Rủi ro khi mượn danh xin việc

13/06/2022 10:21

Việc người lao động mượn hồ sơ tư pháp để đi làm và tham gia bảo hiểm xã hội không chỉ gây khó khăn cho cơ quan bảo hiểm trong giải quyết các chế độ liên quan mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của chính người lao động.


Người lao động sẽ bị ảnh hưởng quyền lợi về sau khi mượn hồ sơ tư pháp để xin việc, tham gia bảo hiểm xã hội (ảnh minh họa)

Do thiếu hiểu biết, nhiều lao động đã mượn hồ sơ tư pháp của người thân đi xin việc mà không biết sẽ gặp rắc rối, thiệt thòi về sau.

Rắc rối khi giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội

Cách đây 5 tháng, chị Th. (sinh năm 1968) ở huyện Ninh Giang có nhu cầu xin việc tại một công ty chuyên sản xuất giầy dép ở địa phương. Vì quá tuổi so với nhu cầu tuyển dụng của công ty nên chị Th. mượn hồ sơ của em gái ruột để xin việc. Công việc diễn ra khá thuận lợi, từ khâu xác minh hồ sơ của chính quyền địa phương đến việc nhận vào làm tại công ty. Chị Th. cho biết doanh nghiệp không khắt khe trong kiểm tra hồ sơ xin việc nên chỉ cần đủ giấy tờ theo yêu cầu sẽ được nhận vào làm. Theo chị Th. nhiều trường hợp cũng mượn hồ sơ của người thân để xin vào làm tại công ty. Bản thân chị Th. không rõ sau khi nghỉ việc có được giải quyết chế độ bảo hiểm hay không nhưng hằng tháng vẫn được công ty trả lương, sẽ giải quyết khó khăn tài chính trước mắt của gia đình chị. 

Theo cơ quan Bảo hiểm Xã hội (BHXH) một số huyện, người mượn, người cho mượn hồ sơ xin vào làm việc tại các doanh nghiệp thường có mối quan hệ thân thiết (anh, chị em ruột hoặc họ hàng). Hầu hết những trường hợp này đều thiếu hiểu biết về pháp luật. Ngoài ra, người sử dụng lao động cũng không xem xét kỹ hồ sơ trong quá trình tuyển dụng hoặc "lách luật" sẽ dẫn đến tình trạng trên. Điển hình như trường hợp của chị Nguyễn Thị T. ở xã Quang Trung (Tứ Kỳ) cho người thân là chị Nguyễn Thị H. (cùng huyện) mượn hồ sơ tư pháp để xin việc tại một công ty ở TP Hải Phòng. Trong quá trình tham gia làm việc, chị H. vẫn được hưởng lương, thưởng... nhưng dưới tên của người cho mượn là chị T. 

Thực tế cho thấy cả người mượn và cho mượn giấy tờ đều có thể gặp rủi ro trong việc giải quyết chế độ bảo hiểm. Nếu người cho mượn hồ sơ đi làm việc tại doanh nghiệp, khi có vấn đề cần giải quyết chế độ bảo hiểm sẽ gặp rắc rối vì thông tin của bản thân đang do người khác (người mượn) sử dụng ở một doanh nghiệp khác. Còn người đi mượn hồ sơ cũng sẽ khó được giải quyết chế độ ốm đau, thai sản của bản thân trong quá trình làm việc vì hồ sơ xin việc không đúng với thông tin cá nhân. 

Khó rà soát, giải quyết

Ngày 25.2.2022, BHXH tỉnh đã có công văn gửi tất cả các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh đề nghị rà soát, thống kê người lao động mượn hồ sơ tư pháp, đồng thời hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, tài liệu, chứng lý có liên quan theo đúng hướng dẫn của Thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Đến hết tháng 3.2022, BHXH tỉnh mới tiếp nhận 12 hồ sơ đề nghị.

Thực tế, việc rà soát người lao động mượn hồ sơ, giả mạo hồ sơ xin vào làm việc tại doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn bởi người lao động không phối hợp, không dám thừa nhận bởi mượn hồ sơ, giả mạo hồ sơ đi xin việc là hành vi vi phạm pháp luật về BHXH. Để có lao động, nhiều doanh nghiệp cũng không phối hợp thực hiện lập danh sách tổng hợp gửi cơ quan BHXH để xử lý.

Qua tìm hiểu của phóng viên, việc mượn hồ sơ để xin việc hiện nay còn khá nhiều. Một số người lao động chưa đủ tuổi hoặc quá tuổi so với yêu cầu tuyển dụng của công ty nên mượn giấy tờ của người khác để xin việc. Việc người lao động mượn hồ sơ tư pháp để đi làm và tham gia BHXH không chỉ gây khó khăn cho cơ quan BHXH trong giải quyết các chế độ liên quan mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Theo pháp luật về lao động, việc mượn tên, bằng cấp của người khác để được làm việc là hành vi gian dối, không trung thực. Thực trạng này phản ánh sự lơ là của chính quyền địa phương trong xác nhận hồ sơ xin việc của người lao động. 

Hiện nay, cơ quan BHXH phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét giải quyết đối với các trường hợp mượn hồ sơ tư pháp xin việc, tham gia BHXH. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã có công văn hướng dẫn giải quyết, xử lý điều chỉnh lại thông tin người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động mượn hồ sơ tư pháp của người khác để được tuyển dụng, tham gia BHXH. Để bảo vệ quyền lợi của chính mình, người lao động, người sử dụng lao động cần tự giác thông tin, phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc cập nhật, điều chỉnh thông tin tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Việc cho mượn, mượn giấy tờ (chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân) có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, theo điểm a, khoản 2, điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31.12.2021, hành vi chiếm đoạt, sử dụng giấy chứng minh nhân dân, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy xác nhận số chứng minh nhân dân của người khác bị phạt tiền từ 1- 2 triệu đồng; tại điểm d, đ khoản 4, điều 10, hành vi mượn, cho mượn giấy chứng minh nhân dân, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật bị phạt tiền từ 4-6 triệu đồng. 

NGHĨA AN

(0) Bình luận
Rủi ro khi mượn danh xin việc