Xung quanh việc tăng lương tối thiểu vùng

22/06/2022 13:30

Thông tin tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1.7 không làm nhiều người lao động (NLĐ) bất ngờ bởi hầu hết các doanh nghiệp trong tỉnh đã trả lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng tăng sắp tới.


Công ty TNHH Bùi Bình Minh, xã Tân An (Thanh Hà) đã trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng sắp tới

NLĐ mong doanh nghiệp sớm phục hồi sau đại dịch, tăng phúc lợi, nâng cao đời sống công nhân.

Người lao động thấu hiểu

Chị Nguyễn Thị Hanh, công nhân Công ty TNHH Hyundai Kefico Hải Dương ở khu công nghiệp Đại An (TP Hải Dương) cho biết doanh nghiệp nơi chị làm việc đã trả lương cơ bản cao hơn so với lương tối thiểu vùng mà Chính phủ vừa quyết định tăng vào ngày 1.7 tới từ mấy năm trước. “Hiện nay, NLĐ ở công ty đã được trả lương cơ bản hơn 4 triệu đồng/người/tháng, cao hơn mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng sắp tới khoảng 600.000 đồng/người/tháng. Chúng tôi mong doanh nghiệp làm ăn thuận lợi để tăng phúc lợi và các khoản trợ cấp khác, sau đó sẽ tính toán tăng lương để đời sống công nhân bớt khó khăn”, chị Hanh đề xuất. 

Ông Trần Văn Cương, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết nếu như trước đây cứ mỗi dịp tăng lương tối thiểu vùng sẽ có từ 20-30 doanh nghiệp xảy ra tình trạng công nhân ngừng việc, đình công đòi tăng lương dù doanh nghiệp đó đã trả lương cao hơn mức tối thiểu mà Chính phủ quy định. Nguyên nhân do NLĐ chưa hiểu được bản chất của tăng lương tối thiểu vùng. Mấy năm gần đây, do được tuyên truyền kịp thời nên NLĐ đã hiểu hơn về quy định tăng lương tối thiểu nên gần như rất ít xảy ra ngừng việc tập thể vì lý do này. Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp của Hải Dương đều trả mức lương cao hơn lương tối thiểu vùng, chỉ còn một số ít doanh nghiệp nhỏ, chủ yếu trong các làng nghề ở  nông thôn trả thấp hơn so với mức lương tối thiểu vùng nhưng cũng sẽ điều chỉnh tăng từ ngày 1.7 tới. 

Để giữ chân NLĐ, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp của Hải Dương đã tăng lương cho NLĐ trước khi Chính phủ quyết định tăng lương tối thiểu vùng. Sau khi Chính phủ quyết định tăng lương tối thiểu từ ngày 1.7 tới, không ít nơi, NLĐ sẽ vin vào cớ tăng này để đòi quyền lợi. Chị Nguyễn Thị Nhung, cán bộ Phòng Hành chính - Nhân sự Công ty TNHH Hyundai Kefico Hải Dương cho biết chúng tôi rất mong NLĐ chia sẻ với doanh nghiệp giai đoạn khó khăn hiện nay. Sau khi sản xuất ổn định, doanh thu tốt chúng tôi sẽ nghiên cứu phương án tăng lương tiếp cho NLĐ”.

Cần giám sát chặt chẽ

Lần đầu tiên Việt Nam có quy định tính lương tối thiểu vùng theo giờ. Mức lương tính theo hình thức này được áp dụng đối với NLĐ làm những công việc linh hoạt, không trọn thời gian, lao động thời vụ. Việc đưa ra mức lương tối thiểu này là muộn so với nhiều nước trên thế giới. “Nhưng có còn hơn không vì hiện nay không ít doanh nghiệp tuyển dụng lao động làm việc theo giờ và trả lương theo hình thức thỏa thuận miệng giữa hai bên chứ không có mức lương tối thiểu để NLĐ có thể căn cứ vào đó yêu cầu người sử dụng lao động trả tiền công không thấp hơn mức tối thiểu theo giờ. Chúng tôi cũng rất mong cơ quan chức năng giám sát chặt việc trả lương theo giờ cho NLĐ”, chị Nguyễn Thị Dịu, lao động thời vụ cho cơ sở sản xuất giày da ở thôn Trúc Lâm, xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) chia sẻ.

Để giám sát việc trả lương tối thiểu theo giờ đúng quy định sẽ rất khó khăn do lao động thời vụ chủ yếu thỏa thuận miệng với chủ sử dụng lao động về mức lương. Tuy vậy, quy định về mức lương tối thiểu theo giờ cũng sẽ là căn cứ để NLĐ có cơ sở để yêu cầu chủ sử dụng lao động phải trả cho mình mức tiền công đáp ứng được mức sống tối thiểu hiện nay.

Theo đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, do lần đầu tiên áp dụng mức lương tối thiểu theo giờ nên chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận ý kiến của NLĐ khi cơ sở sản xuất, chủ sử dụng lao động vi phạm quy định trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu theo giờ.

Việc tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1.7 sắp tới có lợi đối với nhiều NLĐ. Các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trước đây trả lương cho NLĐ thấp hơn mức lương tối thiểu thì lần này phải điều chỉnh tăng để bảo đảm cuộc sống cho họ. Công đoàn các cấp là những người giám sát việc thực hiện tăng lương tối thiểu vùng của doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. “Chúng tôi đã yêu cầu tổ chức công đoàn các địa phương rà soát, nắm bắt nhưng nơi nào còn trả lương tối thiểu vùng thấp hơn sẽ phải thực hiện đúng quy định. Những doanh nghiệp đang trả lương cơ bản cao hơn lương tối thiểu vùng mới thì tổ chức công đoàn căn cứ vào thực tế hoạt động của doanh nghiệp đề xuất phương án tăng lương phù hợp hoặc tăng phúc lợi để NLĐ gắn bó với công ty”, ông Trần Văn Cương, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết.

Theo khoản 3 điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì nếu doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng cho từ 1-10 người lao động sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng. Mức phạt tăng lên từ 30-50 triệu đồng nếu vi phạm từ 11- 50 người lao động. Phạt từ 50-75 triệu đồng đối với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.

LAN ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xung quanh việc tăng lương tối thiểu vùng