Kỷ niệm nghề

21/06/2022 09:15

Nghề báo đã đưa chúng tôi đi nhiều nơi, gặp nhiều người và để lại cho chúng tôi những kỷ niệm không thể nào quên.

Quan sát, quan sát và quan sát

Một đồng nghiệp lớn tuổi nói khi tôi mới vào nghề: "Nhà báo thì phải quan sát, quan sát và quan sát. Quan sát xong thì phải ghi nhớ, phải đặt câu hỏi tại sao".

Trong một chuyến công tác ở Hà Giang hồi đầu năm, chúng tôi đến viếng Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên. Đây là nơi an nghỉ của gần 1.900 anh hùng liệt sĩ ngã xuống trong cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược từ năm 1979.

Tuy nhiên, trong gần 2.000 ngôi mộ ấy, có một tấm bia với những thông tin khiến tôi dấy lên nhiều thắc mắc: "Liệt sĩ Nguyễn Đình Doanh, năm sinh 1941. Nguyên quán: xã Phượng Hoàng, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. CB-CV:... Đơn vị: 559. Hy sinh 04/9/1969". Theo thông tin trên bia mộ, liệt sĩ Doanh hy sinh trước khi nổ ra cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc tới 10 năm. Tại sao một liệt sĩ chống Mỹ lại ở nghĩa trang của các liệt sĩ chống quân Trung Quốc xâm lược? Ông thuộc Đoàn 559 bộ đội Trường Sơn vì sao lại nằm ở Hà Giang?

Mang theo những thắc mắc ấy, về Hải Dương, tôi đã tìm về gia đình liệt sĩ và mọi thắc mắc đã dần sáng tỏ. Ông Doanh đã tham gia chiến tranh chống Mỹ rồi ra quân. Về quê, ông lấy vợ rồi chuyển lên Hà Giang làm việc. Chiến tranh chống Mỹ ngày càng khốc liệt, ông tiếp tục lên đường đánh giặc, hy sinh rồi được quy tập đưa lên Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên để gia đình tiện bề chăm sóc. 

Báo đăng, một số người trong đoàn công tác nhắn tin cho tôi, nói cũng đứng trước tấm bia này nhưng không để ý đến thông tin trên đó.

Thế mới thấy, câu nói "Nhà báo thì phải quan sát, quan sát và quan sát" luôn đúng.

CẨM GIANG

Cuộc gọi lúc nửa đêm

1 giờ đêm hôm đó điện thoại đổ chuông, tôi khá lo lắng vì có thể người thân của mình có chuyện gì hoặc người gọi có việc cần kíp nên tôi nhấn nút nghe ngay.

Khi nghe giọng nói ở đầu dây bên kia khá bình tĩnh tôi mới bớt hồi hộp. Người gọi xưng tên, địa chỉ và lịch sự xin lỗi vì gọi điện giờ này. Anh cũng nói rõ lý do có số điện thoại của tôi và vì sao phải gọi điện lúc nửa đêm như vậy. Anh bảo vừa cãi nhau với mẹ vì đã khuyên nhủ nhiều lần mà mẹ không nghe. Quá bức xúc và không muốn nhiều người khác tin mù quáng, mất tiền oan vì “thần y rởm” trên mạng xã hội nên nhờ tôi tìm hiểu, phản ánh việc này.

Tôi đã về quê anh ở Bình Giang tìm hiểu thực trạng người dân mua thuốc hay thực phẩm chức năng dễ dàng trên internet. Bài Sập bẫy "thần y" của tôi được đăng sau đó tuy mới chỉ phản ánh được phần nào tình trạng mua bán thuốc dễ dàng trên mạng xã hội hiện nay nhưng tôi hy vọng qua đó nhiều người sẽ cảnh giác hơn, không mua thuốc theo hình thức rủi ro này.

Tôi cũng đã gửi đường link bài đăng trên báo điện tử để anh đọc và chia sẻ cho nhiều người biết. Bây giờ hễ địa phương, người dân nơi mình sinh sống có vấn đề gì cần báo chí phản ánh anh đều trao đổi và chia sẻ với tôi.

Trong hành trình hơn 10 năm làm báo của mình tôi luôn biết ơn những bạn đọc tin tưởng và sẵn sàng chia sẻ thông tin để những người làm báo như chúng tôi nắm bắt và phản ánh kịp thời những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Việc xây dựng lòng tin nơi bạn đọc rất quan trọng đối với mỗi phóng viên nói riêng và tờ báo nói chung.

HẢI MINH

Cẩn trọng không bao giờ thừa

Một ngày đầu tháng 6.2013, tôi về thôn Ngọc Tân, xã Thúc Kháng (Bình Giang) để viết bài. Trên đường đi, tôi thấy hệ thống mương máng tràn ngập rác rơm rạ, bốc mùi hôi thối. Tôi dừng xe xuống chụp ảnh kênh mương ngập rác. Do lúc đó đã gần 11 giờ trưa, phải đi gấp xuống gặp nhân vật tại cánh đồng ở thôn Châu Khê (cùng xã Thúc Kháng) nên tôi không hỏi về địa điểm xả rác ở thôn nào.

Buổi chiều, tôi định viết cho chuyên mục “Ý kiến bạn đọc” về tình trạng kênh mương tắc nghẽn, ô nhiễm vì rác rơm rạ ở xã Thúc Kháng. Nhưng tôi vẫn còn băn khoăn về địa chỉ thôn nơi có tình trạng này. Tôi nghĩ, nhiều khả năng thôn này là thôn Ngọc Tân vì từ chỗ tôi nhìn thấy địa chỉ thôn Ngọc Tân ở một số hộ dân ven đường đến chỗ xả rác chỉ chừng 300 m, rất khó có khả năng là thôn khác. Rồi tôi lại đấu tranh với chính mình: Nhưng mình chưa hỏi người dân ở nơi xả rác mà chỉ suy đoán thì có thể không chính xác. Cuối cùng, tôi quyết định cần xác minh, kiểm tra lại thông tin địa danh này, không thể vội vàng mà để sai sót.

Hơn 3 giờ chiều, tôi trở lại xã Thúc Kháng để xác minh thông tin. Đúng đến chỗ kênh mương có nhiều rác nhất, tôi hỏi một người dân vừa gánh lúa lên đường về địa chỉ chỗ này. Người này trả lời rõ rằng đây chính là cánh đồng thôn Ngọc Cục. Còn cánh đồng thôn Ngọc Tân ở tận phía xa, giáp với đường lớn. Cánh đồng thôn Ngọc Cục và thôn Ngọc Tân cách nhau con đường lớn. Vậy đây là thôn Ngọc Cục chứ không phải thôn Ngọc Tân như suy đoán của tôi. Tôi giật mình vì nếu cứ suy đoán chủ quan, không kiểm chứng thông tin thì tôi đã viết sai rồi.

NINH TUÂN

F0 đầu tiên của cơ quan

Tháng 1.2022, tôi là người đầu tiên của Báo Hải Dương mắc Covid-19. Lúc ấy, tình hình dịch vẫn căng thẳng, tôi phải đi điều trị tập trung tại Bệnh viện dã chiến đặt tại Trường Đại học Hải Dương 14 ngày. 

Cơ thể tôi khá mệt mỏi sau 3 ngày mắc bệnh. Dù được lãnh đạo cơ quan, anh em đồng nghiệp thường xuyên quan tâm, hỏi han, động viên nhưng bản thân tôi vẫn không tránh khỏi tâm lý lo lắng cho vấn đề sức khoẻ. Bên cạnh đó, hằng ngày chỉ được quanh quẩn trong căn phòng chật hẹp cũng khiến tôi cảm thấy bí bách, chán nản. May sao lãnh đạo phòng gọi điện gợi ý: “Em xem có thực hiện được đề tài phóng sự - ghi chép nào trong đó không?”. Đầu tôi chợt loé lên một vài ý tưởng. Hai hôm sau, phóng sự - ghi chép “Một lần là F0” của tôi ra đời, tiếp đến là video clip phản ánh về bác sĩ trẻ tình nguyện trong khu cách ly. Máy tính không mang theo, chỉ làm việc bằng điện thoại nhưng tôi vẫn cố gắng bảo đảm chất lượng nội dung, tiến độ. Có việc để làm trong khu điều trị giúp tôi quên đi cảm giác buồn chán, tâm lý lại thoải mái hơn. 

Sau này, nhiều đồng nghiệp của tôi ở Báo Hải Dương cũng mắc Covid-19. Theo quy định mới, họ không phải đi điều trị tập trung như tôi. Nhưng ở nhà, các phóng viên vẫn tác nghiệp trực tuyến. Công việc cuốn đi và chúng tôi đều nhanh chóng khỏi Covid-19.

TIẾN MẠNH


Ám ảnh ánh mắt những người khốn khổ

Là một phóng viên trẻ, tôi không sợ dấn thân nguy hiểm, mưa nắng dãi dầu để có các tin bài hay nhưng tôi lại ám ảnh khi gặp nhiều mảnh đời bất hạnh.


Ánh mắt của người đàn bà bất hạnh nơi xóm trọ nghèo dưới chân cầu Long Biên (Hà Nội) tôi gặp trong lần tác nghiệp tháng 6.2020 đến giờ vẫn khiến tôi buồn lòng

Khi còn là sinh viên, có hôm giữa trưa nắng nóng gay gắt, tôi đi làm phóng sự ảnh "Lao động nghèo “khu ổ chuột” oằn mình chống chọi với nắng nóng". Đã 2 năm từ buổi trưa hôm ấy, thứ ám ảnh tôi không phải mùi hôi của rác hay cái nắng như thiêu đốt mà là ánh mắt sầu bi của những mảnh đời nơi ấy. Ánh mắt ấy như biết nói. Nó nói lên một đời cực nhọc muôn phần, nó lan truyền sự xót xa đến xé lòng cho người nhìn vào nó.

Sau tốt nghiệp, tôi làm phóng viên thử việc tại Báo Hải Dương. Thời gian này, tôi được cử viết nhiều bài cho chuyên mục "Địa chỉ cần giúp đỡ" và lại gặp thêm nhiều ánh mắt như thế. Họ đều khó khăn, bất hạnh và ánh mắt của họ nhiều khi làm tôi run rẩy. Nhìn khuôn mặt nhiều người nghèo khổ, tôi day dứt, ám ảnh. Dường như trong ánh mắt ấy thể hiện bao nỗi khổ đau họ đã chịu đựng, chất chứa bao muộn phiền. Nhưng cũng từ những ánh mắt ấy mà tôi thêm quyết tâm phải viết ra những bài báo chân thực về niềm đau, nỗi buồn, sự nghèo khổ, khó khăn của họ để kêu gọi các nhà hảo tâm chung tay ủng hộ, giúp họ vơi bớt khó khăn, vượt lên nghịch cảnh.

PHONG TUYẾT 



(0) Bình luận
Kỷ niệm nghề