Lãng phí công trình tưới nước tiết kiệm

07/08/2022 05:30

Do bất cập trong khâu vận hành và quản lý nên không ít công trình tưới tiết kiệm phải tạm dừng hoạt động, gây lãng phí lớn.


Người dân xã Phạm Kha sử dụng máy bơm để tưới thay vì hệ thống tưới tiết kiệm đã được đầu tư trước đó

Công trình tưới tiết kiệm (TTK) được tỉnh đầu tư xây dựng với nhiều ưu điểm và lợi ích thiết thực. Tuy nhiên, do bất cập trong khâu vận hành và quản lý, không ít công trình phải tạm dừng hoạt động, gây lãng phí lớn.

“Đắp chiếu”

Tại cánh đồng trồng rau màu ở thôn Đỗ Hạ, xã Phạm Kha (Thanh Miện), nước tưới được người dân lắp đặt thông qua đường ống nằm dưới ruộng. Chỉ một vài thao tác, toàn bộ diện tích rau màu sẽ được tưới. Tuy nhiên, sự tiện lợi này không đến từ công trình TTK đã được tỉnh đầu tư ở gần đó.
Ông Vũ Viết Lê có 4 sào trồng rau ở cánh đồng thôn Đỗ Hạ cho biết, những ngày nắng nóng, ông phải tưới từ 2-3 lần để rau không bị héo. “Trước đây, khi hệ thống TTK hoạt động, chúng tôi cũng chỉ dùng được 1-2 lần nhưng áp lực nước yếu, những ruộng ở cuối nguồn còn không có nước. Điều hành nước tưới luân phiên từng khu vực cũng không thuận tiện", ông Lê nói.

Vùng sản xuất rau màu ở xã Phạm Kha (Thanh Miện) là nơi đầu tiên trong tỉnh được đầu tư hệ thống tưới nước tiên tiến, tiết kiệm. Hệ thống được lắp ở vùng trồng rau màu của các thôn Đỗ Thượng và Đỗ Hạ, phục vụ tưới cho 162 ha. Trái với mong đợi của người dân, chỉ hơn 1 năm sau khi hoàn thiện và vận hành, hệ thống này đã phải tạm dừng hoạt động.

Ông Lê Viết Khang, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Phạm Kha lý giải: “Hệ thống TTK tạm dừng hơn 1 năm nay do quá nhiều bất cập. Chi phí vận hành, nhất là tiền điện vượt quá quỹ tiền điện của HTX. Máy móc thường xuyên gặp sự cố trong khi cán bộ HTX được giao quản lý lại không đủ chuyên môn sửa chữa. Người dân chưa có ý thức trong việc sử dụng nước tưới tự động. Toàn xã chỉ có 162ha được lắp đặt hệ thống TTK nhưng có tới 1.600 hộ có diện tích ruộng trong khu vực. Nước được điều tiết luân phiên từng vùng, nhưng người dân tự ý tháo mở van khiến việc phân bổ nước không đồng đều”.

Không chỉ ở Thanh Miện, hệ thống TTK ở vùng chuyên canh của thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng) cũng chưa được vận hành dù đã hoàn thiện. Theo những hộ dân có ruộng ở trong khu vực, việc đầu tư hệ thống nước tưới ở đây không cần thiết. “Khu vực này nằm ngoài bãi sông, nước tưới rất tiện. Cùng với đó, hệ thống kênh mương, đường điện được kéo ra tận đầu ruộng. Nông dân chỉ cần lắp máy bơm nhỏ vào hệ thống tưới có sẵn ở ruộng. Tính ra, mỗi vụ chúng tôi chỉ phải trả 50.000 đồng tiền điện/sào. Vừa nhanh chóng lại tiết kiệm và hiệu quả hơn nhiều so với các phương pháp khác”, anh Nguyễn Thành Kiên ở thôn Văn Thai nói.

Nhiều vướng mắc

Công trình TTK ở xã Cẩm Văn được tỉnh đầu tư xây dựng từ năm 2020 và hoàn thành trong năm 2021 với tổng kinh phí khoảng 12 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án sẽ phục vụ 80 ha chuyên canh rau màu nằm ngoài bãi sông của thôn Văn Thai. Sau khi hoàn thiện, công trình được UBND xã Cẩm Văn bàn giao cho HTX Dịch vụ nông nghiệp vận hành và quản lý. HTX đã xây dựng phương án thu của các hộ có diện tích ruộng trong khu vực khoảng 300.000 đồng/sào/vụ. Mức thu này sẽ dùng để chi trả tiền điện và công vận hành, quản lý máy. Tuy nhiên, người dân không đồng tình với mức thu này nên công trình vẫn chưa thể hoạt động.

Ông Nguyễn Văn Mịch, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Cẩm Văn cho biết: “Chỉ tính riêng tiền điện thì chi phí đã vượt mức chi trả của HTX. Nếu không thu thêm phí dịch vụ thì HTX không thể đủ chi phí để vận hành. Trong khi đó, khu vực này từ nước tưới đến hệ thống điện đều rất thuận tiện. Điện được kéo ra tận đầu ruộng và có đồng hồ riêng, cuối vụ người dân mới phải trả tiền nên rất thuận lợi, chi phí lại ít. Nếu sử dụng hệ thống TTK thì hiệu quả vẫn vậy nhưng chi phí cao hơn nên người dân không mặn mà”.

Theo Chi cục Thủy lợi, toàn tỉnh hiện có gần 600 ha rau màu đang ứng dụng hệ thống nước TTK, tập trung ở các huyện Thanh Miện, Cẩm Giàng, Nam Sách, Gia Lộc... Chi phí lắp đặt hệ thống chỉ bằng 20-25% chi phí xây dựng kênh mương truyền thống. Mục đích ứng dụng hệ thống nước tưới tiên tiến, tiết kiệm ở các vùng chuyên canh giúp giảm sức lao động, tăng hệ số sử dụng đất và nâng cao hiệu quả kinh tế từ 10-30% so với trồng trong điều kiện thông thường. Về lâu dài, TTK giúp sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên nước. Tuy nhiên, hiện một số công trình TTK được đầu tư trên địa bàn tỉnh đã tạm dừng hoặc không sử dụng do những bất cập trong việc quản lý và vận hành hoặc do không phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân.

Theo ông Phạm Văn Điền, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, ruộng đất manh mún, sản xuất nhỏ lẻ, cây trồng đan xen nhiều chủng loại, thời điểm chăm sóc khác nhau, hệ thống dễ xảy ra sự cố, chi phí vận hành lớn… là những nguyên nhân chính gây bất cập trong sử dụng nước TTK ở một số khu vực. Để hệ thống hoạt động hiệu quả, tỉnh cần ban hành cơ chế, chính sách và các điều kiện cụ thể hỗ trợ các địa phương trong vận hành hệ thống. Tỉnh cũng nên có quy định hoặc hướng dẫn về thu tiền đóng góp đối với người dân, bảo đảm vận hành hiệu quả, tránh việc mỗi nơi thu một kiểu gây lãng phí công trình. Việc đầu tư TTK vào những khu vực mới cần tính toán, xem xét cụ thể, nên đầu tư vào những khu vực khó khăn về nguồn nước hoặc những nơi người dân có tích tụ ruộng đất để công trình phát huy hiệu quả.

KHÁNH HÒA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lãng phí công trình tưới nước tiết kiệm