Cây trồng bị "bức tử"

26/04/2021 17:18

Mức độ ô nhiễm nước ở nhiều tuyến kênh trên địa bàn tỉnh ngày càng nghiêm trọng. Cây trồng dễ bị chết hoặc ảnh hưởng tới khả năng sinh trưởng khi tưới phải nguồn nước ô nhiễm này.

Khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4, nước chảy qua cống Thị Tranh, xã Thúc Kháng (Bình Giang) có màu đen đặc và bốc mùi hôi thối. Ảnh tư liệu
Nước tưới ô nhiễm

Bà Nguyễn Thị Biểu ở thôn Đươi, xã Đoàn Thượng (Gia Lộc) có hơn 2 sào mướp đắng đang cho thu hoạch. Khác với những vụ trước, dù thu hoạch lần đầu nhưng dàn mướp đắng đang có dấu hiệu lụi dần, lá vàng, quả nhỏ và ít hơn trước. Theo bà Biểu, nguyên nhân gây nên tình trạng này có thể do tưới phải nước ô nhiễm. Bởi khoảng đầu tháng 4, nước được bơm vào kênh nội đồng có màu đen bất thường, do không chú ý nên bà đã sử dụng nguồn nước này để tưới cho cây.

​​​​​Toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của xã Đoàn Thượng được lấy từ kênh Thạch Khôi - Đoàn Thượng thông qua sông Đĩnh Đào. Thông thường, nước kênh này chỉ ô nhiễm khu vực cuối kênh. Tuy nhiên, khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4, nước sông Đĩnh Đào có dấu hiệu ô nhiễm kéo dài khoảng 10 ngày, do đó nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng. "Có thể là do tưới phải đợt nước ô nhiễm nên các loại cây trồng ở khu vực này đều bị ảnh hưởng. Cây mới trồng có hiện tượng thối rễ và chết, những cây khác thì bị vàng lá. Gia đình tôi có hơn 1 sào đậu bắp, nhiều cây bị chết phải trồng dặm", bà Biểu nói.

Đầu vụ chiêm xuân, mực nước sông Cửu An thấp, cùng với tình trạng ô nhiễm kéo dài đã khiến hơn 400 ha lúa của xã Thúc Kháng (Bình Giang) rơi vào tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Nước sông Cửu An ô nhiễm kéo dài cả tháng thay vì chỉ khoảng 10 ngày như những năm trước. Sau nhiều cố gắng của ngành chức năng, các diện tích cấy lúa đều có nước tưới nhưng chất lượng không bảo đảm. Ông Vũ Ngọc Căng, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Thúc Kháng cho biết: "Đúng giai đoạn lúa bén rễ, hồi xanh thì gặp phải nước ô nhiễm nên cây chậm phát triển. Nhưng giai đoạn này trời ít nắng, độ ẩm cao nên không cần nhiều nước tưới. Sau đợt ô nhiễm ấy, nông dân phải chăm bón nhiều hơn, chi phí phát sinh tăng từ 5 - 7% so với vụ trước". ​​​​​​


Cây trồng bị vàng lá, năng suất giảm do tưới phải nguồn nước bị ô nhiễm nặng

Ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng

Mới đây, kết quả phân tích môi trường nước định kỳ do Chi cục Thuỷ lợi phối hợp Trung tâm Quan trắc và phân tích môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho thấy tất cả 17 tuyến kênh được khảo sát đều bị ô nhiễm. Các tuyến kênh đều có thông số E.Coli vượt quá quy chuẩn cho phép từ 1,5-15 lần. 13 tuyến kênh có chỉ số COD vượt từ 1-3 lần; 16 tuyến kênh có thông số NH4+ -N vượt quy chuẩn từ 1,2 - 8,2 lần; 14 tuyến kênh có thông số NO2- -N vượt quá quy chuẩn cho phép từ 1 - 5,2 lần; 13 tuyến kênh có thông số DO không đạt quy chuẩn cho phép… Tình trạng ô nhiễm này đã kéo dài từ nhiều năm và chưa có biện pháp khắc phục.

Theo bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học, công nghệ và khảo nghiệm giống, các thông số trên đều cho thấy mức độ ô nhiễm các chất hữu cơ trong nước vượt quá quy chuẩn cho phép. Các chất này gây tình trạng thiếu ô xy trong nước làm ảnh hưởng tới các sinh vật trong nước và cây trồng. Một số vùng do sử dụng nước ô nhiễm hữu cơ nặng trong thời gian dài làm đất bị phì dưỡng, không thể sản xuất nông nghiệp như cũ. Cùng với nguồn nước, đất sản xuất nông nghiệp ở nhiều vùng cũng đang bị ô nhiễm trầm trọng do phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tình trạng luân canh tăng vụ liên tục. 2 yếu tố kết hợp với nhau làm ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng cây trồng. Một số chất khi nhiễm vào cây trồng khó phân hủy và ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng. Riêng vi khuẩn E.Coli, cây trồng không bị ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng nhưng nếu ăn phải rau nhiễm loại vi khuẩn độc hại này dễ mắc các bệnh đường ruột. Một số chất như amoni vượt quá tiêu chuẩn cho phép có thể tăng nguy cơ ô nhiễm nitrat và nitri trong nước ngầm. Đây là những chất có thể gây ung thư cho con người.

Để bảo đảm nguồn nước tưới cho cây trồng và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, các ngành chức năng cần có các biện pháp bảo vệ nguồn nước. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải trước khi xả ra môi trường. Nông dân nên hạn chế sử dụng các loại chất hóa học làm tăng nguy cơ ô nhiễm đất, nước, góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực tới sản xuất nông nghiệp.

TRẦN HIỀN

(0) Bình luận
Cây trồng bị "bức tử"