"Thành trì" cuối cùng đổ sập trước dịch tả lợn châu Phi

29/05/2019 16:50

Lai Vu trở thành xã cuối cùng của huyện Kim Thành bị dịch tả lợn châu Phi tấn công.


Đ
ội tiêu hủy lợn mắc bệnh DTLCP xã Lai Vu tiêu hủy lợn mắc bệnh

Là nơi chăn nuôi lợn lớn nhất huyện Kim Thành, sau hơn 2 tháng nỗ lực phòng chống, không để bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xâm nhập, đến ngày 21.5, "thành trì" này cũng sụp đổ. Lai Vu trở thành xã cuối cùng của huyện Kim Thành bị DTLCP tấn công. 

Gia đình anh Bùi Duy Đông ở thôn Hợp Nhất là hộ đầu tiên trong xã xuất hiện ổ bệnh DTLCP. Gần 3 tháng qua, khi huyện Kim Thành có DTLCP, gia đình anh Đông áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch. Khu chăn nuôi của gia đình được kiểm soát chặt chẽ, không cho người lạ ra vào.

Hằng ngày, anh Đông phun thuốc khử trùng, tiêu độc, rắc vôi bột khu vực chuồng trại chăn nuôi. Nước uống cho đàn lợn, nước vệ sinh chuồng trại đều lấy từ nguồn cấp nước sạch của xã, thức ăn được mua từ công ty uy tín, có nguồn gốc, xuất  xứ rõ ràng... Tuy nhiên, đến ngày 21.5, có một số con trong đàn lợn của gia đình bỏ ăn, sốt cao, chết. Kết quả xét nghiệm cho thấy đàn lợn của gia đình dương tính với bệnh DTLCP. Toàn bộ 180 con lợn buộc phải tiêu hủy. "Toàn bộ vốn liếng của gia đình đều dốc cả vào chăn nuôi. Nay lợn mắc bệnh phải tiêu hủy, gia đình tôi không biết lấy đâu tiền để bù đắp thiệt hại", anh Đông buồn rầu.


 Lực lượng chức năng phun thuốc khử trùng, tiêu độc tại các gia đình có lợn mắc bệnh

Vừa dọn chuồng trại, bà Bùi Thị Xoan ở thôn Minh Thành buồn bã cho biết kinh tế gia đình chủ yếu trông chờ vào chăn nuôi lợn nên suốt những ngày qua, gia đình tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng chống dịch. Thức ăn, nước uống đều sạch, chuồng trại thường xuyên được tiêu trùng, khử độc nhưng toàn bộ đàn lợn gần 30 con của gia đình mắc bệnh DTLCP, phải tiêu hủy.

Xã Lai Vu có khoảng 400 hộ chăn nuôi lợn, chiếm gần 20% số hộ trong xã. Trong đó, khoảng 20 hộ chăn nuôi từ 100 - 400 con, có 1 trang trại chăn nuôi quy mô 2.500 con. Lai Vu có tổng đàn lợn lớn nhất huyện Kim Thành với khoảng 13.000 con, gồm hơn 10.600 con lợn thịt, hơn 1.000 lợn nái và gần 2.000 lợn con.

Chăn nuôi lợn mang lại thu nhập chính cho nhiều gia đình trong xã. Ngay sau khi xuất hiện ổ DTLCP đầu tiên tại huyện Kinh Thành, xã Lai Vu đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống. Ngoài thực hiện phun thuốc khử trùng 2 lần/tuần, rắc vôi bột xung quanh khu vực chăn nuôi, vùng tiếp giáp với các địa phương khác, xã Lai Vu lập 5 chốt kiểm dịch, nghiêm cấm vận chuyển lợn từ địa phương khác vào xã, tổ chức cho các hộ kinh doanh giết mổ ký cam kết không tiêu thụ lợn ốm, lợn mắc bệnh...

Các chủ hộ chăn nuôi còn chủ động phòng bệnh bằng cách đốt trấu, bồ kết, không sử dụng nguồn nước tại các mương, máng để vệ sinh chuồng trại, không cho lợn ăn các loại rau lấy từ sông, hồ... Tuy nhiên, từ ổ dịch đầu tiên xuất hiện tại thôn Hợp Nhất hôm 21.5,  đến ngày 27.5 toàn xã Lai Vu có 15 ổ dịch. Tổng số lợn tiêu hủy lên tới gần 600 con với tổng trọng lượng khoảng 30 tấn.


Xác lợn chết vứt trên kênh thoát nước cạnh khu công nghiệp Lai Vu

Bà Bùi Thị Thanh Thảo, Chủ tịch UNBD xã Lai Vu cho biết công tác phòng chống và tiêu hủy lợn mắc bệnh DTLCP của xã hiện gặp rất nhiều khó khăn do lực lượng mỏng, phương tiện hạn chế trong khi số lượng lợn chăn nuôi trong dân rất lớn, số hộ có lợn mắc bệnh phải tiêu hủy ngày một tăng, kinh phí hỗ trợ của cấp trên cho ban chỉ đạo chống dịch xã chưa có...

Khó khăn lớn nhất trong công tác phòng chống bệnh DTLCP hiện nay là thời gian gần đây, trên địa bàn xã xuất hiện tình trạng lợn chết bị vứt trộm xuống kênh thoát nước cạnh khu công nghiệp Lai Vu, giáp với khu vực chăn nuôi của bà con thôn Hợp Nhất càng làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Cũng theo bà Thảo, hiện tượng xác lợn chết vứt xuống kênh thuộc địa bàn được xác định do chủ phương tiện của các địa phương khác vứt trộm. Nhiều khả năng nguyên nhân dịch bệnh xuất hiện tại địa bàn do nguồn nước bị ô nhiễm từ những xác lợn chết trên kênh.

Xã Lai Vu chủ động trích ngân sách địa phương hợp đồng với chủ máy xúc, 2 ô tô trọng tải 3 - 5 tấn và thuê một đội tiêu hủy lợn gồm 5 người, mỗi công lao động 300.000/người một ngày để tiêu hủy lợn. Xã bố trí 300 m2 đất công điền ngoài đê, xa khu dân cư, xa nguồn nước sinh hoạt và sản xuất để tiêu hủy lợn mắc bệnh. Đối  với xác lợn chết vứt trộm trên tuyến kênh thoát nước giáp Khu công nghiệp Lai Vu, xã giao cho tổ thu gom rác của xã thường xuyên kiểm tra, thu gom để đưa đi tiêu hủy.

TRƯƠNG HÀ

(0) Bình luận
"Thành trì" cuối cùng đổ sập trước dịch tả lợn châu Phi