Từ ngày 1.7: Chính thức bỏ "biên chế suốt đời"

01/07/2020 16:09

Quy định mới này nhằm tạo cơ chế cạnh tranh, giúp đội ngũ viên chức nâng cao năng suất lao động; chấm dứt tư tưởng phó mặc, chây ỳ tồn tại trong một bộ phận viên chức.

Từ ngày 1.7, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực. Theo đó, nhiều quy định mới sẽ tác động trực tiếp đến mọi cán bộ, công chức, viên chức.  

Tất cả viên chức được tuyển dụng sau ngày 1.7.2020 sẽ thực hiện hợp đồng làm việc xác định thời hạn


Điểm mới đầu tiên đáng chú ý là tất cả viên chức được tuyển dụng sau ngày 1.7.2020 sẽ thực hiện hợp đồng làm việc xác định thời hạn, không ký hợp đồng không xác định thời hạn. Hợp đồng không xác định thời hạn chỉ được áp dụng với viên chức được tuyển dụng trước ngày 1.7.2020; cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức; người được tuyển dụng làm viên chức ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Quy định mới này nhằm tạo cơ chế cạnh tranh, giúp đội ngũ viên chức nâng cao năng suất lao động; chấm dứt tư tưởng phó mặc, chây ỳ tồn tại trong một bộ phận viên chức với suy nghĩ đã vào biên chế hoặc ký hợp đồng không xác định thời hạn thì đương nhiên sẽ không bị đuổi việc. Việc bỏ "biên chế suốt đời" cũng tránh được những tiêu cực trong tuyển dụng. Thực tế, nhiều người sẵn sàng chi một số tiền không nhỏ "chạy" vào biên chế để không phải lo mất việc giữa chừng. Ngoài ra, quy định mới này còn khắc phục tình trạng thiếu, thừa cục bộ nhân sự, nhiều nơi thừa lao động nhưng không thể cắt giảm... Chị Phạm Thị Mây, giáo viên Trường Tiểu học Cổ Bì (Bình Giang) cho rằng quy định mới này sẽ tạo động lực để các giáo viên phấn đấu, nâng cao chất lượng công việc. Tuy nhiên, sẽ không tránh khỏi tâm lý băn khoăn vì nhiều người sẽ phải làm việc trong trạng thái có thể bị chấm dứt hợp đồng bất cứ lúc nào.

Điểm đáng chú ý thứ hai là bổ sung quy định đánh giá cán bộ, công chức, viên chức. Nội dung đánh giá công chức được sửa đổi, bổ sung theo hướng gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Quy định này nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức. Cụ thể, điểm d, điều 56, nội dung đánh giá công chức, quy định công chức đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao; tiến độ và chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phải gắn với vị trí việc làm, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể...  Khoản b, điều 41, nội dung đánh giá viên chức căn cứ kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao; tiến độ, chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phải gắn với vị trí việc làm, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể.

Luật cũng quy định giao người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức, viên chức quy định phù hợp với đơn vị, cơ quan mình, bảo đảm đúng tiêu chí được đề ra. Điểm đáng chú ý nữa của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức là bổ sung quy định về việc xử lý đối với hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu.

Khoản 18, điều 1 của luật quy định: Mọi hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Căn cứ vào tính chất, mức độ nghiêm trọng, người có hành vi vi phạm có thể bị xử lý hình sự, hành chính hoặc xử lý kỷ luật. Cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm gắn với hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật.

Theo ông Nguyễn Mạnh Tiệp, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tiền Tiến (TP Hải Dương), việc bổ sung quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ hưu, nghỉ việc thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, xóa bỏ tư duy "hạ cánh an toàn" từng tồn tại. Ông Tiệp cho rằng cán bộ, công chức, viên chức phải luôn có ý thức rèn luyện, dù là cán bộ nghỉ hưu cũng phải gương mẫu.

HN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Từ ngày 1.7: Chính thức bỏ "biên chế suốt đời"