Trăn trở nghề công tác xã hội ở bệnh viện

25/03/2023 08:34

Để phát huy vai trò của người làm công tác xã hội nhằm hỗ trợ đắc lực cho cả bác sĩ và bệnh nhân thì cần có sự quan tâm hơn nữa của ngành y tế.


Những người làm công tác xã hội trong bệnh viện thường xuyên phối hợp các tổ chức, cá nhân để thăm, tặng quà chia sẻ khó khăn với bệnh nhân

Cầu nối

Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương) đầu tuần rất đông bệnh nhân. Nhiều người loay hoay không biết làm thủ tục khám bệnh thế nào thì đều được chị Nguyễn Thu Hường, điều dưỡng của Khoa Ngoại 3 đến hướng dẫn tỉ mỉ. Nhiều bệnh nhân đến đây nhầm tưởng chị Hường là sinh viên thực tập, nhưng không phải, chị đang làm nhiệm vụ của cán bộ công tác xã hội tại bệnh viện.

Phòng Công tác xã hội của Bệnh viện Đa khoa tỉnh được thành lập từ năm 2015. Đây là bệnh viện duy nhất của tỉnh thành lập được phòng này. Đây là bệnh viện hạng I, tuyến cuối trong hệ thống khám chữa bệnh của tỉnh nên có thời điểm bệnh nhân đến khám và điều trị rất đông, gây áp lực không nhỏ đến hệ thống y tế, đội ngũ y, bác sĩ cũng như bệnh nhân và người nhà. Trong hoàn cảnh này, nhân viên công tác xã hội là cầu nối để giải quyết những vấn đề nảy sinh giữa bệnh nhân và nhân viên y tế; giữa bệnh nhân và bệnh nhân, giúp giảm áp lực tại bệnh viện.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hải Trung, Trưởng Phòng Công tác xã hội của bệnh viện cho biết mỗi ngày, các bác sĩ phải thăm khám, điều trị cho hàng trăm lượt bệnh nhân từ nặng đến nhẹ. Quá tải, bác sĩ không đủ thời gian, sức lực để tư vấn và trả lời hết những thắc mắc của bệnh nhân và người nhà sẽ dẫn đến những mâu thuẫn không đáng có. “Thực tế đã từng xảy ra những xung đột giữa bệnh nhân và y, bác sĩ. Sau khi được chúng tôi tìm hiểu nguyên nhân, cặn kẽ tư vấn, giải thích, bệnh nhân đã vui vẻ, tích cực hợp tác với bác sĩ điều trị. Nhờ đó các bác sĩ cũng giảm áp lực tâm lý, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh”, bác sĩ Trung nói.


Điều dưỡng Nguyễn Thu Hường ở Khoa Ngoại 3 (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương) hỗ trợ bệnh nhân làm thủ tục và di chuyển vào phòng điều trị

Tại Trung tâm Y tế huyện Gia Lộc, những người làm công tác xã hội thường xuyên trao đổi, tìm hiểu và phối hợp với các tổ chức, cá nhân để kết nối, hỗ trợ bệnh nhân. Bệnh viện thường xuyên phối hợp chùa Phúc Long ở xã Gia Tân (Gia Lộc) phát cháo miễn phí cho bệnh nhân. Nhiều phần quà ý nghĩa đã được bệnh viện phối hợp với các Mạnh Thường Quân trao tận tay bệnh nhân nghèo, bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn. Chị Nguyễn Thị Linh, bệnh nhân ở xã Hồng Hưng, điều trị dài ngày ở Trung tâm Y tế huyện Gia Lộc cho biết: "Ở bệnh viện, nơi sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, nhiều khi chán nản, sợ hãi, buông bỏ, không muốn điều trị nhưng nhờ sự động viên, hỗ trợ kịp thời của cán bộ công tác xã hội mà chúng tôi có thêm niềm tin, nghị lực để điều trị, vượt qua bệnh tật. Họ không chỉ động viên tinh thần mà còn cùng với nhiều tổ chức xã hội đến thăm, tặng quà chúng tôi…”.

Đa phần kiêm nhiệm

Khẳng định vai trò quan trọng của người làm công tác xã hội, bác sĩ Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Gia Lộc cho rằng ở mỗi bệnh viện rất cần một bộ phận chuyên trách mảng này. Tuy nhiên, thực tế đa phần các bệnh viện của tỉnh đều không bố trí được khoa hoặc phòng riêng. Trung tâm Y tế huyện Gia Lộc cũng mới chỉ thành lập được Tổ Công tác xã hội mà phần lớn là điều dưỡng, cán bộ hành chính phụ trách thêm công việc này. 


Cán bộ làm công tác xã hội ở Bệnh viện Phổi Hải Dương đa phần kiêm nhiệm

 Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nơi sớm thành lập được Phòng Công tác xã hội riêng biệt nhưng cũng chỉ có 6 cán bộ chính, còn lại vẫn phải huy động thêm nhân viên y tế từ các khoa, phòng khác hỗ trợ. Theo bác sĩ Phạm Hải Trung, vì đây là nghề mới, đặc thù trong bệnh viện nên việc thu hút cán bộ vào làm việc cũng không dễ. Việc hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ công tác xã hội ở bệnh viện cũng rất ít được Bộ Y tế triển khai. Hiện tại, những người làm công tác xã hội chủ yếu trao đổi, hướng dẫn nghiệp vụ với nhau qua một nhóm Zalo do một bác sĩ ở tuyến Trung ương lập ra. 

Vì kiêm nhiệm nên họ làm việc chủ yếu vì trách nhiệm, nhiệt tình với bệnh nhân chứ không được nhận bất cứ một khoản phụ cấp nào. Chị Nguyễn Thị Phương, Tổ trưởng Tổ Công tác xã hội, Điều dưỡng trưởng Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Phổi Hải Dương) trăn trở: “Ở những nước tiên tiến, những người làm công tác xã hội trong bệnh viện rất được coi trọng. Họ có hẳn một khoa, phòng riêng, hưởng lương và chế độ theo đúng chuyên môn và nhiệm vụ của mình”.

Nghề công tác xã hội ở Việt Nam chính thức được công nhận từ năm 2010 sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25.3.2010. Từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 25.3 hằng năm là "Ngày Công tác xã hội Việt Nam", để tôn vinh giá trị của nghề công tác xã hội. Nghề công tác xã hội trong ngành y tế cũng đã được hình thành ngay sau đó khi Bộ Y tế ban hành Đề án “Phát triển nghề công tác xã hội trong ngành y tế giai đoạn 2011-2020”.

HẢI MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trăn trở nghề công tác xã hội ở bệnh viện