Chuyên gia hiến kế để hồi sinh hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải

23/06/2022 16:05

Chuyên gia môi trường cho rằng, để có thể "hồi sinh" được hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải cần phải thống kê, kiểm soát nguồn thải, đầu tư xử lý và thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, nạo vét, khơi thông dòng chảy...

Trước tình trạng ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đã diễn ra từ nhiều năm nay và ngày càng trở lên đáng báo động, tại Công văn số 3372/VPCP-NN ngày 31.5.2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu Bộ TN&MT khẩn trương triển khai các nhiệm vụ theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 để quản lý chặt chẽ chất lượng môi trường nước tại hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Bộ Công an nghiên cứu ý kiến góp ý của các bộ ngành, địa phương để có đề xuất giải pháp đảm bảo phù hợp, khả thi.

Cống xả nước thải từ sông Cầu Bây ra Hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải tại xã Kiêu Kỵ (Gia Lâm-Hà Nội)

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng yêu cầu các địa phương liên quan tập trung tăng cường, đẩy nhanh triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, các công việc, giải pháp theo thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý ngay các hành vi, hoạt động, các đối tượng, cơ sở xả thải trái phép gây ô nhiễm môi trường nước trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải...

Tại hội nghị mà Bộ trưởng Bộ Công an - Tô Lâm tiếp xúc cử tri tại huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên diễn ra vào ngày 22/6, trong hàng loạt kiến nghị mà cử tri nơi đây gửi đến Bộ trưởng Bộ Công an, trong đó được đề nghị nhiều nhất là cần tiếp tục chỉ đạo xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân xả chất thải gây ô nhiễm môi trường hệ thống Bắc Hưng Hải,...

Đây được coi và vấn đề rất nóng, được đại đa số người dân tại 4 địa phương (thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh và Hải Dương) bức xúc và đặc biệt quan tâm đến công tác xử lý vi phạm và phục hồi môi trường tại hệ thống thủy lợi đóng vai trò rất quan trọng này.

Liên quan đến nội dung này, theo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an), để phòng ngừa xả thải, đơn vị này mới thực hiện tổng kiểm tra, xử lý hơn 11 tỷ đồng liên quan đến các vi phạm nêu trên. Chỉ tính riêng trong cuối tháng 5, đơn vị đã phối hợp với Tổng cục Môi trường thanh kiểm tra gần 20 đơn vị xả nước thải ra công trình thủy lợi.

Trong thời gian tới sẽ tiếp tục phòng ngừa, kiểm tra, xử lý; tham mưu cho công an tỉnh, huyện, công an xã tăng cường công tác giám sát. Với các hộ sống 2 bên bờ kênh cần yêu cầu ký cam kết không vứt rác xuống lòng kênh.

Ông Hoàng Văn Vy, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc - Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và môi trường cho biết, hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải có nhiệm vụ đảm bảo tưới cho 110.000ha canh tác, tạo nguồn cấp nước cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản 2.000ha và tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho hơn 3 triệu người. Đặc biệt là tiêu nước, chống ngập úng cho toàn bộ diện tích 4 địa phương, thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh và Hải Dương.

Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, hình thành nhiều khu công nghiệp, làng nghề nên tình hình vi phạm pháp luật trong quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi ngày càng gia tăng và nghiêm trọng.

Nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật được xả vào hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải diễn ra phổ biến, dẫn đến tình trạng ô nhiễm nước trong hệ thống ngày càng trầm trọng, đặc biệt là vào mùa kiệt từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau.

Ngoài nguyên nhân xả nước thải vượt quy chuẩn của các doanh nghiệp, thì nguyên nhân chính là các khu đô thị, khu dân cư tập trung, các làng nghề không có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn.

Để "hồi sinh" kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải, ông Vy "hiến kế" 4 giải pháp trước mắt và lâu dài: Đầu tiên phải thống kê các nguồn thải vào hệ thống Bắc Hưng Hải, từ đó chúng ta sẽ có kế hoạch kiểm soát nguồn thải. Lâu nay, số liệu nguồn thải chưa đầy đủ. Muốn quản lý thì phải có thông tin làm cơ sở.

Khi có thông tin, Bộ Tài nguyên và môi trường có thể có văn bản đôn đốc UBND các tỉnh tăng cường xử lý, như ở quận Long Biên, huyện Gia Lâm… từ đó chúng ta sẽ giải quyết được các nguyên nhân chính.

Tiếp đến là chúng ta phải điều tra, khảo sát, đánh giá khả năng chịu tải. Bởi vì, nếu muốn quản lý nguồn nước mặt xả thải thì phải xem hệ thống còn khả năng chịu tải hay không mới cấp phép xả thải. Ngoài ra, phải ban hành kế hoạch quản lý chất lượng nước mặt của hệ thống Bắc Hưng Hải.

Trên cơ sở thống kê, Bộ Tài nguyên và môi trường phải phối hợp với UBND các tỉnh. Trong đó, UBND các tỉnh chịu kinh phí. Nếu có vướng mắc về kinh phí đầu tư hệ thống thì bộ và UBND các tỉnh có liên quan sẽ cùng có kiến nghị với Thủ tướng các giải pháp để hỗ trợ đầu tư hệ thống xử lý.

Sau cùng là trách nhiệm của đơn vị vận hành hệ thống Bắc Hưng Hải phải thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, nạo vét, khơi thông dòng chảy.

Ông Vy cho rằng pháp luật đã quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị có liên quan. Nếu làm đầy đủ các nội dung trên thì không cần thiết phải thành lập một tiểu ban chỉ đạo việc này.

"Trước đây chúng ta có các ủy ban bảo vệ sông, nhưng hiệu quả khá hạn chế. Thay vì thế, chúng ta nên tăng cường làm tốt chức năng nhiệm vụ mà pháp luật quy định cho các cơ quan, đơn vị liên quan", ông Vy chia sẻ.

Theo VOV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyên gia hiến kế để hồi sinh hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải