Bia thủ công Việt Nam bắt đầu có chỗ đứng

04/12/2022 08:23

Ngành công nghiệp bia thủ công của Việt Nam đang không chỉ phát triển về quy mô, mà còn cả danh tiếng với nhiều điều kiện thuận lợi.

 Bia thủ công Việt Nam bắt đầu có chỗ đứng. Ảnh: Elle.

Bia thủ công Việt Nam bắt đầu có chỗ đứng. Ảnh: Elle

Theo báo cáo từ Vietnam-Briefing, Việt Nam đang được xem là thiên đường dành cho những người yêu bia thủ công ở Đông Nam Á, thu hút rất nhiều các đơn vị làm bia, từ trong nước cho tới quốc tế.

Bia thủ công có chỗ đứng riêng

Theo dữ liệu từ Kirin Holdings, Việt Nam là nước tiêu thụ bia nhiều nhất thị trường Đông Nam Á. Năm 2022, lượng bia Việt Nam chiếm 2,2% tổng lượng toàn cầu, với mức cụ thể là 3,8 triệu mét khối bia/năm. Thị phần có cả thương hiệu nội địa và thương hiệu quốc tế, với những cái tên nổi bật như Heineken, Carlsberg, Sapporo Breweries, Habeco và Sabeco.

Dù nhiều hãng bia là vậy, bia thủ công Việt Nam vẫn có chỗ đứng.

Bia thủ công du nhập vào Việt Nam cũng khá lâu những năm 2012-2013 và tới nay nó ngày càng phát triển, với đa dạng hóa các loại sản phẩm cùng nhiều hương vị, phong cách khác nhau. Các công thức bia thủ công ở Việt Nam rất đa dạng nhờ lợi thế về địa lý, đem đến rất nhiều hương vị “cây nhà lá vườn”.

 Bia thủ công có rất nhiều hương vị

Bia thủ công có rất nhiều hương vị "đặc biệt" rất Việt Nam. Ảnh: THƠM Brewing

Chị Hoàng Hồng Hạnh - Quản lý không gian tổ hợp của Thơm’s space, hãng bia thủ công với các sản phẩm như Tây Bắc và Tam Giác Mạch, cho biết: "Đối với những người ít uống bia thì hầu như các loại bia thương mại sẽ giống nhau cả về “hương và vị”, chưa kể còn dễ gây đầy bụng. Trong khi đó, bia thủ công đánh vào tệp khách quan tâm về chất lượng, hương vị đặc trưng riêng biệt mang màu sắc sáng tạo của nhà sản xuất bia".

Việt Nam có nhiều hương liệu và trái cây, chẳng hạn sả, chanh dây, củ cải đỏ, cà phê, ca cao thậm chí là hạt dổi, mắc khén. Đây đều là những nguyên liệu thường được dùng để ủ bia thủ công. Điều này cho phép các hãng bia không bị phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, từ đó giảm chi phí đầu vào và có một mức giá bia cạnh tranh hơn.

Ngoài ra, việc truyền bá các sản phẩm địa phương cũng giúp các hãng bia thủ công có điểm khác biệt so với những đối thủ khác. Chẳng hạn khi tham gia Giải vô địch Bia châu Á 2021, Việt Nam giành được 4 huy chương vàng, ngang bằng với Singapore.

Hơn nữa, Việt Nam có môi trường pháp lý thoải mái hơn cho các nhà làm bia thủ công, vì họ được phép sản xuất bia theo từng lô nhỏ. Điều này trái ngược với Thái Lan, khi quốc gia này yêu cầu các hãng bia phải sản xuất ít nhất 10.000 lít/năm. Còn Việt Nam chỉ yêu cầu sản xuất ở mức 1.000 lít/năm. Do đó, nhiều nhà sản xuất bia quy mô nhỏ ở Thái đã chuyển sang Việt Nam.

Giới trẻ Việt thích uống bia thủ công

Một trong những yếu tố then chốt của thị trường Việt Nam là nền tảng khách hàng trẻ và có học vấn cao.

 Giới trẻ Việt bắt đầu thích uống bia thủ công. Ảnh: Pasteur Street Brewing Company.

Giới trẻ Việt bắt đầu thích uống bia thủ công. Ảnh: Pasteur Street Brewing Company

Những người thuộc thế hệ Millennials và Gen Z tại Việt Nam luôn muốn bắt kịp các xu hướng toàn cầu, đặc biệt với những trải nghiệm thượng lưu như nếm thử rượu vang hoặc thưởng thức bia thủ công. Ngoài ra họ còn muốn tìm hiểu cách thức làm ra những món đồ uống thủ công này.

Chị Hoàng Hồng Hạnh nhận định: Bia là thức uống phổ thông trên toàn thế giới nhưng bia thủ công lại mang đặc tính vùng miền. Mỗi vùng văn hóa, mỗi đất nước lại làm chúng ta tò mò và hứng thú về đặc sản của nơi đó. Đơn cử như khách hàng của Thơm là những khách trẻ đi du lịch Tây Bắc, bia thủ công sẽ mang một hương vị rất Tây Bắc như mắc khén, hạt dổi mà không nơi nào có được".

Ngoài ra, bia tại Việt Nam không chỉ là một món hàng, mà còn là một nét văn hóa của thế hệ trẻ, cụ thể là nhậu. Hiện nay, giới trẻ nhậu đã không còn là uống say, mà dần hướng đến mục đích nếm và thưởng thức nhiều hơn so với các thế hệ trước.

Đồng thời, giới trung lưu tại Việt Nam cũng đang ngày càng kén chọn các loại thực phẩm và đồ uống. Công thức độc quyền và việc ủ bia tại chỗ rất thu hút những đối tượng khách hàng này.

Vẫn còn những thách thức

Mặc dù các điều kiện cũng như thị hiếu rất tươi sáng, thị trường Việt Nam vẫn tồn tại những trở ngại tiềm ẩn.

 Thị trường bia thủ công vẫn sẽ gặp những khó khăn cố hữu. Ảnh: UVM.

Thị trường bia thủ công vẫn sẽ gặp những khó khăn cố hữu. Ảnh: UVM

Đầu tiên, bia ở Việt Nam là thị trường khá bảo thủ. Đã có nhiều ông lớn nhảy vào thị trường này, có thể kể đến bia Laser của Tân Hiệp Phát, Sư Tử Trắng của Masan… nhưng tỷ lệ thất bại vẫn tương đối cao.

Thứ hai, bia thủ công lại có những nhược điểm cố hữu là mới và cũng khá đắt. Với mức giá cao, bia thủ công bị gắn nhãn là một mặt hàng cao cấp và xa xỉ.

Cuối cùng là nhiều người xem bia thủ công ở Việt Nam là một xu hướng nhất thời, dễ đến rồi dễ đi vì các thương hiệu còn nhỏ, nếu gặp khó khăn như thời đại dịch hay suy thoái kinh tế sẽ rất dễ chết.

Nhận xét về các thách thức, chị Hoàng Hồng Hạnh cho hay: "Trào lưu là những thứ đến vội vàng và ra đi cũng rất nhanh. Nhưng đối với bia thủ công, nhất là ở góc nhìn về tính chất của sản phẩm, loại đồ uống này sẽ dần có chỗ đứng trong thị trường như cocktails, bởi đây là loại đồ uống có sức sáng tạo không hồi kết".

Do đó, bia thủ công vẫn sẽ có miếng bánh thị trường của riêng mình, và miếng bánh này ngày càng mở rộng hơn bởi nhiều yếu tố: sản phẩm độc đáo, điều kiện tốt để sản xuất, và thái độ ngày càng rộng mở đối với bia của giới trẻ Việt Nam.

Theo Zing

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bia thủ công Việt Nam bắt đầu có chỗ đứng