Cây dưa hấu, dưa lê chết hàng loạt, vì sao?

29/04/2021 16:33

​Dưa hấu, dưa lê là hai cây trồng chủ lực trong vụ xuân hè, hè thu của tỉnh vì mang lại giá trị kinh tế cao. Song những năm gần đây, tại các vùng chuyên canh xuất hiện tình trạng dưa hấu, dưa lê chết hàng loạt.


Để khắc phục tình trạng dưa hấu, dưa lê chết hàng loạt cần ưu tiên cải tạo đất trồng

Nông dân trông chờ may rủi

Có kinh nghiệm trồng DH, DL hơn 20 năm nhưng chưa khi nào bà Nguyễn Thị Ba ở xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) lại thấp thỏm, bất an như mấy vụ gần đây. Theo bà Ba, trước đây nhà bà cứ cầm chắc hơn 30 triệu đồng từ 5 sào DH, DL, còn hiện tại phải trông chờ vào may rủi. Cứ lúc cây bắt đầu bò lan thì lại héo rũ rồi chết khô. Nhà nào chăm tốt cũng chỉ giữ được đến lúc quả non. Cây không chết rải rác mà chết hàng loạt làm người trồng mất trắng. 

Tại vùng trồng DH, DL ở khuC (Kim Thành), nông dân cũng đứng ngồi không yên vì cây chết hàng loạt không rõ nguyên nhân. Cả năm, gia đình bà Nguyễn Thị Nụ ở xã Đồng Cẩm chỉ trông mong vào 3 sào dưa vụ xuân hè. Song vài năm nay, dưa cứ bén rễ, lên xanh thì lại đột ngột úa vàng rồi chết. 

Mỗi năm toàn tỉnh trồng khoảng 2.700 ha DH và 1.000 ha DL tập trung ở các huyện Tứ Kỳ, Kim Thành, Gia Lộc. Vì cây DH, DL mang lại giá trị cao, đạt từ 210-290 triệu đồng/ha/vụ nên tỉnh định hướng đến năm 2025 sẽ phát triển ổn định 4.000 ha, mở rộng vùng sản xuất sang các địa phương như Nam Sách, Kinh Môn, Cẩm Giàng. Mặc dù vậy, thực tế sản xuất DH, DL hiện nay khi cây chết nhiều, có vụ diện tích cây bị chết lên tới 500 ha khiến mục tiêu mà tỉnh đưa ra khó đạt.

Tìm nguyên nhân

Trước thực trạng cây DH và cây DL chết hàng loạt, ngành nông nghiệp đã chủ động khảo sát, đánh giá tình hình và xây dựng mô hình thí điểm để quản lý dịch hại tổng hợp hiện tượng này. Theo đó, tình trạng DH, DL chết hàng loạt xuất hiện từ năm2017 trở lại đây ở tất cả các giống đang được gieo trồng. Người dân không xác định được nguyên nhân, không biết loại thuốc bảo vệ thực vật và thời điểm phun trừ phù hợp. Khi cây có biểu hiện chết thì nông dân thường phun quá 5 lần thuốc mà không áp dụng biện pháp xử lý khác. Những cây dưa chết bị nhiễm cùng lúc nhiều loại sâu bệnh như lở cổ rễ, phấn trắng, sương mai, bọ trĩ, sâu xanh... Ngoài ra, trong quá trình điều tra, cơ quan chuyên môn còn thấy nhiều bất cập ở khâu sản xuất của hầu hết nông dân như lạm dụng phân hóa học để thúc quả, đất nhiều năm không được cải tạo... Trong khi đó DH, DL là giống cây mẫn cảm, dễ nhiễm sâu bệnh. Đây là nguyên nhân khiến sức đề kháng của cây kém. Khi gặp thời tiết bất thuận, sâu bệnh sẽ bùng phát khó kiểm soát dẫn đến tình trạng DH, DL chết hàng loạt.

Từ những nguyên nhân trên, để khắc phục DH, DL chết hàng loạt phải áp dụng giải pháp quản lý tổng hợp, trong đó chú trọng luân canh cây trồng, nhất là lúa nước. Nhưng tuyên truyền nông dân thực hiện việc này gặp khó khăn. Theo bà Lương Thị Kiểm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, chỉ có canh tác bền vững mới hạn chế được tối đa tình trạng DH, DL chết hàng loạt. Cần tập trung cải tạo đất để giải phóng độc tố tích tụ lâu ngày và tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Đây không chỉ là giải pháp cho DH, DL mà còn là hướng đi bền vững cho toàn bộ cây trồng nếu muốn khai thác giá trị kinh tế bền lâu.

PV

(0) Bình luận
Cây dưa hấu, dưa lê chết hàng loạt, vì sao?