Thanh Hà giải phóng mặt bằng "0 đồng": Nhiều dự án chậm tiến độ

05/04/2022 12:09

Để giải phóng mặt bằng "0 đồng", xã cần sát sao hơn với dân, gần gũi hơn để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ.


Nhiều dự án giao thông tại xã ở Thanh Hà đang không có mặt bằng thi công

Cách đây vài năm, huyện Thanh Hà có chủ trương giao các xã, thị trấn cải tạo, mở rộng đường giao thông tự chủ về kinh phí, không có tiền bồi thường giải phóng mặt bằng mà đề nghị người dân hiến đất làm đường. Việc này được một số xã như Hồng Lạc, Tân Việt, Thanh An làm tốt, song tại một số nơi do người dân không hiến đất nên tiến độ các dự án rất chậm.

Dự án cải tạo, mở rộng đường trục xã ở xã Tân An được thực hiện đầu năm 2020 là một ví dụ. Tuyến đường dài 2,5 km, tổng kinh phí đầu tư hơn 36 tỷ đồng do UBND xã làm chủ đầu tư. Dự án được chia làm 4 gói thầu, do 4 đơn vị thi công.

Nếu làm trục đường này, 290 hộ phải di dời tài sản hoặc mất một phần đất. Gia đình ông Phạm Đức Lực (ở thôn Song Động) được UBND xã vận động hiến khoảng 30 m2 để làm đường. Nhưng theo ông Lực, nếu muốn làm đường thì phải chi trả 100% số tiền bồi thường thì ông mới đồng ý. Ở cùng thôn, gia đình ông Phạm Xuân Quốc cũng chưa đồng tình việc lấy đất của dân mà không bồi thường. Quan điểm của gia đình ông Quốc là nếu hộ đối diện không đồng ý hiến đất thì gia đình ông cũng không hiến.

Với những khó khăn như vậy, đến nay dự án ở Tân An mới có gói 1 và gói 4 đang thi công, các gói còn lại chưa triển khai. Những gói thầu đang thi công cũng trong tình trạng vừa làm vừa vận động người dân hiến đất, trong khi nếu thuận lợi thì cuối năm 2020 đã hoàn thành thi công.

Tại xã Thanh Xá, dự án cải tạo đường trục xã từ trường THCS đến nhà bà Nguyễn Thị Tẹo (ở thôn 4) cũng chậm tiến độ nhiều năm. Năm 2019, huyện cho xã chủ trương cải tạo tuyến đường dài 1,5 km, tổng kinh phí khoảng 14,5 tỷ đồng. Để mở rộng tuyến đường này cần có sự đồng thuận hiến đất của 73 hộ dân nhưng đến nay vẫn còn 29 hộ chưa đồng ý. Do đó hiện mới chỉ làm được 1 km, số còn lại vẫn chưa có mặt bằng để thực hiện. Chị Phùng Thị Thủy (ở thôn 2) cho rằng nếu xã làm đường vào đất ở của gia đình thì phải bồi thường.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Xá Phạm Thị Mây cho biết việc một số người dân chưa đồng thuận hiến đất làm dự án chậm tiến độ, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của địa phương. Thanh Xá là một trong những xã có diện tích vải thiều lớn. Nếu hạ tầng giao thông yếu kém sẽ ảnh hưởng đến việc thu mua, vận chuyển vải. Cuối năm 2021, HĐND xã đã phải xin điều chỉnh lại thời gian hoàn thành dự án đến quý II.2022. 

Không chỉ ở 2 xã trên, hiện công trình đường trục xã Thanh Khê - Thanh Sơn còn một số đoạn chưa thi công được do vướng mặt bằng, dự án cải tạo đường khu1 (thị trấn Thanh Hà) dài hơn 1km được triển khai từ đầu năm 2021 nhưng nay nhiều hộ ở một bên đường cũng không đồng ý bàn giao mặt bằng. Những đoạn đường thi công dở dang còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường. 

Để triển khai dự án làm đường giao thông, các địa phương nói trên đều thành lập một số tổ tuyên truyền, vận động người dân hiến đất. Bên cạnh việc tổ chức họp để lấy ý kiến người dân thì nhiều hội, đoàn thể đã đến trực tiếp từng nhà dân để tuyên truyền, vận động, song có xã tổ chức đoàn thể đến nhà dân 15 lần mà vẫn không vận động được. Theo một cán bộ xã Tân An, còn có tình trạng một số người dân không chỉ không đồng ý mà còn vận động những nhà khác không hiến đất.

Về lý do không hiến đất, một số người dân xã Thanh Xá cho rằng do UBND xã rườm rà trong giải quyết các thủ tục hành chính khi người dân đến làm việc nên họ phản ứng bằng cách không hiến đất. 

Ông Trần Văn Kỳ, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Thanh Hà nhận định giải phóng mặt bằng là một việc khó, nhưng nếu dân đồng thuận thì sẽ giải quyết được. Để giải phóng mặt bằng "0 đồng", xã cần sát sao hơn với dân, gần gũi hơn để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ. Bên cạnh đó cần tăng cường tuyên truyền, lựa chọn người có uy tín đi vận động để người dân hiểu được chủ trương của huyện, xã. Các trưởng thôn, khu dân cư, bí thư chi bộ phải là những người đi đầu, gương mẫu cho người khác noi theo. Việc thực hiện dự án phải công khai, minh bạch. Các xã cần học hỏi kinh nghiệm về giải phóng mặt bằng ở một số địa phương khác để vận dụng vào địa phương mình.

MINH NGUYỆT

(0) Bình luận
Thanh Hà giải phóng mặt bằng "0 đồng": Nhiều dự án chậm tiến độ