Sớm khơi thông vốn nông nghiệp công nghệ cao

26/05/2019 11:17

Thời gian qua, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch đã được nhiều doanh nghiệp, HTX trong tỉnh quan tâm đầu tư.

Nhiều doanh nghiệp muốn vay vốn đầu tư nông nghiệp công nghệ cao nhưng lại khó khăn ở tài sản thế chấp

Khát vốn

Có kinh nghiệm nhiều năm trong phát triển nông nghiệp sạch, gia đình chị Lương Thị Cúc ở xã Liên Mạc (Thanh Hà) muốn vay khoảng 2 tỷ đồng để đầu tư mở rộng vùng sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao (CNC). Nhưng chị Cúc lại đang gặp khó khăn về tài sản thế chấp. Một số ngân hàng không chấp nhận cho vay khi diện tích đất chị Cúc muốn đầu tư nông nghiệp CNC là đất đi thuê. "Để vay vốn phát triển nông nghiệp CNC, chúng tôi cần nguồn vốn lớn đầu tư hệ thống sản xuất xanh, sạch, khép kín và hiện đại. Nhưng để tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi này không dễ, bởi doanh nghiệp không đáp ứng được một số điều kiện mà ngân hàng đưa ra", chị Cúc nói.

Nông nghiệp CNC của Hải Dương những năm qua phát triển nhanh. Những doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp theo hướng CNC đã bắt đầu tính đến đầu tư bài bản hơn. Nhưng ngoài nguồn vốn tự có để đầu tư, doanh nghiệp vẫn phải trông cậy vào vốn vay từ các ngân hàng. Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, hiện toàn tỉnh mới có duy nhất một doanh nghiệp được vay vốn từ gói tín dụng nông nghiệp sạch, nông nghiệp CNC của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Hải Dương với tổng dư nợ hơn 7 tỷ đồng. 

Có một nghịch lý, trong khi các ngân hàng sẵn sàng cho vay chương trình này thì doanh nghiệp lại không đáp ứng được các điều kiện vay vốn. Nguyên nhân xuất phát từ những hướng dẫn và quy định của Bộ Tài chính cũng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khá chung chung. "Trong các văn bản hướng dẫn thực hiện các thủ tục vay vốn nông nghiệp CNC nêu rõ doanh nghiệp chỉ cần có máy móc thế chấp là có thể vay nhưng không ghi rõ là loại máy gì. Để vay được vốn ngân hàng, doanh nghiệp phải mất công lên tận Trung ương xin giấy chứng nhận chính chiếc máy này đang phục vụ sản xuất nông nghiệp CNC. Thời gian, chi phí để xác minh không nhỏ. Vì vậy, nhiều khi doanh nghiệp nản không muốn vay nữa", anh Lê Văn Việt, đại diện Công ty CP Sản xuất và Thương mại Xuyên Việt (Gia Lộc) băn khoăn nói.

Xóa điểm nghẽn

Phát triển nông nghiệp CNC, nông nghiệp sạch là xu hướng tất yếu, được tỉnh cũng như Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện. Năm 2017, Chính phủ đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho vay phát triển nông nghiệp CNC, nông nghiệp sạch với lãi suất thấp hơn từ 0,5-1%/năm so với thông thường. Đến nay, số lượng doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn quá ít. Nguyên nhân chủ yếu do các doanh nghiệp chưa đủ các điều kiện cần thiết để được vay vốn gói nông nghiệp CNC. Trong đó vướng nhất ở tài sản thế chấp. Một số ngân hàng mạnh dạn cho vay tín chấp nhưng dự án nông nghiệp CNC do doanh nghiệp triển khai thực hiện lại chưa khả thi làm cho nhiều tổ chức tín dụng e dè. 

Một doanh nghiệp sản xuất mô hình nông nghiệp sạch ở phường Nhị Châu (TP Hải Dương) đang có nhu cầu đầu tư phát triển nông nghiệp CNC cho rằng chính sách đã có nhưng lại khó vay thì nguồn vốn dành cho phát triển nông nghiệp CNC có lớn đến mấy cũng không đem lại hiệu quả. Doanh nghiệp mong muốn Nhà nước sớm xác lập quyền tài sản (bao gồm nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới, tiêu) trên đất nông nghiệp, nới lỏng các điều kiện để doanh nghiệp có thể dễ dàng hơn trong vay vốn các tổ chức tín dụng.

Để chính sách cho vay vốn phát triển nông nghiệp CNC trở thành “bà đỡ” cho nông nghiệp, tỉnh cần sớm có cơ chế công nhận doanh nghiệp nông nghiệp CNC, từ đó giúp doanh nghiệp có đủ cơ sở vay vốn. Các tổ chức tín dụng của tỉnh có thể xem xét cho vay tín chấp đối với các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất nông nghiệp CNC có dự án khả thi, sản phẩm tốt và có đầu ra cho sản phẩm ổn định. Theo bà Nguyễn Thị Thêu, Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) chi nhánh Hải Dương, ngân hàng luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp để tiếp cận nguồn vốn nông nghiệp CNC. Ngoài hỗ trợ thủ tục, lãi suất, Vietcombank cũng như các ngân hàng khác trong tỉnh sẵn sàng tiếp đón và đã dành một nguồn vốn nhất định để cho các doanh nghiệp nông nghiệp CNC vay đầu tư phát triển.

Bản thân các doanh nghiệp nông nghiệp CNC, nông nghiệp sạch cũng cần chủ động tích tụ ruộng đất, xây dựng dự án, mô hình sản xuất khoa học, có sự liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu thụ… từ đó tự nâng cao uy tín, đủ sức thuyết phục để các ngân hàng sẵn sàng “dốc hầu bao” hỗ trợ đầu tư lớn. 

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thực hiện Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ sẽ góp phần khơi thông nguồn vốn cho lĩnh vực nông nghiệp nói chung và sản xuất nông nghiệp CNC nói riêng trong thời gian tới. Theo nghị định này, doanh nghiệp chưa được chứng nhận là doanh nghiệp nông nghiệp CNC nhưng có phương án kinh doanh khả thi có thể được các tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 70% giá trị của phương án, dự án. Đây cũng là một trong những giải pháp để xóa điểm nghẽn về vốn nông nghiệp CNC đang bị tắc hiện nay. Chính sách này cần sớm được áp dụng vào thực tế, góp phần thúc đẩy nông nghiệp CNC phát triển.

HẢI MINH

(0) Bình luận
Sớm khơi thông vốn nông nghiệp công nghệ cao