Phong cách EURO: Bồ Đào Nha là MU, Italia giống Bayern, Pháp tựa Real

26/06/2021 08:27

Mỗi đội tuyển ở EURO 2020 mang một lối chơi khác nhau và lối chơi ấy lại có nét gì đó giống một câu lạc bộ tại châu Âu.

Đan Mạch là... Dortmund

Đầu tiên, cần phân biệt rõ ràng giữa chất lượng và sự giống nhau. Không ai khẳng định Đan Mạch hay như Dortmund, chỉ đơn giản là cách chơi của họ cho thấy phong cách quen thuộc với đội bóng vùng Ruhr. Cụ thể, Đan Mạch đã thực hiện trung bình 4,7 pha tấn công trực diện trong suốt vòng bảng. Tấn công trực diện được hiểu là sở hữu bóng từ phần sân nhà, triển khai lên trên, dẫn đến một pha chạm bóng hoặc sút ở vòng cấm đối phương trong vòng 15 giây. Điều đó chắc chắn đúng với cách Dortmund triển khai tấn công với những cái tên như Erling Haaland, Jadon Sancho và Marco Reus mùa trước. Đan Mạch không có những ngôi sao như đại diện Bundesliga, song nó vẫn hoạt động hiệu quả khi họ có 5 bàn được ghi trong 3 trận ở vòng bảng, bất chấp mất cầu thủ sáng tạo bậc nhất là Christian Eriksen.

Italia là… Bayern Munich

Cân bằng, chính xác và hiệu quả, Italia là đội chơi ấn tượng nhất tại EURO 2020 tính đến thời điểm này. Thành công của họ được xây dựng dựa trên một hàng phòng ngự dâng cao, một hàng tiền vệ kỹ thuật với khả năng giữ bóng thay vì tập trung vào khâu quấy rối liên tục đối thủ từ xa trước khi họ có thể tiếp cận cầu môn của Gianluigi Donnarumma. Italia xếp thứ 4 trong số tất cả các đội tại EURO 2020 về việc gây áp lực mỗi 90 phút ở 1/3 phần sân đối phương (40,7 lần), dù xếp thứ 18 trong số 24 đội về tổng áp lực mỗi 90 phút (135,7). Bayern, đội xếp thứ 2 trong 5 giải đấu lớn hàng đầu châu Âu về áp lực mỗi 90 phút ở 1/3 phần sân đối phương (44,9) mùa trước, có diện mạo và áp đảo tương tự.

Hà Lan là… Atalanta

Hà Lan là đội ghi nhiều bàn thắng nhất vòng bảng EURO 2020, và Atalanta chính là câu lạc bộ ghi nhiều bàn nhất Serie A mùa trước. Cả hai đều trở nên đáng sợ nhờ sự năng động từ các hậu vệ cánh hung hãn, với Hà Lan là Denzel Dumfries còn Atalanta là Robin Gosens. Ngoài ra, Hà Lan còn có Georginio Wijnaldum hoạt động ở giữa hàng tiền vệ và hàng công như Ruslan Malinovskiy - người thường xuyên xâm nhập vòng cấm để ghi bàn cũng như kiến tạo cho các đồng đội tại Atalanta. Vấn đề còn lại là liệu Donyell Malen có thể sắm vai siêu dự bị như Luis Muriel tại Atalanta hay không, người đã ghi 22 bàn và 9 đường kiến tạo ở Serie A mùa trước.

Bồ Đào Nha là... Man United

Bồ Đào Nha có những gì? Hàng thủ chắc chắn với những cầu thủ có khả năng chuyển trạng thái nhanh. Họ cũng là đội tuyển tiếp cận các trận đấu lớn với sự thận trọng hơn nhiều so với những gì họ có thể làm, dù cho sở hữu chất lượng trên hàng tiền vệ và hàng công. Bồ Đào Nha cũng là đội tuyển được hưởng nhiều 11 mét tại EURO 2020. Nghe tới đây, chắc hẳn chúng ta đã nhìn ra bóng hình của Man United. Điểm khác biệt duy nhất là Bruno Fernandes chỉ còn là cái bóng của mình ở tuyển Bồ Đào Nha.

Croatia là... Barcelona

Cụ thể hơn là Barca của 1 năm trước, khi Lionel Messi công khai muốn ra đi và cũng trước lúc những Pedri, Ronald Araujo, Sergino Dest và Francisco Trincao xuất hiện để giúp đội hình của đội chủ sân Nou Camp trở nên trẻ trung hơn. Croatia với đội hình già nua phụ thuộc hoàn toàn vào Luka Modric, giống như Barca trông chờ vào Messi. Modric như tấm bùa hộ mệnh của đội tuyển áo kẻ ca-rô, và chỉ khi tiền vệ lão tướng này tỏa sáng, Croatia mới có thể sóng sót.

Tây Ban Nha là... Brighton

Dù đã hạ Slovakia 5-0 ở lượt trận cuối vòng bảng, Tây Ban Nha đang đạt hiệu suất làm bàn thấp hơn đáng kể so với số bàn thắng kỳ vọng của họ (xG) tại EURO 2020. La Roja mới ghi trung bình 1,33 bàn mỗi 90 phút, trong khi xG của họ là 2,43 bàn mỗi 90 phút. Tây Ban Nha cầm bóng, đẩy đối thủ lùi sâu về phần sân nhà nhưng không thể ghi bàn. Về mặt này, đoàn quân của Luis Enrique rất giống Brighton, đội xếp thứ 11 ở Premier League về xG mùa trước (51,6 bàn), song đứng thứ 15 về số bàn thắng thực tế ghi được (40).

Pháp là... Real Madrid

Đây không phải là vấn đề về nhân sự, chiến thuật hay con số, mà là cách xem họ thi đấu khiến bạn cảm thấy như thế nào. Pháp là đội tuyển được lắp ráp từ các ngôi sao sáng giá. Bản thân hệ thống chiến thuật của họ hoạt động hiệu quả và về cơ bản là thực dụng, được thiết kế để không thủng lưới hơn là ghi bàn. Ngoài ra, khi xem Pháp thi đấu, chúng ta còn cảm nhận được về sự tự mãn không bao giờ bị trừng phạt, và nó giống như Real Madrid với 3 lần vô địch Champions League liên tiếp. Cả Pháp và Real đều hay như họ nghĩ, nhưng người hâm mộ chỉ ước họ được thấy cái hay ấy thường xuyên hơn.

Anh là... Tottenham của Mourinho

Điều này không đáng buồn bởi hãy nhớ lại Tottenham của Jose Mourinho hồi đầu mùa 2020/21 khi họ thi đấu ấn tượng để trở thành ứng viên cho chức vô địch. Hàng phòng ngự lùi sâu chắc chắn, hàng tiền vệ hoạt động mạnh mẽ và một hàng công xoay quanh Harry Kane xuất sắc cả trong vai trò số 9 và số 10. Không khó để nhận thấy những điểm tương đồng trong tầm nhìn của Gareth Southgate, với Raheem Sterling trong vai Heung-min Son. Vấn đề duy nhất là Kane trông giống như một phiên bản lỗi của cầu thủ đã chơi bùng nổ ở Premier League với hàng loạt bàn thắng và đường kiến tạo.

Đức là... Chelsea của Antonio Conte

So sánh này chủ yếu dựa trên việc Đức hủy diệt Bồ Đào Nha 4-2, khi Robin Gosens truyền tinh thần của Marcos Alonso bằng một cú đánh đầu mạnh mẽ vào góc xa và Fernando Santos không thể tìm ra cách đối phó với việc Joachim Low đẩy các hậu vệ cánh dâng cao tấn công. Trận hòa 2-2 đầy vất vả của Đức trước Hungary giống với điều gì đó ở mùa giải thứ hai tồi tệ của Conte tại Chelsea, khi các cầu thủ dường như làm loạn, dẫn tới đội bóng dễ bị sụp đổ theo cách không thể hiểu nổi. Tuy nhiên, khi mọi thứ hoạt động trơn tru, những hậu vệ cánh đó rất khó để ngăn chặn.

Theo Bongdaplus

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phong cách EURO: Bồ Đào Nha là MU, Italia giống Bayern, Pháp tựa Real