Doanh nghiệp vẫn "khát" lao động

02/08/2022 05:55

Để đáp ứng các đơn hàng cuối năm, nhiều doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực tuyển dụng thêm lao động, song không dễ vì nhu cầu lớn trong khi nguồn cung hạn chế.


Trường Cao đẳng Nghề Hải Dương đã liên kết với một số doanh nghiệp cung ứng lao động có tay nghề

Cầu nhiều hơn cung

Nếu trước đây, chị Nguyễn Thị Hồng ở xã Đoàn Thượng (Gia Lộc) phải đến doanh nghiệp để tìm việc làm thì nay doanh nghiệp đến tận khu nhà chị tuyển dụng. Họ tổ chức ngày hội tuyển dụng với rất nhiều ưu đãi cho công nhân mới vào làm. Công nhân chỉ cần nộp hồ sơ vào làm tại Công ty TNHH Shint BVT được nhận ngay từ 2-3 triệu đồng. Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam thưởng cho công nhân mới vào làm đến 4 triệu đồng và có nhiều phúc lợi như hỗ trợ nuôi con nhỏ dưới 3 tuổi với mức 300.000 đồng/tháng; nghỉ 3 thứ bảy và tất cả các ngày chủ nhật trong tháng. "Tôi thấy bây giờ doanh nghiệp cạnh tranh lao động chủ yếu bằng phúc lợi nên người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn”, chị Hồng cho biết.

Từ đầu năm đến nay, Công ty TNHH J.Plus.Vina ở xã Văn Tố (Tứ Kỳ) luôn đăng tuyển dụng lao động nhưng chưa khi nào tuyển đủ số lượng. Doanh nghiệp cũng đang tuyển 100 công nhân may, 20 công nhân là và 10 QC (kiểm soát chất lượng sản phẩm tại từng công đoạn) nhưng vẫn không có, dù công ty đã đưa ra nhiều ưu đãi như thưởng tháng lương thứ 13; hỗ trợ nắng nóng, xăng xe, chuyên cần 1,5 triệu đồng/người; hỗ trợ tay nghề, thâm niên… lên đến hàng triệu đồng. “Lao động phổ thông nói chung và lao động có trình độ tay nghề hiện nay đều khó tuyển dụng. Nguyên nhân do cơ hội việc làm rất nhiều, trong khi đơn vị nào cũng tung ra nhiều ưu đãi để giữ chân lao động", ông Phan Thanh Mạnh, quản lý nhân sự Công ty TNHH J.Plus.Vina chia sẻ.

Ngoài tự đăng tuyển lao động thì nhiều doanh nghiệp còn thuê các công ty chuyên về lĩnh vực cung ứng lao động nhưng việc này cũng không dễ dàng. Đại diện một doanh nghiệp chuyên tuyển dụng lao động ở TP Hải Dương cho biết công ty đang có đơn hàng với hàng chục doanh nghiệp, tập trung ở cả trong và ngoài tỉnh, song nhiều nhất vẫn là các doanh nghiệp ở huyện Cẩm Giàng. Các doanh nghiệp tuyển dụng đều có nhiều ưu đãi cho công nhân nhưng tuyển không dễ. 

Theo bà Trần Thị Khuyên, Trưởng Phòng Tư vấn giới thiệu việc làm (Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh), nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp hiện vẫn rất lớn. Dù không áp lực như đầu năm khi doanh nghiệp bắt đầu phục hồi sản xuất nhưng để đáp ứng đơn hàng cuối năm, nhiều doanh nghiệp phải tuyển thêm lao động. Nắm bắt được nhu cầu này, trong tháng 7, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức 7 phiên giao dịch việc làm, cùng một số doanh nghiệp đến các tỉnh miền núi phía Bắc ký kết hợp tác cung ứng lao động. Các Công ty TNHH: May Tinh Lợi, Công nghiệp Brother Việt Nam đang có nhu cầu tuyển dụng hàng nghìn lao động...

Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu nhưng vẫn khó tuyển được lao động. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Best Pacific Việt Nam làm việc trong môi trường chuyên nghiệp (ảnh chỉ mang tính chất minh họa)


Thiếu gắn kết giữa người sử dụng và đào tạo

Tại Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh diễn ra giữa tháng 7 vừa qua, đại biểu Nguyễn Công Hải, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh đã bày tỏ lo ngại về việc các doanh nghiệp của tỉnh thiếu lao động dù mức lương chi trả đã cao hơn, nhất là với lao động có tay nghề. Ông Hải cho rằng giải pháp căn cơ không phải tuyển dụng từ địa phương khác mà tỉnh cần đầu tư nguồn lực lớn hơn cho phát triển các trường nghề, tăng cường liên kết doanh nghiệp với nhà trường để cung ứng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.

Nhu cầu tuyển dụng lao động, nhất là lao động có tay nghề của các doanh nghiệp trong tỉnh lớn, nhưng hiện nay mối liên kết giữa doanh nghiệp và các trường đào tạo nghề còn khá lỏng lẻo. Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh có khoảng 16.000 doanh nghiệp nhưng mới chỉ có gần 200 doanh nghiệp có liên kết với các trường nghề để cung ứng lao động. Hình thức liên kết chủ yếu là doanh nghiệp cho học viên các trường đến thực tập; tiếp nhận giáo viên đến thực hành; tiếp nhận sinh viên vừa học, vừa làm; phối hợp đào tạo và tuyển dụng lao động; chuyển giao khoa học, kỹ thuật; tham gia xây dựng chương trình đào tạo; đánh giá, tổ chức thi tốt nghiệp... Còn liên kết bài bản để cung ứng nguồn nhân lực trực tiếp thì rất ít cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng như doanh nghiệp làm được. 

Sự liên kết lỏng lẻo này là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp luôn khát lao động, nhất là lao động qua đào tạo, có tay nghề trong khi các cơ sở giáo dục vẫn loay hoay tuyển sinh. Theo tổng hợp của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, trong tháng 7, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển hơn 1.400 lao động qua trung tâm thì có khoảng 30% số lao động có trình độ chuyên môn từ sơ cấp nghề trở lên nhưng đơn vị này cũng chỉ hỗ trợ cung ứng được khoảng 7% số người có trình độ từ sơ cấp trở lên. 

NGỌC LAN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp vẫn "khát" lao động