Khơi mở tiềm năng nuôi thuỷ sản ở Bình Giang

22/03/2023 14:38

Nhiều xã ở Bình Giang đã hình thành những vùng nuôi thủy sản tập trung với diện tích lớn, song việc nuôi thủy sản ở đây vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.


Nhiều hộ nuôi thuỷ sản ở Bình Giang đầu tư máy móc, gắn bó với nghề

Còn nhiều trăn trở 

Gia đình ông Vũ Đình Ca (ở thôn Lôi Trì, xã Hồng Khê) bắt đầu đào ao thả cá từ năm 1994. Hiện gia đình ông Ca có3 ao với tổng diện tích 9.000 m2 gồm 2 ao cá thịt và 1 ao cá giống. Các loại cá nuôi chủ yếu là trắm, chép, mè, trôi, rô phi đơn tính... Ông Ca cho biết mỗi lứa cá, gia đình ông nuôi từ 9-10 tháng. Nếu thời tiết thuận lợi, cá được giá, trung bình ông thu khoảng 800 triệu đồng. Trừ chi phí, ông Ca thu lãi từ 200-400 triệu đồng/năm. Điều mà ông Ca trăn trở là đầu ra cho sản phẩm. Đầu ra không ổn định khiến mỗi vụ nuôi cá của gia đình ông như một “canh bạc”, may mắn thì có lãi, không thì cả năm công cốc. Vì vậy, mong muốn của ông Ca và những hộ nuôi cá ở Bình Giang là có đầu ra ổn định. 

Xã Hùng Thắng là một trong những địa phương có diện tích nuôi thuỷ sản tốp đầu của huyện. Tổng diện tích nuôi thủy sản của xã khoảng 200ha. Năm 2022, sản lượng thuỷ sản ở Hùng Thắng ước đạt 2.000 tấn. Xã đã xây dựng được khu nuôi thuỷ sản tập trung rộng hơn 50 ha. Ở đây cũng thành lập Câu lạc bộ Nuôi thuỷ sản để hỗ trợ, giúp đỡ nhau về giống, vốn, chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá, thu hút hơn 40 thành viên tham gia. 

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Hùng Thắng Phạm Văn Dương, những chân ruộng trũng, cấy lúa kém hiệu quả khi chuyển đổi sang nuôi thủy sản đã đem lại thu nhập tốt hơn cho bà con nông dân. Nhiều gia đình đã phát triển kinh tế từ những mô hình nuôi thuỷ sản. Mặc dù vậy việc nuôi thủy sản của xã vẫn còn một số khó khăn. Đó là giá trị sản phẩm chưa tương xứng với diện tích nuôi cá. Việc tiêu thụ cá thương phẩm chủ yếu qua thương lái bán lẻ. Mỗi lần thu hoạch, người nông dân rất khó khăn vì bị thương lái ép giá. Sản lượng và chất lượng sản phẩm chưa đồng đều. Nông dân hiện chủ yếu nuôi các giống cá truyền thống, chưa nuôi được các giống cá đặc sản, cá có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao. Giá con giống, giá thức ăn cao, trong khi người dân còn khó khăn về kinh tế để đầu tư sản xuất. Chưa có sự liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân trong tiêu thụ sản phẩm...


Toàn huyện Bình Giang có khoảng 800 ha nuôi thuỷ sản

Hướng đi nào? 

Tiềm năng nuôi thủy sản ở Bình Giang rất lớn. Toàn huyện hiện có khoảng 800 ha nuôi thủy sản, tập trung tại các xã Hùng Thắng, Cổ Bì, Hồng Khê. Năng suất mỗi năm trung bình đạt 7,5 tấn/ha, sản lượng toàn huyện hơn 6.000 tấn, giá trị hơn 180 tỷ đồng. Nhiều hộ nuôi cá mạnh dạn đầu tư, hình thành nên những vùng nuôi thủy sản tập trung. Có hộ gắn bó lâu năm nên có kỹ thuật, kinh nghiệm, cá thương phẩm đạt chất lượng tốt. Nếu có những giải pháp, hướng đi hiệu quả thì chắc chắn ngành thuỷ sản ở Bình Giang sẽ phát triển hơn nữa. 

Mới đây, xã Hồng Khê đã xây dựng được mô hình nuôi thuỷ sản tập trung với diện tích 20 ha liên kết với Công ty CP Sản xuất và Thương mại Xuyên Việt (Gia Lộc) về cung ứng đầu vào, bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ về giống, kỹ thuật cho các hộ tham gia liên kết. Ông Vũ Đình Đắc, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Hồng Khê cho biết vì mô hình mới triển khai những bước đầu tiên nên chưa thể đánh giá hiệu quả. Song với sự liên kết giữa doanh nghiệp, cam kết về giống, hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm sẽ giúp bà con an tâm hơn, tránh được những rủi ro trong quá trình nuôi và ổn định đầu ra sản phẩm. Các hộ tham gia liên kết đều rất kỳ vọng vào mô hình này. 

Để nuôi thuỷ sản mang lại hiệu quả hơn nữa, huyện Bình Giang cần có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, gia đình, các HTX, câu lạc bộ nuôi thuỷ sản liên kết tham gia sản xuất, tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, bảo đảm an toàn thực phẩm. Hỗ trợ xây dựng hạ tầng giao thông ở các vùng nuôi thuỷ sản. Tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm thủy sản của địa phương, xây dựng thương hiệu sản phẩm… 

HÀ NGA

(0) Bình luận
Khơi mở tiềm năng nuôi thuỷ sản ở Bình Giang