Mô hình "lúa xanh" ở Ninh Giang

06/08/2020 12:22

Mô hình trồng lúa theo hướng sinh thái bền vững ở xã Tân Hương (Ninh Giang) mở ra triển vọng cho sản xuất nông nghiệp hiệu quả, thân thiện với môi trường.


Mô hình ruộng lúa bờ hoa đem lại hiệu quả kinh tế và môi trường

Từ vụ mùa năm 2019, mô hình canh tác lúa theo hướng sinh thái bền vững ở xã Tân Hương (Ninh Giang) do Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam triển khai bước đầu mang lại những chuyển biến tích cực trong nhận thức của nông dân cũng như hiệu quả kinh tế - xã hội.

Công nghệ xanh

Những năm qua, tình trạng sử dụng tràn lan thuốc bảo vệ thực vật và phân bón đã khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trước thực trạng đó, Trung tâm Đào tạo và Hợp tác quốc tế (Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam) đã triển khai mô hình canh tác lúa theo hướng sinh thái bền vững với mục tiêu phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Mô hình thực hiện trên tổng diện tích khoảng 32 ha ở xã Tân Hương. 20 ha sản xuất theo hướng tăng trưởng xanh hay mô hình “ruộng lúa bờ hoa”. 12 ha thực hiện mô hình bón phân cân đối.

Theo đánh giá của các kỹ sư Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, việc trồng hoa trên bờ ruộng có tác dụng thu hút các loại côn trùng có ích đến ăn phấn, hút mật và sinh sản trong ruộng lúa. Trứng, ấu trùng sẽ ký sinh trên cơ thể sâu hại, góp phần tiêu diệt, làm giảm mật độ sâu hại trên đồng ruộng. Sau gần 1 năm triển khai, gần 3 km bờ bao rậm rạp cỏ dại của nhiều cánh đồng ở xã Tân Hương đã được thay thế bằng các loại hoa như chiều tím, mười giờ, sam, bong bóng… rực rỡ màu sắc. Mô hình tăng trưởng xanh còn áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm giúp giảm 50% lượng nước so với canh tác thông thường. Áp dụng phương pháp này, nông dân sẽ để mặt ruộng khô trong 3 giai đoạn căn cứ vào từng thời kỳ sinh trưởng, phát triển của cây lúa. Phương pháp tưới tiết kiệm giúp lúa cứng cây, bông lúa to, số lượng hạt chắc nhiều, năng suất cao hơn. Quan trọng nhất là phương pháp trên giúp giảm tới 50% lượng nước so với canh tác thông thường.

Mô hình bón phân cân đối áp dụng trên diện tích 12 ha cũng góp phần hạn chế lượng phân bón dư thừa, giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho nông dân. Thực hiện mô hình này, cán bộ kỹ thuật của dự án đã hướng dẫn người dân lựa chọn các loại phân bón phù hợp với thời tiết, chất đất, giống lúa của địa phương. Phân bón được tính toán phù hợp, đủ nhu cầu của cây lúa để hạn chế lượng phân bón dư thừa, tránh ô nhiễm đất, giúp lúa cứng cây, ít đổ, sức chống chịu sâu bệnh tốt.

Năng suất lúa tăng, chi phí giảm

Tham gia mô hình, các hộ xã viên HTX được Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam hỗ trợ toàn bộ thóc giống và phân bón, tham dự các buổi hội thảo, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật gieo cấy, chăm bón, phòng trừ dịch hại. Hiệu quả về kinh tế rất rõ ràng khi diện tích tham gia mô hình có năng suất cao hơn diện tích còn lại trên địa bàn. Chi phí sản xuất cũng giảm do tiết kiệm nước tưới, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Ông Bùi Văn Viển ở thôn 6, xã Tân Hương cho biết gia đình gieo cấy 6 sào lúa giống BC15 cho thu hoạch với năng suất 200 kg/sào. 3 sào sản xuất theo hướng tăng trưởng xanh có năng suất 220 kg/sào. "Năng suất cao hơn từ 10 - 15% so với phương pháp canh tác thông thường trong khi chi phí lại giảm nên lợi nhuận thu được trên mỗi sào lúa cao hơn", ông Viển chia sẻ. 

Ông Đào Hồng Phong, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Hương cho biết mô hình mới không chỉ tăng năng suất mà lượng nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giảm đến 50% so với phương pháp canh tác thông thường. Ngoài lợi ích về kinh tế như người tham gia được hỗ trợ toàn bộ lượng thóc giống, phân bón, mô hình còn góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe của nông dân trong sản xuất. Khi tham gia mô hình, nông dân giảm sử dụng các loại thuốc trừ sâu, vừa tiết kiệm chi phí, vừa bảo đảm sức khỏe và hạn chế phát sinh các loại rác thải như chai, lọ thuốc trừ sâu gây hại cho môi trường.

Mặc dù mới triển khai nhưng mô hình ứng dụng công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch, ít phát thải khí thải nhà kính của Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam ứng dụng trên cây lúa thành công có thể mở ra triển vọng cho sản xuất lúa sạch hiệu quả cao, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, bảo vệ sức khỏe của nông dân. Trên cơ sở thành công của vụ xuân 2020, các mô hình tiếp tục được triển khai trong vụ mùa năm nay để tạo tiền đề đưa sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững được nhân rộng trên địa bàn xã và các địa phương khác trong tỉnh. 

 PV

(0) Bình luận
Mô hình "lúa xanh" ở Ninh Giang