Cần giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường cụm công nghiệp

25/11/2021 11:00

Tình trạng ô nhiễm môi trường trong các cụm công nghiệp đang là vấn đề nan giải, gây bức xúc dư luận, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương cần có giải pháp căn cơ nhằm giải quyết triệt để.


Người dân nhiều lần kiến nghị, bức xúc về vấn đề môi trường tại cụm công nghiệp Ba Hàng (ảnh tư liệu)

Hiện nay, việc xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh chủ yếu phụ thuộc vào các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm quy định về môi trường trong quá trình thực hiện dự án. Tình trạng ô nhiễm môi trường trong CCN đang là vấn đề nan giải, gây bức xúc trong dư luận tại nhiều địa phương.

Nước bốc mùi hôi thối

Nhiều năm nay, người dân sống gần CCN Ba Hàng (TP Hải Dương) đã không ít lần bức xúc phản ánh, kiến nghị về tình trạng nước thải tại kênh mương cạnh CCN có màu đen, bốc mùi hôi thối. Một số doanh nghiệp trong quá trình hoạt động cũng xả mùi khó chịu vào khu dân cư. Cơ quan chức năng nhiều lần xác minh, kiểm tra thông tin về vấn đề môi trường tại đây. 

Mới đây nhất, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã chủ trì, phối hợp Công an tỉnh, UBND TP Hải Dương kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong CCN Ba Hàng. Qua kiểm tra 18 cơ sở đang hoạt động trong CCN Ba Hàng thì có tới 9 đơn vị đã đi vào hoạt động sản xuất nhưng không lập các thủ tục về môi trường theo quy định. Các cơ sở này thuê lại nhà xưởng của các cơ sở thứ cấp để hoạt động. Mới có 5 đơn vị có hệ thống xử lý nước thải tập trung, 13 cơ sở chỉ xử lý nước thải bằng bể phốt hoặc bể lắng, lọc rồi thải vào hệ thống thoát nước mưa, sau đó chảy vào hệ thống thoát nước chung của CCN. Hầu hết các cơ sở đều không phân lập hệ thống thu gom nước thải và nước mưa.

Huyện Tứ Kỳ có 3 CCN đang hoạt động. Liên quan đến vấn đề môi trường CCN, báo cáo của UBND huyện Tứ Kỳ đã thẳng thắn nhìn nhận, công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế. Việc đầu tư hệ thống xử lý và hệ thống thu gom nước thải, khí thải, chất thải của các CCN chưa thực hiện được. Nguyên nhân do việc thiếu quy hoạch hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường. Các cơ sở sản xuất trong CCN hầu hết đều quy mô nhỏ, việc xử lý nước thải, chất thải rắn và đầu tư hệ thống xử lý khí thải chưa được quan tâm.

Theo kết quả quan trắc nước thải của Sở TNMT tại 25 điểm là nguồn tiếp nhận nước thải của các CCN trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2020 cho thấy, nhiều thông số về chất lượng nước tại các kênh mương tiếp nhận bị ô nhiễm. Điển hình là thông số amoni và nitơ (NH4+ và N) vượt quy chuẩn cho phép từ 1 - 158 lần. Kết quả quan trắc môi trường không khí tại 56 điểm cho thấy có một số CCN có thông số tiếng ồn, bụi vượt quy chuẩn cho phép từ 1- 5,5 lần.

Đại diện Sở TNMT cho biết, hiện nay môi trường trong các CCN còn có vấn đề gây bức xúc dư luận là tình trạng ô nhiễm nguồn nước tiếp nhận và bụi. Nguyên nhân do 32 trong tổng số 33 CCN đã đi vào hoạt động chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các doanh nghiệp tự xử lý cục bộ trước khi xả ra môi trường, một số doanh nghiệp chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải hoặc đã xây dựng nhưng vận hành còn mang tính đối phó. Hệ thống cơ sở hạ tầng như đường giao thông, cây xanh trong CCN chưa được đầu tư hoàn chỉnh. Một số tuyến đường giao thông nội bộ trong CCN đã xuống cấp. Nhiều CCN đã đi vào hoạt động nhưng chưa có thủ tục về môi trường.

Cần giải pháp căn cơ

Nói về giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong CCN, ông Nhữ Văn Cúc, Chủ tịch UBND huyện Thanh Miện cho biết: "Những năm gần đây, huyện Thanh Miện tập trung ưu tiên và chỉ chấp thuận cho các dự án đầu tư theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; không tiếp nhận các dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, phát sinh chất thải lớn. Huyện nâng cao năng lực, chất lượng thẩm định đối với các dự án mới đầu tư. Ưu tiên các dự án quan tâm bảo vệ môi trường và hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường".

Sở Công thương cho rằng, để khắc phục và giải quyết các hạn chế về môi trường trong các CCN, tỉnh nên xem xét bố trí ngân sách hỗ trợ cho đầu tư phát triển hạ tầng CCN, nhất là xử lý nước thải đối với các CCN đã thành lập nhưng không có chủ đầu tư hạ tầng. Các sở, ngành, UBND cấp huyện cần phối hợp chặt chẽ trong quản lý, thanh tra, kiểm tra về môi trường.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 53 CCN có quyết định thành lập, trong đó 33 CCN đã có dự án đi vào hoạt động. Thực tế cho thấy, các hạn chế về môi trường trong CCN đang hoạt động đã tồn tại từ lâu. Nguyên nhân chủ yếu do phần lớn các CCN không có chủ đầu tư hạ tầng, chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. 

Hiện nay, các CCN đang hoạt động đã có tỷ lệ lấp đầy hơn 60%. Việc thu hút chủ đầu tư hạ tầng vào các CCN này để xử lý vấn đề hạ tầng, nước thải chưa khả thi. Các cơ quan chuyên môn của tỉnh cần nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh phương án, cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt cho doanh nghiệp đứng ra đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung của CCN. Không mở rộng CCN hoặc tiếp nhận thêm dự án vào các CCN chưa có công trình bảo vệ môi trường. Đối với các CCN mới thành lập, chưa đi vào hoạt động, khi quy hoạch chi tiết phải bảo đảm về môi trường; yêu cầu cụ thể về xây dựng hệ thống thoát nước mưa, nước thải riêng biệt, hệ thống xử lý nước thải tập trung.

PHAN QUYẾT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường cụm công nghiệp