“Đánh thức” bãi sông

16/05/2022 06:20

Hải Dương không chỉ có mạng lưới sông ngòi dày đặc mà còn là vùng hạ lưu của nhiều con sông song việc khai thác, sử dụng diện tích đất bãi còn rất hạn chế, gây lãng phí, thất thoát tài nguyên.


Hải Dương có diện tích bãi sông lớn nhưng chưa khai thác hết tiềm năng

Được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng dải đất phù sa ven sông trù phú nhưng trong dòng chảy phát triển kinh tế - xã hội, nhưng những bãi sông trong tỉnh lại chuyển mình chậm chạp, gây lãng phí, thậm chí thất thoát tài nguyên.

Lãng phí tài nguyên

So với các địa phương khác trong khu vực, Hải Dương không chỉ có mạng lưới sông ngòi dày đặc mà còn là vùng hạ lưu của nhiều con sông. 14 con sông lớn với chiều dài khoảng 500 km và hàng chục sông nhỏ trải dài 2.000 km đã tạo nên điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi phục vụ sản xuất, dân sinh. Theo thời gian, dòng chảy những con sông chở nặng phù sa từ thượng nguồn đã bồi đắp nên vùng đất bãi rộng lớn, màu mỡ. Dù vậy, việc khai thác, sử dụng  diện tích đất bãi còn rất hạn chế, có khi còn cực đoan làm cho ở nhiều nơi, bãi sông mất dần để lại tiếc nuối, đỉnh điểm là bức xúc trong dư luận.

Gắn bó với bãi sông Kinh Môn hơn nửa đời người, ông Nguyễn Văn Giao ở xã Thăng Long (Kinh Môn) nắm tường tận những thay đổi của vùng đất bãi này. Ngày bé, vào mùa nước cạn, bãi sông là nơi ông Giao cùng chúng bạn chơi đùa còn khi lớn lên, nơi đây thành kế sinh nhai của gia đình ông. Vừa nhanh tay chăm bẵm mấy luống rau sắp tới kỳ thu hoạch, ông Giao vừa kể ngày trước khi mùa mưa bão đến, nước đổ về ngập bãi, chảy xiết nên ít người canh tác vì sợ thiệt hại. Bãi sông chỉ để trồng dâu nuôi tằm. Nhưng rồi nghề này cũng mai một dần làm cho người dân không còn thiết tha với vùng đất bãi, nhà nào tiếc đất cũng chỉ trồng rau tạm bợ. Nhiều năm nay, lũ không còn lên cao, tới mùa cũng chỉ mấp mé bờ sông nên bà con quay lại, "thay áo mới" cho đất bãi bằng những loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao hơn. Song cũng từ đây, nơi này trở thành mối lo lớn, nhiều lúc khiến người dân ăn ngủ không yên. Nạn "cát tặc" hoành hành khiến bãi sông vốn yên bình trở thành điểm "nóng". Phải mất hàng trăm, hàng nghìn năm phù sa sông mới hình thành nên bãi sông vậy mà có thời điểm đất mất đi tính theo ngày, theo tuần. Từ vài ba năm trước, "cát tặc" quần thảo, lùng sục lòng sông làm nhiều diện tích đất bãi trôi theo dòng nước. Bờ sông trước thoai thoải, còn giờ do sạt lở nhiều, khi nước rút để lộ vách sạt dựng đứng. "Mất đất, bà con bảo nhau canh "cát tặc" mà lực bất tòng tâm. Hiện tại, tình trạng khai thác cát trái phép đã yên ắng, song hệ lụy vẫn còn hiện hữu vì sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi mặt bãi còn nhiều vết nứt", ông Giao than thở. 

Sông Thái Bình là tuyến sông lớn nhất tỉnh, do đó dải đất bãi ở đây cũng mênh mông hơn, không kém gì đồng ruộng phía trong nhưng tơi xốp và màu mỡ hơn. Dù vậy, đi dọc tuyến đê hữu sông Thái Bình từ TP Hải Dương đến huyện Tứ Kỳ mới thấy rõ những mất mát khi đất đai được khai thác, sử dụng thiếu bền vững. Trước đây lò gạch thủ công ngoài bãi sông nhiều, bám vào tuyến sông này để phát triển, chỉ quanh bến đò Hàn đã có hơn 200 lò hoạt động. Các chủ lò tận dụng nguyên liệu tại chỗ, ra sức đào bới đất bãi. Khi lò gạch thủ công bị xóa bỏ vào năm 2015 mới lộ rõ những hố sâu nham nhở, biến bãi sông thành ao. Nhiều diện tích đất bãi ở Tứ Kỳ được giao thầu khoán, người dân viện lý lo đào ao thả cá mà vận chuyển lớp đất màu mỡ đi. Bên cạnh đó, có những dự án "đội lốt" phát triển kinh tế nhưng thực chất là tận thu đất bãi. Dù là vô tình hay cố ý thì việc sử dụng đất bãi sông không hợp lý đã làm "chảy máu" tài nguyên khiến người dân bức xúc, bất bình rồi thở dài, tiếc nuối. "Hơn 10 năm trước, tôi hăm hở xin địa phương được nhận thầu một phần đất bãi để làm kinh tế song lại có doanh nghiệp nhanh chân hơn. Những tưởng có doanh nghiệp đầu tư thì sẽ phát triển mà ai ngờ rằng sau một thời gian đưa máy móc đào bới, vận chuyển đất rầm rộ họ cũng đi luôn để lại những hố sâu hoắm. Bãi sông lồi lõm, ngổn ngang, có hố chỉ cách mép nước sông vài gang, còn có hố lại sát gần chân đê", một người dân giấu tên ở xã Đại Sơn (Tứ Kỳ) nhớ lại.


Nhiều đoạn bãi sông thuộc xã Đức Chính (Cẩm Giàng) bị sạt lở

Quy hoạch để phát triển

Lợi thế phát triển kinh tế của Hải Dương rất lớn và những năm gần đây có dấu hiệu khởi sắc bởi một số dự án bến bãi, cầu cảng. Tuy nhiên việc phát triển này vẫn còn tự nhiên, tự phát kiểu mạnh ai nấy làm gây ra nhiều bất cập, vừa không khai thác hết tiềm năng vốn có vừa làm cho việc quản lý trở nên khó khăn. 

Hiện nay, bãi sông ở thị xã Kinh Môn và huyện Kim Thành sôi động hơn cả do có nhiều dự án kinh doanh bến bãi. Dù vậy, cơ quan chức năng lại thẳng thắn thừa nhận cứ kiểm tra bến bãi đến đâu là sai phạm đến đấy. Sự chồng chéo trong quản lý, nhùng nhằng trong xử lý khiến cho nhiều dự án vi phạm ngang nhiên hoạt động. Bến bãi không được cấp phép vẫn tồn tại, còn được cấp phép thì hoạt động sai mục đích là thực trạng chung. Hơn nữa, những bến bãi này rất có thể sẽ tiếp tay cho "cát tặc", "đất tặc" để việc tiêu thụ cát lậu, đất lậu trót lọt. Cứ thế tiềm năng, lợi thế từ bãi sông hao mòn, mất mát dần.

Công tác trong ngành đê điều hơn 30 năm, ông Đỗ Tiến Bậc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi có nhiều trăn trở về sử dụng bãi sông trong bảo vệ an toàn đê điều cũng như phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ông Bậc đưa dẫn chứng ở vùng đồng bằng sông Hồng, chiều dài đê của Hải Dương chỉ thua Thái Bình, còn diện tích đất bãi chưa hẳn đã ít hơn để khẳng định tiềm năng của đất bãi sông trên địa bàn tỉnh. Dù vậy, do chưa được nhìn nhận thấu đáo trên các phương diện nên việc phát triển bãi sông còn bị cản trở. Xét về góc độ bảo vệ công trình đê điều, bãi sông là không gian thoát lũ, còn trong phát triển kinh tế thì chính là tài nguyên. Những năm qua, quy định về quản lý đê điều có nhiều thay đổi, từ điều lệ đến pháp lệnh rồi tới luật. Quy định ngày càng chặt chẽ song cũng cụ thể và rõ ràng hơn để các địa phương khai thác bãi sông bảo đảm được cả hai mục tiêu vừa phòng chống thiên tai, vừa là nguồn lợi sử dụng bền vững lâu dài. Mặt khác, qua khảo sát, lòng sông được hạ thấp theo từng năm, do đó việc thoát lũ cũng thuận lợi hơn. Vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã căn cứ vào các quy định, chủ động xác định 28 vị trí bãi sông trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích khoảng 3.500 ha có thể nghiên cứu, lập dự án đầu tư.

Khai thác tiềm năng kinh tế ven sông đã có hướng mở song chỉ nỗ lực của ngành là chưa đủ mà phải có sự phối hợp của các sở, ban, ngành cùng rà soát, nghiên cứu, lập phương án và tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh. Từ đó làm cơ sở để các nhà đầu tư tìm hiểu, đề xuất dự án đầu tư. Khi có những nhà đầu tư chân chính, triển khai các dự án bài bản vì mục đích phát triển thì hơn ai hết họ là những người quan tâm cho an toàn đê điều, nếu không quyền lợi sẽ bị ảnh hưởng. Dần dần, các dự án bát nháo, chộp giật chỉ tính toán lợi ích trước mắt mà xâm phạm, băm nát bãi sông sẽ bị xóa bỏ. Mặt khác khi giao thông đường bộ đang bộc lộ nhiều hạn chế do bất cập hạ tầng thì việc khai thác các tuyến đường sông sẽ là giải pháp gỡ nút thắt.

Tuy chưa nhiều nhưng đã có doanh nghiệp, tập đoàn lớn ngỏ ý muốn nghiên cứu để đề xuất dự án đầu tư tại một số bãi sông trong tỉnh. Động thái này tạo kỳ vọng thời gian tới, Hải Dương sẽ thúc đẩy mạnh mẽ lợi thế kinh tế ven sông. Không chỉ là bến bãi hay cầu cảng, khu vực bãi sông với thế mạnh về không gian hòa hợp có thể sẽ trở thành trung tâm của những dịch vụ vui chơi, giải trí, về lâu dài là điểm nhấn nổi bật trong bức tranh kinh tế của tỉnh. Để mục tiêu này đến nhanh hơn thì trước mắt, các cấp, các ngành cần rà soát, đánh giá thực trạng bãi sông và kiên quyết xử lý dứt điểm các vi phạm phát sinh trên đất bãi. Từ những vị trí bãi sông phù hợp sẽ cân nhắc dự án đầu tư hợp lý, không ảnh hưởng đến an toàn đê điều. Có như vậy, bãi sông trong tỉnh mới khai thác được tối đa hiệu quả kinh tế mà vẫn được bảo vệ, giữ gìn.   

DŨNG CƯỜNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Đánh thức” bãi sông