để nhận lại phương tiện khiến bãi tạm giữ luôn chật cứng xe vi phạm. "Theo quy định, khi lập biên bản tạm giữ phương tiện trong vòng từ 7 - 10 ngày chủ xe phải đến cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục và nhận lại xe. Tuy nhiên hiện nay, bãi giữ xe của chúng tôi có nhiều xe bị tạm giữ cả năm rồi nhưng vẫn không thấy chủ xe xuất hiện", thiếu tá Nguyễn Văn Quý, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, trật tự (Công an TP Hải Dương) cho biết.

Ở nhiều địa phương khác, các bãi tạm giữ cũng chật ứ xe, nhiều xe để lâu ngày đã hư hỏng. "Hiện chỗ chúng tôi có khoảng 200 phương tiện vi phạm giao thông bị tạm giữ. Nhiều xe để gần 2 năm mà chủ vẫn không chịu đến làm thủ tục. Do bãi xe có diện tích nhất định nên nhiều xe phải để ngoài trời, khó tránh khỏi bị hỏng hóc, hư hại", trung tá Phạm Quý Gia, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, trật tự (Công an huyện Gia Lộc) cho biết.

Nguyên nhân người vi phạm không đến nộp phạt để lấy xe là do xe có giá trị thấp, cũ, không giấy tờ... Đặc biệt, Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1.1.2020 còn tăng mức xử phạt tối đa đối với một số hành vi vi phạm nên nhiều trường hợp sẵn sàng bỏ lại phương tiện bởi số tiền phạt nhiều hơn giá trị thực của xe. Ngoài ra, nhiều phương tiện vi phạm mang biển kiểm soát của các địa phương khác nên việc xác minh, yêu cầu người vi phạm đến để giải quyết phương tiện bị tạm giữ gặp nhiều khó khăn. Vì lý do trên mà hiện nay hầu hết các bãi tạm giữ phương tiện giao thông trong tỉnh đều bị quá tải. Nhiều phương tiện phơi mưa nắng lâu ngày đã hỏng hóc, hoen rỉ, bụi bặm gây lãng phí.

Thủ tục rườm rà

Hiện nay thủ tục thanh lý xe vi phạm giao thông khá rườm rà và mất thời gian. Theo quy định, sau khi hết hạn làm thủ tục xử lý vi phạm, lực lượng chức năng sẽ phải xác minh nguồn gốc xe và ít nhất phải 3 lần gửi giấy mời chủ phương tiện lên làm việc. Nếu không tìm được chủ phương tiện hoặc chủ xe không đến, lực lượng chức năng sẽ thành lập hội đồng thanh lý để làm việc với cơ quan thuế, tài chính... sau đó đánh giá hiện trạng, đưa ra giá xe và tuyển chọn đơn vị đấu giá tài sản để sung công quỹ. 

Quy định là vậy nhưng để hoàn thành thủ tục thanh lý, cơ quan chức năng phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Bởi hầu hết phương tiện quá hạn đều là những xe cũ, thậm chí đã bị xóa số khung, số máy. Một số xe mua đi bán lại nhiều lần nên việc xác định chủ sở hữu gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, có quá nhiều cơ quan chức năng tham gia hoàn thiện thủ tục thanh lý xe vi phạm giao thông nên thời gian thường bị kéo dài. "Chúng tôi hiện có 3 phương tiện đã quá hạn xử lý vi phạm. Nhưng gần 2 năm nay vẫn chưa hoàn thiện được thủ tục để thanh lý. Nếu tình trạng này còn kéo dài phương tiện sẽ tiếp tục xuống cấp, gây lãng phí", ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải cho biết.

Ngày 1.5.2020, Nghị định 31/2020/NĐ-CP (Nghị định 31) chính thức có hiệu lực. Theo đó, người dân sẽ được bảo quản và giữ lại phương tiện nếu có đăng ký thường trú, tạm trú còn thời hạn hoặc có giấy xác nhận về nơi công tác của cơ quan, tổ chức nơi cá nhân vi phạm đang công tác; tổ chức vi phạm phải có địa chỉ hoạt động cụ thể. Ngoài ra tổ chức, cá nhân vi phạm phải có nơi cất giữ, bảo quản phương tiện và có khả năng tài chính để bảo lãnh phương tiện.

Mặc dù Nghị định 31 đã có hiệu lực từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa phát huy được hiệu quả như mong đợi. Qua trao đổi với một số đơn vị cảnh sát giao thông trong tỉnh, số người làm đơn xin được bảo quản phương tiện tại nhà gần như không có bởi mức tiền bảo lãnh khá cao. Bên cạnh đó, xuất hiện nhiều bất cập trong công tác thực hiện và quản lý. "Để được bảo quản phương tiện tại nhà, người vi phạm phải đặt tiền bảo lãnh ít nhất bằng mức tiền phạt tối đa của hành vi vi phạm. Với các lỗi vi phạm bị xử phạt nặng thì gánh nặng tài chính là vấn đề khiến người dân không muốn đến bảo lãnh phương tiện. Ngoài ra, hiện nay chế tài quản lý, giám sát phương tiện vi phạm tại nhà người dân chưa có. Do đó, nếu chủ phương tiện cố tình tổ chức mua bán, trao tay hoặc sử dụng phương tiện đang trong quá trình tạm giữ sẽ gây khó khăn cho công tác xử lý sau này...", trung tá Phạm Quý Gia cho biết thêm.

ĐỖ QUYẾT

(0) Bình luận
Vì sao xe vi phạm giao thông "chất đống" ở bãi tạm giữ?