Sự kiện nổi bật ngày 2.12

02/12/2021 22:00

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục chuyến thăm chính thức Liên bang Nga là một trong những sự kiện nổi bật trong ngày 2.12.

TRONG NƯỚC


Tiếp tục chuyến thăm chính thức Liên bang Nga, sáng 2.12 (theo giờ địa phương), tại Thủ đô Moskva, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch Đảng Cộng sản Liên bang Nga Gennady Zyuganov. Sáng cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư trực tiếp (RDIF) của Nga Kirill Dmitriev; Chủ tịch Tập đoàn Novatek, Leonid Mikhelson và Thống đốc tỉnh Kaluga, Vladislav Shapsha. Trong ảnh: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với Chủ tịch Đảng Cộng sản Nga Gennady Zyuganov và các đại biểu. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN.


Ngày 2.12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2021 để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2021; Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. Dự phiên họp còn có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam; Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, một số Ủy ban của Quốc hội cùng dự Phiên họp. Trong ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2021. Ảnh: Dương Giang-TTXVN.


Ngày 2.12, Hội nghị Kết nối cung cầu giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2021 đã khai mạc tại TP Hồ Chí Minh với sự tham gia của 45 tỉnh, thành trên cả nước. Đây là lần thứ 10, Hội nghị được tổ chức, hướng đến mục tiêu tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong cả nước gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác, liên kết, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế. Trong ảnh: Đại diện Bộ, ngành và các tỉnh, thành thực hiện nghi thứ khai mạc Hội nghị Kết nối cung cầu giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2021. Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN.


Ngày 2.12, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tổng kết và trao giải thưởng Phát triển văn hóa đọc năm 2021. Trong số 53 hồ sơ tham dự, Ban tổ chức đã trao giải cho 19 tập thể và 14 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc phát huy hiệu quả vốn tài liệu thư viện, tổ chức các dịch vụ phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu của mọi tầng lớp nhân dân. Từ những giải pháp cụ thể đó đã bảo đảm đời sống văn hóa tinh thần của người dân, góp phần duy trì và phát triển văn hóa đọc. Trong ảnh: Trao giải thưởng phát triển văn hóa đọc năm 2021 cho các tập thể, cá nhân. Ảnh: Thanh Tùng – TTXVN.


Ngày 2.12, Diễn đàn nông dân Quốc gia lần thứ VI với chủ đề "Nông dân với chuyển đổi số Nông nghiệp" được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Theo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, với vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế quốc dân, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ là một trọng những yếu tố then chốt giúp nông dân, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận, hiệu quả sản xuất cao hơn. Chuyển đổi số là giải pháp tích cực có thể khắc phục điểm yếu cố hữu là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và hình thành chuỗi giá trị, liên kết sản xuất hiệu quả trong nông nghiệp. Trong ảnh: Quang cảnh Diễn đàn. Ảnh Vũ Sinh – TTXVN.


Ngày 2.12, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã tuyên án phúc thẩm vụ án sai phạm trong việc giao "đất vàng" 8-12 Lê Duẩn. Hội đồng xét xử đã bác kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thành Tài (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh), tuyên y án sơ thẩm 8 năm tù. Khu đất 8-12 Lê Duẩn (Quận 1) là tài sản thuộc sở hữu Nhà nước, giao cho Công ty TNHH một thành viên quản lý kinh doanh nhà TP Hồ Chí Minh quản lý và cho 4 Công ty thuộc Bộ Công Thương thuê. Trong ảnh: Áp giải bị cáo Nguyễn Thành Tài rời Tòa sau khi tuyên án. Ảnh: Thành Chung - TTXVN.


Ngày 2.12, tại Bình Định mưa đã giảm, nước lũ trên các sông rút chậm song tại huyện Tuy Phước, nước trên sông Kôn vẫn duy trì ở mức cao, tiếp tục gây ngập lụt nhiều tuyến đường, giao thông chia cắt, nhiều khu dân cư bị cô lập hoàn toàn. Tính đến chiều 1.12, mưa lũ tại các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên và Tây Nguyên đã có tổng cộng 12 người thiệt mạng và mất tích, hàng trăm ngàn nhà dân bị ngập, hàng ngàn ha hoa màu bị ngã đổ, nhiều gia súc, gia cầm bị cuốn trôi, giao thông nhiều tuyến bị chia cắt do sạt lở, hệ thống thủy lợi hư hỏng nặng. Trong ảnh: Người dân xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định chờ lũ rút để dọn dẹp nhà cửa. Ảnh: Tường Quân - TTXVN.

TRONG TỈNH

Ngày 2.12, phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII, đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định những vấn đề thảo luận tại hội nghị là những vấn đề lớn, quan trọng, đánh giá kết quả sau 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; thảo luận các giải pháp để tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra… Trong ngày đầu làm việc, hội nghị đã xem xét, thảo luận về các báo cáo, tờ trình kết quả thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; điều chỉnh nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương và kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 – 2025; quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách; định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương trên địa bàn tỉnh Hải Dương năm 2022 và giai đoạn 2023-2025… Hội nghị đã chia tổ thảo luận… Trong ảnh: Các đại biểu dự phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII. Ảnh: Thành Chung.

QUỐC TẾ

Ngày 1-2.12, Ngoại trưởng của 30 quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã nhóm họp thảo luận về Khái niệm Chiến lược quân sự mới của liên minh quân sự này. Phát biểu tại hội nghị, Ngoại trưởng Latvia Edgars Rinkevics khẳng định cùng với vấn đề hợp tác giữa NATO và Liên minh châu Âu (EU), việc nghiên cứu khái niệm chiến lược mới của NATO là một trong những nhiệm vụ chính của khối nhằm chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh NATO dự kiến diễn ra vào tháng 6.2022 tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha. Trong ảnh: Các đại biểu chụp ảnh chung tại Hội nghị Ngoại trưởng NATO ở Riga, Latvia, ngày 30.11.2021. Ảnh: THX/TTXVN.


Ngày 2.12, tại Hội nghị Tham vấn An ninh (SCM) thường niên giữa Mỹ và Hàn Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Suh Wook và người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin đã phê duyệt "Hướng dẫn lập kế hoạch chiến lược", một văn bản hướng dẫn cập nhật các kế hoạch tác chiến thời chiến (OPLAN) giữa Seoul và Washington. Theo hướng dẫn chiến lược này, Ủy ban quân sự Hàn-Mỹ dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân của hai nước có thẩm quyền phê duyệt một kế hoạch chiến tranh do Bộ Tư lệnh các lực lượng hỗn hợp Hàn-Mỹ (CFC) soạn thảo. Trong ảnh: Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Suh Wook (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tại cuộc họp báo sau Hội nghị Tham vấn An ninh (SCM) Hàn Quốc - Mỹ lần thứ 53 ở Seoul, ngày 2.12.2021. Ảnh: Yonhap/ TTXVN.


Hãng tin RT của Nga đưa tin các nhà khoa học Trung Quốc tuyên bố đã phân lập được một loại kháng thể có thể ngăn ngừa được tất cả các biến thể của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19. Trong thông báo được công bố mới đây, các nhà khoa học thuộc Đại học quốc gia Tôn Trung Sơn ở Quảng Châu và Đại học Chiết Giang ở Hàng Châu cho biết đó là kháng thể đơn dòng 35B5. Các nghiên cứu được thực hiện cả ở trong ống nghiệm và trên chuột thí nghiệm đều cho thấy kháng thể này có thể "vô hiệu hóa" virus SARS-CoV-2 (thể gốc chưa đột biến) cũng như các biến thể đáng quan ngại khác của virus này. Trong ảnh (tư liệu): Hình ảnh từ kính hiển vi do Viện nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và dị ứng quốc gia Mỹ cung cấp cho thấy virus SARS-CoV-2 trong mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân mắc COVID-19. Ảnh: AFP/TTXVN.

(0) Bình luận
Sự kiện nổi bật ngày 2.12