Sinh viên mới ra trường nhảy việc vì thiếu định hướng, kỹ năng mềm

03/11/2019 09:51

Nhiều bạn trẻ không gắn bó với công việc trong những năm đầu vì chưa tìm ra ngành nghề thích hợp và thiếu kỹ năng mềm để thích nghi môi trường làm việc.

Theo khảo sát gần đây của Navigos Group, 70% ứng viên làm việc trung bình từ 4 năm trở xuống tại một công ty, tức mức độ gắn bó thấp. Nghiên cứu của Cornerstone cũng cho thấy 77% người lao động trẻ sẵn sàng nhảy việc, cân nhắc việc chuyển đến thành phố khác sinh sống, làm việc.

Loay hoay tìm nơi phù hợp

Trong 5 năm sau khi tốt nghiệp ngành quan hệ quốc tế, Ngọc Diệp (27 tuổi, Hà Nội) trải qua 5 công ty. Trong đó, ở nhiều nơi, Diệp thậm chí không gắn bó một năm.

Năm 2014, Diệp bắt đầu với công việc ở phòng truyền thông của một tổ chức giáo dục. Tuy nhiên, công việc chính lại là ngồi nghe điện thoại khách hàng. Sự khác biệt này khiến cô hoang mang.

Sinh vien moi ra truong nhay viec vi thieu dinh huong, ky nang mem hinh anh 1

77% lao động trẻ sẵn sàng nhảy việc, 70% ứng viên làm việc trung bình dưới 4 năm tại một công ty. Ảnh minh họa: iStock

Làm được khoảng 10 tháng năm, Diệp xin sang làm nhân viên nội dung tại một trung tâm vui chơi, giải trí. Đến nay, đây là nơi cô gắn bó lâu nhất - hơn 2,5 năm.

Chán những ngày đến công ty, lặp đi lặp lại công việc nhàm chán, Ngọc Diệp chọn lấn sang lĩnh vực marketing bất động sản để thử thách bản thân.

“Chỉ đến khi làm ngành này, tôi mới tìm được việc phù hợp năng lực, sở thích của bản thân. Cảm giác cố gắng mỗi ngày, làm việc cùng nhóm để thực hiện dự án rất tuyệt. Nhưng việc gắn bó với một nơi vẫn không hề dễ”, cô gái 27 tuổi nói, đồng thời giải thích lý do liên tục nhảy việc trong hai năm gần đây.

Không chỉ Ngọc Diệp, Mai Ngọc (25 tuổi, TP Hồ Chí Minh) cũng trải qua nhiều công ty với vị trí công việc khác nhau. Từ học kỳ 1 năm thứ tư đại học, Ngọc bắt đầu đi làm với công việc bán bánh su kem. Dù không liên quan chuyên ngành, công việc này giúp cô rèn luyện nhiều kỹ năng không được học ở trường.

Tuy nhiên, vì “tiếc rẻ” tấm bằng đại học, Mai Ngọc quyết định nghỉ việc để chuyển sang làm cho một trang tin chuyên về đời sống giới trẻ. Với khả năng viết lách cùng vốn kiến thức về ngôn ngữ, Mai Ngọc khá thuận lợi trong công tác. Nhưng gắn bó gần một năm, cô nhận ra bản thân thích làm báo chí chuyên nghiệp nên lại “nhảy” việc.

Lần này, Mai Ngọc làm việc cho tờ báo điện tử lớn. Đương nhiên, thử thách cũng rất lớn đối với người không học chuyên ngành báo chí. Cô gặp khó khăn trong việc triển khai đề tài, không có mối quan hệ nên mất nhiều thời gian để tìm, kết nối nguồn tin.

Trong một năm làm việc ở đây, Ngọc nhận rõ mình thích nghề báo và học hỏi nhiều điều. Song cô vẫn quyết định nghỉ việc vì không thể hòa nhập với môi trường và gắn kết đồng nghiệp.

Công việc tiếp theo, cũng là hiện tại, của Mai Ngọc là nhân viên nội dung tại một doanh nghiệp truyền thông, phụ trách viết kịch bản chương trình hoặc lên nội dung cho video.

Ngọc thừa nhận mất hai tháng thử việc để thích nghi với công việc và 4 tháng để quen thuộc mọi thứ. Về công việc chuyên môn, cô coi như phải học lại từ đầu. Nhưng đó chưa phải khó khăn lớn nhất.

Sinh vien moi ra truong nhay viec vi thieu dinh huong, ky nang mem hinh anh 2
Mai Ngọc thừa nhận bản thân thiếu kỹ năng để thích nghi với môi trường làm việc nên chuyển chỗ làm liên tục trong 3 năm qua. Ảnh: NVCC

Từ môi trường báo chí tự do, nữ nhân viên 25 tuổi phải thích ứng với quy trình làm việc chặt chẽ của doanh nghiệp, làm quen việc email báo cáo với sếp mọi công đoạn.

Sau một năm rưỡi gắn bó, thích nghi với môi trường đồng thời nắm vững chuyên môn, Mai Ngọc lại có ý định nhảy việc để thử thách ở môi trường mới.

Chọn sai ngành và thiếu kỹ năng mềm

Cả Ngọc Diệp và Mai Ngọc đều trải qua nhiều ngành nghề, chỗ làm rồi gắn bó với công việc không liên quan chuyên ngành ở đại học.

Diệp tâm sự cô chọn ngành vì “nghe tên sang chảnh” và bản thân đủ điểm trúng tuyển. 4 năm đại học của cô đầy màu sắc với các hoạt động ngoại khóa, các môn chuyên ngành không được chú trọng. Diệp cầm tấm bằng cử nhân Quan hệ Quốc tế nhưng không biết tiếng Anh, ngoài bài tập chia động từ theo thì phục vụ các kỳ thi.

Diệp thậm chí chưa từng nghĩ đến việc theo nghề đúng chuyên ngành. Cô cảm thấy may mắn vì sau nhiều lần va vấp với thực tế, mình cũng tìm được công việc đúng ý.

Trong khi đó, Mai Ngọc cho biết cô không gắn bó lâu dài với công việc vì không xác định được mình thích và phù hợp nghề nào.

“Hơn nữa, kỹ năng mềm cũng kém nên khó thích nghi với môi trường và chỉ hòa nhập khi cảm giác được sự an toàn từ đồng nghiệp”, Ngọc chia sẻ. Cô cho biết thêm cảm thấy tiếc nuối vì bỏ qua việc rèn luyện kỹ năng mềm khi trường không dạy.

Sinh vien moi ra truong nhay viec vi thieu dinh huong, ky nang mem hinh anh 3
Bà Nguyễn Phương Mai cho rằng nhiều bạn trẻ thường xuyên nhảy việc do thiếu định hướng nghề nghiệp nên cảm thấy bế tắc. Ảnh: NVCC

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search, cho biết người trẻ thường xuyên nhảy việc vì gặp khó khăn trong định hướng nghề nghiệp. Sinh viên hiện nay, sau khi ra trường, có sự gắn kết với sự phát triển vượt bậc của công nghệ.

Họ nhạy bén với công nghệ, có lợi thế hơn hẳn so với thế hệ trước. Đồng thời, thế hệ nhân lực này có điều kiện tiếp cận những tư duy quốc tế và học ngoại ngữ mới.

Tuy nhiên, điểm yếu trong định hướng nghề nghiệp khiến sinh viên mới ra trường cảm thấy bế tắc, khó gắn bó với công việc.

“Họ không xác định được giai đoạn mới ra trường là “bản lề” để học tập, quan sát, tích lũy kinh nghiệm, xây dựng nền tảng cho sự nghiệp”, bà Mai nhận định.

Ngoài ra, để tránh tình trạng nhảy việc liên tục, người trẻ cần cập nhật liên tục kỹ năng tự học hỏi, giải quyết vấn đề, hợp tác nhóm, kỹ năng phản biện và tư duy lãnh đạo, kỹ năng lãnh đạo tự thân...

Theo Zing.vn

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sinh viên mới ra trường nhảy việc vì thiếu định hướng, kỹ năng mềm