Chí Linh "gắn sao" cho sản phẩm nông nghiệp

05/10/2022 06:08

Nhờ khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh, đến nay Chí Linh đã có 18 sản phẩm nông nghiệp đạt chứng nhận OCOP 3 sao và 4 sao. Thành phố cũng đang tích cực kết nối tiêu thụ để sản phẩm OCOP trở thành thương hiệu mạnh.

Với kỹ thuật canh tác mới lạ, chất đất phù hợp, sản phẩm thanh long ruột đỏ của phường Bến Tắm sẽ sớm đạt chứng nhận OCOP và chinh phục người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh


TP Chí Linh là một trong ít nơi đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh về sản phẩm nông nghiệp địa phương tham gia Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP). 

Đặc trưng riêng

Từ lâu, nếp cái hoa vàng ở phường An Lạc đã được đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh biết tới. Địa hình đồi núi xen lẫn đồng bằng đã tạo ra sản phẩm chất lượng cao, hạt gạo nhỏ, trắng trong, có độ thơm dẻo đặc trưng hơn sản phẩm cùng loại canh tác ở nơi khác. Đây cũng là sản phẩm đầu tiên đạt OCOP 3 sao của địa phương. Giá trị của hạt nếp cái hoa vàng ở phường An Lạc còn được nâng tầm khi người dân nơi đây vẫn luôn gắn nó với Lễ hội truyền thống Đền Cao - An Lạc thông qua tục giã bánh dầy. Sản phẩm được dự thi cấp tỉnh tại Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc, từng đại diện cho tỉnh tham gia hội thi toàn quốc tại Đền Hùng (Phú Thọ) và vinh dự dâng bánh tại lễ hội này. 

Từ nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương, với đôi bàn tay khéo léo, người dân đã tạo ra bánh chưng, bánh dầy thơm ngon nức tiếng. “Chúng tôi muốn phát triển và nâng tầm sản phẩm nông nghiệp của địa phương, tiến tới xây dựng thương hiệu bánh chưng, bánh dầy của người An Lạc trở thành sản phẩm OCOP. Mục tiêu này vừa giúp gìn giữ các nét văn hóa truyền thống, vừa tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người dân địa phương”, bà Trần Thị Chiến, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường An Lạc, Tổ trưởng Tổ hợp tác liên kết sản xuất và kinh doanh bánh dầy, chè kho nói.

Chưa đầy 5 năm bén rễ, thanh long ruột đỏ đã trở thành cây trồng chủ lực ở phường Bến Tắm. Diện tích trồng thanh long ngày càng được mở rộng và mang lại giá trị kinh tế cao, nông dân thu lãi cả trăm triệu đồng/ha. Hiện phường có khoảng 20ha trồng thanh long. 

Khác với thanh long trồng ở các địa phương khác, thanh long Bến Tắm được trồng bằng kỹ thuật mới, leo thành giàn và ứng dụng hệ thống tưới nước tự động. Một số hộ đã lắp thêm bóng đèn để kích thanh long ra hoa trái vụ. Phương pháp trồng giàn giúp tận dụng tối đa diện tích sản xuất, thuận lợi trong chăm sóc, vệ sinh vườn, thu hoạch quả và tiết kiệm nguồn nước tưới. Năng suất thanh long đạt từ 35-40 tấn/ha, tăng từ 1-1,5 lần so với cách trồng trên trụ cũ, thu nhập của người dân cũng tăng cao. Với mục tiêu xây dựng thanh long ruột đỏ trở thành sản phẩm OCOP, các thành viên trong HTX thống nhất sử dụng cùng một loại giống và kỹ thuật trồng theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng quả. 

Bánh chưng, bánh dầy của phường An Lạc hay thanh long ruột đỏ của Bến Tắm là những sản phẩm đặc trưng của địa phương tham gia OCOP. Năm 2022, Chí Linh đã khảo sát 14 sản phẩm tham gia OCOP. Tất cả đều là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, đặc trưng và có giá trị kinh tế cao.

Từ hạt gạo nếp cái hoa vàng đặc trưng của địa phương, người dân phường An Lạc đã tạo ra sản phẩm bánh dầy thơm ngon nức tiếng. Trong ảnh: Người dân An Lạc thi giã bánh dầy tại Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc (ảnh tư liệu). Ảnh: THÀNH CHUNG


Kết nối, tiêu thụ sản phẩm

Sau hơn 3 năm triển khai, Chí Linh đã có 18 sản phẩm của 15 chủ thể đạt chứng nhận OCOP 3 sao và 4 sao. Trong đó 2 sản phẩm là cà chua và cà rốt tươi Nhân Huệ đạt OCOP 4 sao. Ngoài những hỗ trợ của tỉnh, thành phố cũng tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

Không dừng lại ở việc phát hiện, động viên các chủ thể tham gia “gắn sao” cho sản phẩm, thành phố còn quan tâm kết nối, xúc tiến để tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt trong năm 2021, khi dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc tiêu thụ nông sản, Phòng Kinh tế TP Chí Linh và các ngành, đoàn thể của tỉnh, địa phương đã giúp nông dân kết nối và tiêu thụ nông sản, nhất là các sản phẩm đạt chất lượng như gà đồi, na, nhãn, chuối, thanh long... 

Ông Khúc Kim Độ, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp phường Đồng Lạc chia sẻ: “Với đặc trưng của vùng đất bãi ven sông, chúng tôi xây dựng thương hiệu chuối Đồng Lạc chất lượng và đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Nhờ các chương trình kết nối của tỉnh cũng như thành phố, sản phẩm của chúng tôi đã có bao bì, nhãn mác và được gắn tem truy xuất nguồn gốc. Nhờ vậy, sản phẩm có nhiều cơ hội để tiêu thụ trong các hệ thống cửa hàng và siêu thị thay vì trôi nổi tự do trên thị trường như trước. Hầu hết các hội chợ trong và ngoài tỉnh, chúng tôi đều có sản phẩm tham dự”.

Để Chương trình OCOP phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Chí Linh, thành phố tiếp tục tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các chủ thể triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan Chương trình OCOP. Đồng thời gắn với công tác đào tạo, tập huấn và tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP linh hoạt, phù hợp điều kiện thực tế… 

“Thời gian tới, Chí Linh tiếp tục tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền vào hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, các sàn giao dịch điện tử, để sản phẩm OCOP trở thành thương hiệu mạnh được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết tới”, ông Nguyễn Văn Huỳnh, Phó Chủ tịch UBND TP Chí Linh nhấn mạnh.  

HOA HIỀN

(0) Bình luận
Chí Linh "gắn sao" cho sản phẩm nông nghiệp