''Khúc mưa'' hóa giải hận thù

29/04/2021 10:23

Đang đi công tác, nhớ lời mời ra mắt bộ phim Khúc mưa do Điện ảnh Quân đội sản xuất nhân kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975-30.4.2021), tôi bươn bả về Hà Nội ngay.

Hà Nội mưa cả ngày 26.4. Các ngả đường mưa kẹt cứng người và phương tiện. Phải rất khó khăn tôi mới vượt qua được những con đường mưa đến Trung tâm Chiếu phim quốc gia. Rạp đã kín chỗ. Thấy tôi lơ ngơ tìm chỗ, một cháu bộ đội đứng lên nhường ghế.

Một ngày Hà Nội mưa tầm tã cùng Khúc mưa trong rạp…

Hóa giải nỗi đau, hận thù bằng sự yêu thương, nhân ái

Khúc mưa là bộ phim truyện đề tài hậu chiến, tâm lý xã hội của Điện ảnh Quân đội nhân dân thực hiện năm 2021 do Trung tá Nguyễn Thu Dung xây dựng kịch bản; NSƯT Bùi Tuấn Dũng đảm nhận vai trò đạo diễn. Phim xoay quanh bi kịch chia cắt của một gia đình sĩ quan phía bên kia vào cuối những năm 70 của thế kỷ trước.

Chú thích ảnh
Trung tá, nhà biên kịch Nguyễn Thu Dung (phải) và tác giả bài viết

Đang đi học tập cải tạo, Hùng- một ngụy quân Sài Gòn trốn trại về vùng kinh tế mới Lâm Đồng mà vợ (Thùy) và con trai (Tâm, 6 tuổi) đang lao động tại đó. Mặc cho lời khuyên của Thùy hãy lo cải tạo tốt rồi trở về cùng vợ con, thì Hùng vẫn quyết tâm rời đất nước ra đi. Số tiền bán căn nhà ở Sài Gòn không đủ cho 3 người cùng vượt biên, nên Thùy đành phải ở lại cho chồng mang con đi trước.

Thuyền vượt biên gặp nạn trên biển. Ngườicha bỏ xác lại biển cả. Đứa con thoát chết, nhưng di chứng để lại là bệnh thần kinh ám ảnh đeo bám từ lúc 6 tuổi. Nỗi đau hằn sâu trong quá khứ...

Thùy đau xót nghe tin chồng con đã chết. Cùng lúc đó cái thai dần lớn lên. Bao nghi kỵ đổ dồn về phía người đàn bà tội nghiệp. Không chịu được sự dèm pha, miệng lưỡi thế gian, cùng cực chị định tìm đến cái chết. Chính lúc định kết thúc cuộc đời, anh Hai Lân - một cựu chiến binh bị di chứng chất độc da cam không có khả năng sinh con - đã giang tay cứu Thùy và sinh linh đang trong bụng mẹ. Anh nhận là cha của An - đứa con thứ hai của chị với thuyền nhân Hùng.Anh Hai Lân đã đưa chị trở về Sài Gòn, tìm nơi ở gần ngôi nhà năm xưa của vợ…

Hơn 40 năm sau Tâm (tên Kevil) cùng vợ (tên Mai) trở về Việt Nam trong một kỳ nghỉ… Và câu chuyện Khúc mưa đã kết thúc có hậu.

Chú thích ảnh
Cảnh trong phim “Khúc mưa”. Ảnh do Đoàn làm phim cung cấp

Kết thúc buổi chiếu phim, tôi đến chúc mừng Trung tá Thu Dung. Tác giả kịch bản dường như vẫn còn xúc động lắm nói về ê-kíp làm phim với bao trân trọng, yêu mến. “Điều tôi tâm đắc nhất không nằm ở bộ phim, mà ở chính đội ngũ những người đã cùng chung tay sáng tạo nên bộ phim này. Tôi luôn thấy ở họ niềm say mê cống hiến cho nghệ thuật; sự sẻ chia, sự cảm thông; sự đoàn kết khắc phục mọi khó khăn trong điều kiện kinh phí làm phim eo hẹp… để hoàn thành một cách tốt nhất vai trò của mình”.

Thu Dung nói đúng. Mỗi nhân vật không chỉ làm tròn vai mà luôn sáng tạo để hoàn thành xuất sắc từng vai diễn chính cũng như phụ.

Tôi ấn tượng với nhiều vai diễn của NSƯT Trương Minh Quốc Thái trước đó. Và bây giờ thực sự phục khi anh đã vào vai Kevil - nhân vật bị sang chấn tâm lýquá xuất sắc. Đây là một vai diễn khó, khó hơn rất nhiều những vai hành động, tâm lý anh đã từng thành công trong phim điện ảnh và truyền hình. Cùng lúc Quốc Thái phải thể hiện đa dạng tính cách: Vui buồn, nóng giận, điên khùng, lắng dịu, hồi tâm…của người vừa đủ trưởng thành, vừa vẫn chưa qua vòng thơ bé.

Với nhân vật luôn hiện hữu 3 chiều thời gian: Là nỗi ám ảnh quá khứ, là sự chối bỏ hiện tại, là dự cảm lo sợ tương lai. Quốc Thái đã thể hiện thành công sang chấn tâm lý phức tạp, chuyển đổi nhiều trạng thái qua yếu tố phi ngôn ngữ: Đôi mắt, nụ cười, độ co giãn nét mặt…đến hành động khá “kỳ quặc” mà lúc bình thường anh tự thấy không phải. Thành công của Quốc Thái là đã khám phá thế giới bên trong của nhân vật Kevil.

Diễn viên Lê Phương thể hiện tốt vai người mẹ lúc trẻ. Sở hữu một gương mặt hiền dịu, phúc hậu, chị đã mang đến cho Khúc mưa nhiều khuôn hình rất ấn tượng của vẻ đẹp chân chất, sự dịu dàng, đôn hậu, sức chịu đựng bền bỉ, lòng yêu con vô bờ bến...


Diễn viên Lê Phương và diễn viên “nhí” Đức Đăng trong phim “Khúc mưa”. Ảnh do Đoàn làm phim cung cấp

Diễn viên Thanh Hiền thể hiện chiều sâu nội tâm của người mẹ đã trải qua bao giông gió cuộc đời. Trên gương mặt khắc khổ của người mẹ vẫn chờ đợi, hy vọng điều kỳ diệu sẽ đến. Cảnh người mẹ nhận ra con trong màn đoàn viên ở biển được diễn viên Thanh Hiền thể hiện rất cảm động.

Diễn viên Thu Thủy vào vai Mai với nhiều cảm xúc, tâm trạng của người phụ nữ yêu chồng, dồn nén sức chịu đựng, vỡ òa niềm hạnh phúc…Tôi liên tưởng Mai dù sống ở nước ngoài nhiều năm, nhưng bên trong vẫn thường trực phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam thể hiện trong câu thơ của Xuân Quỳnh với mẹ chồng “Phải đâu mẹ của riêng anh/ Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi…Mẹ sinh anh để bây giờ cho em” (Mẹ của anh).

Làm nên thành công của Khúc mưa phải kể đến nhân vật ông Hai Lân do 2 diễn viên đóng ở 2 khoảng thời gian: Lúc trẻ (diễn viên Đan Sinh) và trung niên (diễn viên Phạm Anh Dũng). Nhân vật ông Hai Lân thể hiện phẩm chất của người lính - anh bộ đội Cụ Hồ trong thời chiến cũng như thời bình giàu nghĩa tình, biết cảm thông, sẻ chia, vị tha, yêu thươngcon người. Nhân vật Hai Lân đóng vai trò như một chiếc cầu nối của yêu thương, hàn gắn vết thương, kết nối tấm lòng, dựng xây đoàn kết, xóa bỏ thù hận…Tình yêu thương đã chữa lành vết thương đau là thế.

Sự “cộng hưởng” sáng tạo cho đề tài hòa hợp dân tộc

Phim Khúc mưa có sự “cộng hưởng” rất đẹp của 2 tác giả kịch bản và đạo diễn là Trung tá Nguyễn Thu Dung và NSƯT Bùi Tuấn Dũng. Họ cùng là cựu sinh viên Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội. Họ cùng đam mê nghệ thuật thứ 7. Họ đã cùng bàn bạc, thống nhất kể Khúc mưa theo cảm xúc riêng, phong cách riêng để có thể chạm đến trái tim khán giả. Chất trữ tình, bay bổng từ kịch bản đã được người bạn đạo diễn có nghề thăng hoa cảm xúc sáng tạo.

Chú thích ảnh
Hình ảnh làm poster phim “Khúc mưa”

Trung tá Nguyễn Thu Dung bày tỏ cái cớ chọn đề tài hậu chiến này: “Kể từ ngày thống nhất đất nước, đến nay đã gần nửa thế kỷ. Thời gian đó có đủ độ lùi để nhìn lại, có đủ nhận thức để thấy chiến tranh hằn bao nỗi đau trong số phận mỗi con người… Tôi muốn thông qua bộ phim đưa đến thông điệp rằng những người Việt Nam di tản và thế hệ người Việt sinh ra ở hải ngoại sau này, hãy trở về trong vòng tay bao dung, yêu thương của đất mẹ, của quê hương, cởi bỏ những câu chuyện buồn đeo đẳng tâm can để cùng hướng đến những điều nhân văn, tốt đẹp cho hiện tại và tương lai. Từ ý tưởng đó mà tôi hình thành nên câu chuyện cho kịch bản Khúc mưa. Thêm nữa, lần đi dự Trại sáng tác ở Vũng Tàu, cùng một người bạn đi dạo trên biển và được nghe câu chuyện đau lòng của những thuyền nhân trôi dạt vào bãi biển này. Tôi ám ảnh vô cùng bát hương ở bên…”.

Còn đạo diễn Bùi Tuấn Dũng lại kể chuyện hậu chiến bằng cách riêng của mình. Anh là một trong số ít đạo diễn trẻ gặt hái nhiều thành công, tạo nên phong cách riêng của người trẻ làm phim truyện (nhựa, truyền hình) về nhiều đề tài, trong đó có đề tài chiến tranh, cách mạng, hậu chiến: Đường thư, Những người viết huyền thoại, Đường lên Điện Biên, Thầu Chín ở Xiêm… và Khúc mưa.

Đã quen với nhiều bộ phim bối cảnh lớn, súng đạn ùng oàng, nên bắt tay vào làm bộ phim đề tài tâm lý xã hội, với kinh phí đầu tư vừa đủ nên anh phải tìm ra - chìa khóa để tiếp cận. Bộ phim không kể bằng phương pháp trần thuật thông thường theo trình tự thời gian mà kể theo cách phản trần thuật, hiện tại và quá khứ đan xen với những bí mật được lật giở dần dần, tạo sự bất ngờ, hấp dẫn khán giả. Một cách kể mới cho loại phim ít xung đột bên ngoài và nhiều xung đột nội tâm.

Cao trào được đưa từ từ và dồn nén đến cùng mới bùng nổ. Ở đây mọi chi tiết đều được cài cắm kỹ và ăn khớp mạch lạc, như chiếc xe đồ chơi được anh Lân bộ đội phục viên làm theo mẫu xe Gaz 63 đến tấm ảnh người mẹ để trong ví của Kevil mà mỗi lần không làm chủ bản thân hoặc lên cơn điên, anh nhìn vào nó để kìm chế. Hệ thống hình ảnh nhất quán bằng những cú máy dài, diễn xuất liền mạch, hạn chế cắt cảnh.

Tôi ấn tượng với âm nhạc Bùi Tuấn Dũng đưa vào phim: “Tôi dùng nhạc để nói nhiều điều. Bài hát chủ đạo trong phim cho cả ở Nam và Bắc, với một bài hát văn và một bài vọng cổ với âm hưởng chung là tình mẫu tử. Trong một không gian thuần Việt, việc dùng âm nhạc truyền thống là hợp lý” - đạo diễn chia sẻ.

Chỉ có tình yêu mới có thể hóa giải được hận thù, giống như một khúc mưa tưới mát những tâm hồn, và sau cơn mưa, trời lại sáng…

Vài nét về phim “Khúc mưa”

Khúc mưa là bộ phim truyện đề tài hậu chiến, tâm lý xã hội của Điện ảnh Quân đội nhân dân thực hiện năm 2021 do Đại tá, NSƯT Phạm Tiến Cường, Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân làm Giám đốc sản xuất; Trung tá Nguyễn Thu Dung xây dựng kịch bản; NSƯT Bùi Tuấn Dũng đảm nhận vai trò đạo diễn, nghệ sĩ Đăng Khoa làm phó đạo diễn và đóng một vai phụ; Giám đốc hình ảnh do nghệ sĩ Đoàn Anh Phương đảm nhận…

Đặc biệt phim có sự tham gia, phối hợp rất nhuần nhuyễn, ăn ý của dàn diễn viên hai miền Nam - Bắc, như: NSƯT Trương Minh Quốc Thái, Thanh Hiền, Lê Phương, Đan Sinh, Phạm Anh Dũng, Thu Thủy, bé Đức Đăng…

Theo Thể thao & Văn hóa

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ''Khúc mưa'' hóa giải hận thù