Quy trình ủ phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt

24/05/2022 13:34

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương vừa ban hành hướng dẫn quy trình ủ phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt và sử dụng sản phẩm sau khi ủ.

Người dân nên tìm, mua loại thùng có dạng hình tròn, dung tích khoảng 150-160 lít, chất liệu bằng nhựa để ủ phân hữu cơ từ rác

Theo hướng dẫn, rác thải sinh hoạt trước khi đem xử lý, cần được phân loại ngay tại gia đình. Nhóm rác thải hữu cơ được xử lý thành phân hữu cơ. Nhóm rác thải vô cơ cần được phân loại, thu gom xử lý hoặc tái chế.  

Quy trình ủ phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt có thể áp dụng phương pháp ủ bằng thùng hoặc bằng hố và trải qua 3 bước như sau:

Bước 1: Thiết kế thùng ủ phù hợp và chọn vị trí đặt thùng ủ (hoặc đào hố ủ). Người dân nên tìm, mua loại thùng có dạng hình tròn, dung tích khoảng 150-160 lít, chất liệu bằng nhựa. Phần vách thùng khoan nhiều lỗ nhỏ có khoảng cách từ 10-13 cm cách đều nhau. Phần thành sát đáy thùng khoét hai cửa hình vuông cạnh rộng khoảng 25 cm, hai cửa này đối diện nhau và có thiết kế nắp đậy có thể mở ra, đóng vào trước và sau khi lấy hữu cơ ra khỏi thùng ủ. Đáy thùng cũng đục lỗ nhỏ khoảng cách từ 7-10cm để thoát nước. Miệng thùng có nắp đậy kín. Nếu đào hố ủ phải đào ở xa nguồn nước, xa nơi sinh hoạt hằng ngày. Kích thước hố ủ thường dài, rộng 60 x 60cm, sâu 50-70cm. Hố ủ cần có nắp đậy bằng tôn hoặc nhựa cứng để tránh nước mưa, ruồi muỗi hay các con vật vào đẻ trứng.

Bước 2: Chuẩn bị dụng cụ, chế phẩm hỗ trợ. Dụng cụ gồm bao tay, dao, kéo cắt rác hữu cơ, que trộn, dụng cụ xúc. Có thể dùng chế phẩm sinh học chứa vi sinh vật hữu hiệu hoặc chế phẩm chứa nấm trichoderma...   

Bước 3: Tiến hành ủ và kiểm tra, xử lý trong quá trình ủ. Khi ủ cần rải một lớp rác hữu cơ dày từ 10-15 cm xuống đáy thùng, sau đó rắc lên lớp rác vừa rải hỗn hợp chế phẩm hỗ trợ rồi tưới đều khắp bề mặt một ít nước sạch để rác đủ ẩm. Trong quá trình cho rác vào thùng hoặc sau quá trình đảo rác nên cho một nhành cây tươi, thân mềm vào giữa thùng để sau này kiểm tra nhiệt độ bên trong thùng ủ. Cần thường xuyên kiểm soát độ ẩm để tránh tình trạng rác quá khô chậm phân hủy hoặc quá ướt gây mùi hôi.

Sau khoảng 7-10 ngày trộn, đảo đều rác, lấy một ít rác đang ủ đem ra ép. Nếu thấy rỉ nước quá nhiều cần bổ sung thêm rơm rác khô như lá cây khô, rơm, rạ, cỏ khô hoặc vỏ trấu... Nếu ép thấy rác thải dính chặt, nước rỉ nhỏ giọt là độ ẩm đạt yêu cầu. Nếu thấy rác không kết dính chặt, không thấy nước rỉ ra thì bổ sung thêm nước vào thùng ủ.

Để kiểm tra nhiệt độ, người dân rút cành cây tươi đã cho vào trong thùng cùng với lúc cho rác để kiểm tra. Nếu sờ tay vào cành cây đó cảm thấy nóng mạnh là nhiệt độ đạt yêu cầu; trường hợp không thấy nóng có thể do rác chưa đủ độ ẩm hoặc thiếu vi sinh vật...

Thông thường sau ủ khoảng một tháng thì rác trong thùng sẽ phân hủy thành phân hữu cơ. Nếu thấy phân có màu nâu đen rất tơi xốp, mịn, không có mùi hôi là đạt yêu cầu. Phân sau khi được lấy ra nên để phơi gió từ 1-2 ngày để giải phóng khí độc và giảm nhiệt độ rồi mới đem đi bón. 

MINH HỒNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quy trình ủ phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt