Vợ chồng trẻ “treo” bằng đại học về quê khai thác rươi, cáy

29/01/2020 09:26

Vợ chồng anh Bách đón một cái Tết to vì nước rươi cuối năm vừa rồi được mùa, thu lãi hàng tỷ đồng.


Anh Nguyễn Hữu Bách đã chuẩn bị phân ủ mục để cải tạo môi trường thuận lợi cho rươi, cáy sinh trưởng

Năm nay, vợ chồng anh Nguyễn Hữu Bách ở thôn Thuần Mỹ, xã Vĩnh Lập (Thanh Hà) đón một cái Tết to và vui hơn nhiều so với những năm trước vì nước rươi cuối năm vừa rồi được mùa, anh chị thu lãi hàng tỷ đồng.

Tuy mới 34 tuổi nhưng trong ngôi nhà nhỏ của anh Bách ở bãi khai thác rươi không thiếu thứ gì. Anh đã sắm được xe ô tô, xe máy đắt tiền. Trong nhà đầy đủ những vật dụng cần thiết, nhiều đồ dùng sang trọng, cao cấp. Anh Bách hồ hởi mời chúng tôi chén trà đầu năm và không ngại nói về con đường khởi nghiệp đầy vất vả của mình.

Anh Bách tốt nghiệp Trường Đại học Dân lập Hải Phòng năm 2011. Với khát khao thành công sớm, anh Bách vào Tây Nguyên hùn vốn cùng một số người bạn lập công ty tư nhân nhưng lúc đó may mắn không mỉm cười với anh. Sau vài tháng không duy trì được, công ty giải thể, anh đi làm thuê cho một số doanh nghiệp. Thế nhưng ý chí muốn làm chủ kinh tế luôn thôi thúc anh từng ngày. Sau đó, anh quyết định về quê làm thuê ở một số lò gạch trên vùng đất bãi. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn UBND tỉnh có yêu cầu tháo dỡ lò gạch thủ công. Cũng chính từ khi tháo dỡ các lò gạch, anh Bách đã nhanh trí xin địa phương cho đấu thầu lại một số diện tích đất bãi hoang ở triền sông Văn Úc để khai thác rươi, con cáy. Đến nay, anh Bách có 8 mẫu khai thác rươi, cáy. Vụ rươi năm 2019, vợ chồng anh Bách thu lãi khoảng 1 tỷ đồng.

Anh Bách cho biết lúc đầu về làm nông nghiệp gia đình ai cũng cấm cản vì cho ăn cho học mấy năm mà không theo nghề. Thêm vào đó, vợ anh tốt nghiệp Trường Đại học Hải Phòng ra cũng đành “treo” bằng để cùng chồng làm giàu trên đồng đất bãi. Nhớ lại những ngày mới khởi nghiệp anh Bách nói: “Lúc đầu hai vợ chồng rất vất vả nhưng động viên nhau cố gắng làm. Bố mẹ tôi sau đó cũng hỗ trợ thêm vì cấm cản nhiều không được. Bên cạnh đó, địa phương tạo điều kiện nên chúng tôi có quyết tâm hơn”.


Lưới đựng rươi, cáy lúc nào cũng sẵn sàng 

Khai thác rươi, cáy thu lợi nhuận cao vậy nhưng không hề đơn giản. Cũng cùng một triền sông ấy nhưng không phải bãi nào cũng cho nhiều rươi, cáy như bãi rươi, cáy của vợ chồng anh Bách. Anh Bách nói nếu không có kinh nghiệm chỉ một vài năm rươi, cáy cũng hết. Vì thế vừa khai thác vừa phải tái tạo bằng cách chăm sóc đất cẩn thận. Sau một vụ thu hoạch rươi, anh Bách trồng lúa, lấy rơm, rạ, phân gà ủ mục để cải tạo đất. Nguồn nước ra vào liên tục, sạch sẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho con rươi sinh trưởng. Vì thế rươi có thể thu hoạch quanh năm, nhưng tập trung nhiều nhất từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch. Trong năm 2019, có ngày vợ chồng anh thu được gần 1 tấn rươi. Vợ chồng anh Bách còn thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ con cáy.

Con rươi, con cáy hiện vẫn là đặc sản nên vợ chồng anh Bách không phải lo đầu ra. Cứ có sản phẩm là thương lái đến thu mua tận nơi. Những năm trước, vợ chồng anh chỉ thu lãi khoảng 500 triệu đồng nhưng năm nay cao hơn hẳn. “Chỉ cần xác định được đích đến và có quyết tâm là sẽ làm được. Ngoài việc khai thác tự nhiên, tôi phải học hỏi kinh nghiệm nhiều người và áp dụng tiến bộ khoa học, lựa chọn phân bón sinh học để tạo dinh dưỡng cho đất thì mới có thể kéo dài thời gian khai thác rươi, cáy”, anh Bách nói.

Cuối năm 2019, vùng khai thác rươi, cáy xã Vĩnh Lập được đầu tư 2,7 tỷ đồng để làm đường. Con đường đi qua nhà anh Bách. Vì thế đường ra bãi rươi, cáy nhà anh Bách giờ đây không còn lầy lội như trước mà khang trang sạch sẽ, là điểm đến tham quan, học tập kinh nghiệm hấp dẫn. Tuy cách xa làng xóm nhưng ở ngôi nhà nhỏ ấy vẫn tràn ngập không khí mùa xuân, ấm áp và vui tươi.   

MINH NGUYỆT 

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vợ chồng trẻ “treo” bằng đại học về quê khai thác rươi, cáy