Báo chí Hải Dương linh hoạt thích ứng, phát triển

21/06/2022 09:30

Trước sự phát triển của công nghệ thông tin cộng với tác động của dịch bệnh, thời gian qua, những người làm báo xứ Đông đã nhanh nhạy thay đổi tư duy, cách thức làm việc để thực hiện tốt hơn chức năng nhiệm vụ của mình, nhận được sự tin cậy của đông đảo công chúng.


Phóng viên tác nghiệp ở SEA Games 31 tổ chức tại Nhà Thi đấu thể dục thể thao Hải Dương

Tác động của dịch Covid-19 cùng với nhu cầu của bạn đọc thay đổi đã khiến báo chí cả nước nói chung và báo chí Hải Dương nói riêng phải đổi mới, thích ứng linh hoạt vượt qua khó khăn để dòng chảy thông tin thông suốt.

Vượt qua thách thức

Đợt dịch Covid-19 ở TP Chí Linh diễn ra đúng dịp Tết Nguyên đán 2021. Không ít phóng viên của tỉnh và nhiều cơ quan báo chí trung ương đã phải tác nghiệp xuyên Tết. Nhớ lại những ngày phải “nằm vùng” tác nghiệp ở tâm dịch Covid-19, anh Nguyễn Tiến Mạnh, phóng viên Phòng Văn hóa-Xã hội (Báo Hải Dương) chia sẻ: “Không dễ tiếp cận các khu điều trị. Người bệnh lại phải cách ly vì mắc Covid-19 nên lúc này mỗi phóng viên phải linh hoạt, sáng tạo trong cách khai thác thông tin. Thay vì gặp trực tiếp người bệnh hoặc cán bộ, nhân viên y tế, phóng viên phải gọi điện thoại trao đổi. Nhân vật cũng hỗ trợ phóng viên quay phim hoặc chụp ảnh. Mạng xã hội, thư điện tử đã được sử dụng để kết nối thông tin, giúp phóng viên tác nghiệp thuận lợi hơn”.


Trong điều kiện dịch Covid-19, các nhà báo của Hải Dương đã linh hoạt khi tác nghiệp. Trong ảnh: Phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Dương quay hình, còn âm thanh nhờ nhân vật ghi âm qua điện thoại, sau đó về đồng bộ lại (ảnh phóng viên
Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Dương cung cấp
)


Thông tin về dịch bệnh trên truyền hình càng khó khăn. Các phóng viên, kỹ thuật viên của Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Dương đã chủ động dùng videocall hoặc qua các ứng dụng của mạng xã hội để phỏng vấn, ghi hình nhân vật. Anh Phạm Đình Quyền, quay phim của Phòng Thời sự (Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Dương) cho biết các anh đã linh hoạt vận dụng mọi hình thức để có được hình ảnh, thông tin tuyên truyền về dịch Covid-19. Nhiều chương trình, sự kiện buộc phóng viên, quay phim phải chuyển qua hình thức trực tuyến. "Những chương trình cần tiếp xúc với nhân vật là người mắc Covid-19, chúng tôi phải được sự cho phép của lực lượng y tế. Phóng viên, quay phim được trang bị bảo hộ. Nhiều khi vì giữ khoảng cách chúng tôi buộc phải quay hình, còn âm thanh nhờ nhân vật ghi âm qua điện thoại sau đó về đồng bộ lại”, anh Quyền nói.

Nhà báo Nguyễn Thị Thanh Mai, Trưởng Phòng Thư ký tòa soạn, Thư ký Chi hội Nhà báo Báo Hải Dương khẳng định không chỉ thích ứng nhanh với tình huống chưa từng có trong tiền lệ, báo chí còn chuyển mình với những phương thức tác nghiệp mới, phù hợp trong mọi điều kiện. Chẳng hạn trước đây ít ai nghĩ bộ phận chế bản của Báo Hải Dương có thể làm việc tại nhà độc lập nhưng vì dịch bệnh họ đã làm được như vậy. Thông tin điều hành, sửa chữa tin bài đăng báo đều được chia sẻ qua nhóm Zalo riêng. Dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, thậm chí Phòng Thư ký tòa soạn có những trường hợp thuộc diện F1, F0 vẫn có thể linh hoạt làm việc ở nhà. Nhờ đó, Báo Hải Dương vẫn xuất bản bình thường. Nhiều thông tin thời sự về dịch bệnh được cập nhật thường xuyên, liên tục trên báo điện tử. Những thích ứng trong dịch bệnh cũng giúp các nhà báo có thêm nhiều kinh nghiệm để tác nghiệp trong điều kiện khó khăn khác.

Thay đổi tư duy 

Nhà báo Phạm Thị Bích Nga, Phó Trưởng Phòng Chuyên đề, Thư ký Chi hội Nhà báo Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Dương cho biết làm việc trong điều kiện khó khăn của dịch bệnh, những người làm báo Hải Dương đã có thêm nhiều kinh nghiệm trong tác nghiệp như ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, phân công công việc, kiểm duyệt tin bài từ xa... Qua những kinh nghiệm tác nghiệp trong dịch bệnh cùng với những tác động mạnh mẽ của truyền thông xã hội với nhiều thông tin giả, sai sự thật, các nhà báo của tỉnh cũng được tôi rèn bản lĩnh nghề nghiệp, góp phần định hướng thông tin, khẳng định vị trí của báo chí cách mạng trong kỷ nguyên số.

Không chỉ trong bối cảnh dịch Covid-19 mà khi người đọc, người xem có sự thay đổi về nhu cầu và thói quen thì báo chí cũng phải thích ứng thay đổi theo một cách linh hoạt. Với phương châm “Ở đâu có bạn đọc ở đó có Báo Hải Dương”, định hướng “Lấy độc giả làm trung tâm” đã giúp Báo Hải Dương không ngừng đổi mới, thu hút thêm nhiều bạn đọc. Báo đã bắt nhịp và đáp ứng được nhu cầu thông tin của các bạn trẻ thông qua mạng xã hội (trang fanpage Báo Hải Dương được cấp "tích xanh" từ 1.6.2022).

Nhiều phóng viên của các tờ báo thường trú tại Hải Dương cũng dần thay đổi phương thức tác nghiệp để phù hợp với tình hình mới. Anh Đinh Mạnh Tú, Trưởng Đại diện Thông tấn xã Việt Nam tại Hải Dương nhận định, có thể thấy làm báo đa phương tiện là xu thế của báo chí hiện đại, đòi hỏi mỗi người làm báo phải có năng lực thực sự, nhanh nhạy, thích ứng với công việc đa dạng.

Theo ông Vũ Văn Úy, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội Nhà báo tỉnh, hội đã đồng hành cùng với các cơ quan báo chí tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn hội viên nâng cao kỹ năng, phương thức làm báo và thường xuyên cập nhật về xu hướng phát triển của báo chí để họ không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, bắt nhịp nhanh và hiệu quả với cách làm báo hiện đại.

Có thể thấy qua dịch bệnh báo chí Hải Dương càng trưởng thành, ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng nhiệm vụ của mình và được bạn đọc, khán thính giả tin cậy.

LAN ANH

(0) Bình luận
Báo chí Hải Dương linh hoạt thích ứng, phát triển