Ngăn chặn tội phạm mua bán hàng cấm qua mạng xã hội

16/08/2018 09:48

​Thời gian qua, nhiều đối tượng đã lợi dụng các trang mạng xã hội để mua bán hàng cấm, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương.

Bùi Minh Hiến và tang vật

Từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh đã bắt giữ gần chục vụ sử dụng mạng xã hội để giao dịch, mua bán các loại hàng cấm như thuốc nổ, pháo, ma túy, súng quân dụng... Điển hình, khoảng 18 giờ 30 ngày 6.8, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) kiểm tra, bắt giữ 125 thùng phụ kiện của trên 1.000 khẩu súng bắn đạn bi, súng bắn điện, nỏ bắn bi không có giấy tờ chứng minh xuất xứ, nguồn gốc, tổng trị giá khoảng 300 triệu đồng. Trần Trung Hải (sinh năm 1990, trú tại 186 Cao Bá Quát, phường Hải Tân, TP Hải Dương) là chủ của số hàng này; tất cả đều được giao dịch, mua bán qua Facebook. Các loại súng, nỏ bắn bi trên đều có thể gây sát thương ở khoảng cách khá xa. 

Tại cơ quan điều tra, Hải khai: Từ tháng 3.2018, thông qua Facebook, y liên hệ và mua số hàng trên của một đối tượng tên là Đại ở TP Hà Nội, mang về rao bán kiếm lời. Trong quá trình mua bán, Hải không gặp trực tiếp Đại mà đều giao dịch, liên hệ qua Facebook hoặc điện thoại. Sau khi thống nhất, hàng được các đối tượng vận chuyển qua xe khách. Khi nhận được hàng, Hải tiếp tục rao bán trên Facebook, sau đó vận chuyển cho khách theo đường bưu chính.

Trước đó, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) cũng đã bắt giữ Bùi Minh Hiến (sinh năm 1973, trú ở xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn, Hoà Bình). Hiến nghiên cứu một số tài liệu dạy cách chế tạo súng trên internet và sử dụng máy hàn, máy khoan... làm được 5 khẩu súng ngắn tự chế (kiểu súng côn) và 2 khẩu súng hơi. Sau đó, y tiếp tục sử dụng mạng xã hội để rao bán 5 khẩu súng côn với giá 1,5 triệu đồng/khẩu.

Thông qua mạng xã hội, nhiều đối tượng đã chào mời, mua đi bán lại và thu lời bất chính từ việc kinh doanh những mặt hàng cấm. Không khó để tìm kiếm những trang mua bán hàng cấm như ma túy, súng đạn... trên Facebook hay một số website. Người dùng chỉ cần gõ từ khóa như “mua bán súng lục online”, “mua bán súng lục, K54, K59 và công cụ hỗ trợ”, “mua bán vũ khí tự vệ”, "mua pháo đốt Tết" hoặc các loại công cụ hỗ trợ là có thể tìm thấy hàng loạt trang, bài rao bán với nhiều mặt hàng "nóng" khác nhau. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mua bán, tàng trữ hàng cấm phức tạp và xảy ra những vụ trọng án mà các đối tượng dùng súng để gây án có xu hướng gia tăng trong thời gian qua.

Để ngăn chặn tình trạng này, các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý việc rao bán các loại hàng hóa thuộc danh mục hàng cấm trên không gian mạng. Tăng cường kiểm tra, phát hiện kịp thời các trang web, quảng cáo, mạng xã hội có nội dung rao bán công khai hàng cấm để xóa bỏ tài khoản, đồng thời truy tận gốc những đối tượng đăng phát thông tin để xử lý nghiêm theo quy định.

ĐỨC THỊNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngăn chặn tội phạm mua bán hàng cấm qua mạng xã hội