Những người Chí Linh tâm huyết với cây vải

30/05/2021 16:58

Những năm qua, dù bị lép vế hơn nhiều cây trồng khác trên đất đồi Chí Linh nhưng một số người dân nơi đây vẫn bám trụ với cây vải, hy vọng cây vốn là thế mạnh một thời sẽ tìm lại được vị thế tương xứng.


Năm nay, TP Chí Linh có 50 ha vải sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế

Tâm huyết

Trong khi nhiều hộ ở địa phương chuyển sang trồng na thì gia đình ông Nguyễn Xuân Hựu ở phường Bến Tắm vẫn bám trụ với cây vải. Hơn 30 năm gắn bó, chứng kiến hết thăng trầm của loại cây này, ông Hựu luôn có niềm tin rằng sẽ có ngày cây vải lại mang về thu nhập khấm khá cho người dân. Chính vì thế, khi nhiều hộ ồ ạt phá bỏ thì ông vẫn chuyên tâm chăm bẵm. Ông chia sẻ rằng thấy mọi người sản xuất theo phong trào, đồng loạt trồng rồi lại đua nhau phá bỏ là không phù hợp. Do đó, thay vì chuyển đổi thì ông tìm cách nâng cao chất lượng quả vải. Sau một thời gian dài tự mày mò kỹ thuật cach tác thì đến năm nay ông Hựu được cơ quan chuyên môn hướng dẫn quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, tạo điều kiện bước đầu đưa quả vải xuất khẩu. “Nhờ chủ động tìm hiểu nên khi áp dụng kỹ thuật chăm sóc mới tôi thấy không khó. Nhìn gần 2 mẫu vải, quả đang vào mã 2 đều tăm tắp, lại được doanh nghiệp hứa hẹn thu mua, tôi rất phấn khởi. Nếu vải Chí Linh có thể xuất khẩu thuận lợi thì chỉ thời gian ngắn nữa thôi, người dân sẽ không còn quay lưng với cây vải”.

6 năm trước, bà Trần Thị Xuyến cũng ở phường Bến Tắm đã chấp nhận bỏ cuộc khi canh tác vải VietGAP không thành. Do quản lý không sâu sát, kiến thức về sản xuất sạch mờ nhạt, lại không tạo dựng được lòng tin cho người dân trong khâu tiêu thụ nên giá trị cây vải ngày một teo tóp. Nhiều hộ chỉ giữ lại cây với mục đích tạo bóng mát phục vụ nuôi thả gà đồi. Năm nay, mô hình trồng vải sạch được khởi động lại, chặt chẽ và bàn bản hơn nên bà Xuyến hăng hái tham gia. Ngay từ khi bắt đầu vào vụ mới, bà đã tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, mọi công đoạn chăm sóc đều được ghi chép cẩn thận. Đến nay, sau thời gian dày công chăm bẵm, nhà bà Xuyến sắp được thu quả ngọt. Hơn 50 gốc vải sai trĩu, quả đồng đều của gia đình bà đang nằm trong tầm ngắm của doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu. “Chỉ cần thay đổi suy nghĩ, cách làm thì cây vải sẽ sinh lời trên đất đồi khô cằn”, bà Xuyến khẳng định.


Cán bộ chuyên môn luôn sâu sát tại vùng vải xuất khẩu để hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho người dân

Phát triển có trọng tâm

Chí Linh có diện tích vải lớn nhất tỉnh với gần 3.600 ha, song vải ở đây luôn thua thiệt so với nơi khác. Chính vì thế, người dân không còn mặn mà với cây vải. Năm nay, tỉnh quan tâm xây dựng mô hình vải xuất khẩu với diện tích 50 ha tại đây đã mở ra cơ hội mới cho cây vải Chí Linh. Mặc dù vậy, với những người tâm huyết với cây vải thì vẫn còn nhiều trăn trở. Ông Phạm Gia Mừng ở xã Hoàng Hoa Thám cho biết gia đình ông là một trong những hộ đi đầu thực hiện các mô hình phát triển cây vải nhiều năm qua. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại chưa được như mong đợi. Một số mô hình vẫn còn nửa vời, chưa thật sự phát huy tác dụng. “Nếu nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời từ chính quyền các cấp thì chúng tôi sẽ quyết tâm nâng tầm cây vải đến cùng”, ông Mừng cho biết.

Thực tế sản xuất vải tại Chí Linh cho thấy, mặc dù có diện tích lớn nhưng diện tích vải thâm canh không nhiều. Vì vậy, thành phố chỉ nên giữ lại những diện tích vải bảo đảm chất lượng để tạo dựng thương hiệu, còn lại cần tính toán chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Theo ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng Phòng Kinh tế TP Chí Linh, thành phố đang rà soát, đánh giá thực trạng để tìm hướng đi phù hợp cho cây vải. Trong đó, sẽ tính toán quy mô phát triển loại cây này hợp lý, cân đối giữa giá trị và diện tích. Từ cơ sở này, thành phố sẽ tập trung đầu tư khâu sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Những hộ tâm huyết với cây vải sẽ được đào tạo kỹ thuật thâm canh bài bản, chuyên sâu. Có như vậy mới thay đổi được đồng bộ, toàn diện trong cách sản xuất vải tại Chí Linh cả về chất lẫn lượng.

PV

(0) Bình luận
Những người Chí Linh tâm huyết với cây vải