Làm gì khi bị vu khống, nhục mạ trên mạng xã hội?

06/06/2021 15:03

Tôi là mẹ đơn thân, nhiều năm bị đàm tiếu, nói xấu, chịu lời qua tiếng lại nhưng khi có mạng xã hội, áp lực này càng nặng nề. (Minh Thư)

Những người ghét tôi chụp ảnh trang cá nhân, bôi xấu trên các hội nhóm và nhắn tin chửi bới. Tôi có nên im lặng hay nên làm gì để pháp luật có thể can thiệp xử lý?

MINH THU (Gia Lộc)

Trả lời: Theo Điều 34 Bộ luật Dân sự, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Cá nhân có quyền yêu cầu tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.

Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.

Điều 34 Bộ luật Dân sự cũng quy định, trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng.

Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

Như vậy, với quy định nói trên, bạn có quyền yêu cầu cơ quan pháp luật xử lý những người đã có hành vi bôi xấu, chửi bới bạn trên mạng xã hội.

Cụ thể, bạn có quyền yêu cầu cơ quan công an xử phạt vi phạm hành chính đối với người vi phạm quy định về trật tự công cộng, theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Theo đó, người nào có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Bạn cũng có thể yêu cầu cơ quan điều tra xử lý người vi phạm hình sự về tội Làm nhục người khác. Cụ thể, điều 155 Bộ luật Hình sự quy định, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Trường hợp bạn không yêu cầu xử lý hình sự thì bạn có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu bồi thường thiệt hại, buộc người vi phạm phải chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi và cải chính công khai theo quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Làm gì khi bị vu khống, nhục mạ trên mạng xã hội?