Hà Nội tạo lập các làng nghề xanh bằng sản xuất sạch

28/09/2022 20:30

TP Hà Nội đang tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả kinh tế.


Làng nghề cơ khí, kim khí xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai (Hà Nội) đang thí điểm áp dụng 5S - giải pháp sản xuất sạch hơn ở 5 hộ

Để phát triển sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề truyền thống bền vững, áp dụng sản xuất sạch hơn là một trong những giải pháp quan trọng được TP Hà Nội tích cực triển khai nhằm giảm ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả kinh tế.

Hiện nay, hầu hết làng nghề ở Hà Nội chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải và sử dụng máy móc thô sơ, đơn giản chiếm 70% số thiết bị sản xuất… Do vậy, ô nhiễm môi trường làng nghề là điều không tránh khỏi và ngày càng đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn tại và phát triển các nghề truyền thống. Để khắc phục ô nhiễm môi trường và phát triển sản xuất tại các làng nghề theo hướng bền vững đòi hỏi phải áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn.

Làng nghề cơ khí, kim khí Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, với 4 thôn sản xuất cơ khí, kim khí, 1 thôn làm trống, 1 thôn sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, điêu khắc gỗ, từng rất ô nhiễm môi trường. Hơn 5 tháng thí điểm áp dụng công cụ cải tiến 5S – giải pháp sản xuất sạch hơn tại 5 hộ sản xuất (3 hộ chuyên mạ kim loại và 2 hộ đột dập) đã tạo sự thay đổi rõ rệt.

Thực hiện theo 5S, công nhân trong các xưởng sản xuất đỡ tốn công sức khi làm việc; di chuyển nguyên vật liệu nhanh gọn hơn, hạn chế rơi vãi hóa chất và sản phẩm trong quá trình sản xuất; việc xuất nhập nguyên liệu, sản phẩm cũng thuận tiện và đơn giản hơn. Nhận thấy được hiệu quả của công cụ này, các hộ làm nghề và doanh nghiệp nhỏ đã ký cam kết áp dụng công nghệ sản xuất theo 5S để bảo vệ môi trường.

Nhiều làng nghề ở huyện Thạch Thất đã đẩy mạnh xây dựng các cụm, điểm công nghiệp làng nghề để đưa sản xuất ra xa khu dân cư. Đến nay, trên địa bàn huyện có 1 khu công nghiệp, 9 cụm công nghiệp làng nghề, thu hút nhiều doanh nghiệp, hộ làng nghề vào đầu tư.

Bên cạnh sự chủ động của các cơ sở sản xuất và địa phương, các sở, ngành của thành phố cũng đã có những hỗ trợ thiết thực. Sở Khoa học và Công nghệ đã hướng dẫn xử lý bụi và khí thải cho làng nghề sản xuất, chế biến gỗ tại các xã có nghề mộc của huyện Thạch Thất. Sở Công thương chuẩn bị các điều kiện hỗ trợ một số cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất.

Một số cơ sở sản xuất gốm ở làng nghề gốm Kim Lan, huyện Gia Lâm đã áp dụng sản xuất sạch hơn bằng việc chuyển đổi từ lò nung chạy bằng than sang lò nung chạy bằng gas, đem lại nhiều lợi ích từ kinh tế đến môi trường. Như tại cơ sở sản xuất Đào Việt Bình đã thay đổi công nghệ nung gốm từ lò thủ công truyền thống sang hệ thống lò nung gas hiện đại. Giải pháp này đã mang lại hiệu quả cao, giảm tỷ lệ sản phẩm hỏng xuống còn 2-5% trong khi trước kia với lò thủ công, con số này khoảng 20%. Môi trường làm việc của công nhân đã được cải thiện do giảm lượng khí thải phát ra môi trường.

Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương Hà Nội), sau 5 năm (2016 - 2020), đến nay Chương trình khuyến công TP Hà Nội đã hỗ trợ 64 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư đổi mới thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, giảm ô nhiễm môi trường.

Việc áp dụng sản xuất sạch hơn đã mang lại hiệu quả tích cực về môi trường làm việc. Qua các mô hình điển hình này, các làng nghề sẽ có các biện pháp hướng tới làng nghề xanh, phát triển bền vững.

Theo baotainguyenmoitruong.vn

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Nội tạo lập các làng nghề xanh bằng sản xuất sạch