Giá vật liệu biến động, doanh nghiệp xây dựng lao đao

05/08/2022 06:23

Giá vật liệu xây dựng chỉ tăng mà ít giảm trong thời gian qua đã đẩy các doanh nghiệp nhận thầu dự án, công trình xây dựng vào thế khó, vừa làm vừa nghe ngóng để có điều chỉnh phù hợp.


Công ty CP Xây lắp và Sản xuất thương mại Quyết Tiến ETC vừa làm vừa phải bù lỗ công trình vì giá vật liệu xây dựng biến động


Thời gian qua, giá vật liệu xây dựng liên tục "nhảy múa" nhưng chỉ tăng, ít giảm khiến các doanh nghiệp nhận thầu dự án, công trình xây dựng đứng ngồi không yên.

Thế khó

Có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực xây dựng, ông Phạm Duy Thanh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Núi Đỏ (TP Hải Dương) khẳng định chưa khi nào các doanh nghiệp xây dựng lại gặp khó khăn như hiện nay. Nhà thầu xây dựng như ngồi trên đống lửa bởi giá vật liệu thay đổi theo ngày. Hiện giá thép đã giảm 10% so với đầu năm nhưng vẫn gần gấp đôi năm 2019. Trong khi đó, cát, đá, xi măng đội giá từng ngày. Dù giá cao song nguồn cát san lấp, xây dựng lại đang trở nên khan hiếm khiến các doanh nghiệp phải loay hoay, xoay xở tìm nguồn cung. Ông Thanh cho biết từ khi đấu thầu, trao hợp đồng thực hiện dự án đến lúc thi công mất khá nhiều thời gian. Do đó, đơn giá trong hồ sơ mời thầu sẽ lạc hậu so với giá vật tư hiện tại. Mặt khác, hợp đồng thi công phần lớn là trọn gói, còn tính toán trượt giá và vốn dự phòng chỉ áp dụng cho dự án của Nhà nước. Vì vậy, giá vật liệu tăng "sốc" làm lợi nhuận của doanh nghiệp sụt giảm. Đặc biệt, các hợp đồng được ký từ những năm 2019 - 2020 thì xác định còng lưng bù lỗ. Ngoài chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá vật liệu đầu vào, các công ty xây dựng cũng chật vật vì biến động từ giá xăng dầu và chi phí nhân công. 

Đầu năm 2021, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 18 trúng gói thầu xây dựng cầu vượt tại nút giao giữa đường Ngô Quyền, đường dẫn cầu Hàn và quốc lộ 5 với tổng kinh phí khoảng 350 tỷ đồng. Trong quá trình xây dựng, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do giá vật liệu liên tục tăng cao. Theo ông Nguyễn Ngọc Chung, Chỉ huy trưởng công trình, thời điểm trúng thầu công trình trên, giá thép chỉ từ 12.000-13.000 đồng/kg, cát từ 80.000-90.000 đồng/m3. Thời gian cao điểm thi công trong 2 tháng 3 và 4.2022, giá thép ở ngưỡng từ 20.000-22.000 đồng/kg, giá cát từ 165.000-180.000 đồng/m3. Hiện tại giá thép đã hạ nhiệt, tùy từng loại mà giá trên, dưới 16.000 đồng/kg nhưng giá cát lại tăng cao, vượt mức 200.000 đồng/m3 nên áp lực về giá vật liệu đầu vào vẫn lớn. Chỉ trong 1 năm, chi phí xây dựng đã đội thêm 18% so với giá trị công trình theo tính toán ban đầu. "Giá vật liệu thường chiếm khoảng 65% giá trị công trình nên với mức tăng như hiện tại, doanh nghiệp phải chịu thiệt hại rất lớn", ông Chung nói.



Thời gian qua, giá thép xây dựng tăng nhiều, giảm ít khiến các doanh nghiệp phải loay hoay

Vừa làm vừa nghe

Giá vật liệu leo thang từng ngày song trước áp lực tiến độ, doanh nghiệp xây dựng phải tìm cách để thi công vẫn bảo đảm thời gian mà hạn chế ảnh hưởng. Anh Hoàng Công Quyết, Giám đốc Công ty CP Xây lắp và Sản xuất thương mại Quyết Tiến ETC (TP Hải Dương) cho biết doanh nghiệp vừa làm, vừa nghe ngóng để có điều chỉnh phù hợp. Công ty đang thực hiện 3 dự án tại Hải Dương và Hà Nội. Do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng nên để bù đắp tiến độ, doanh nghiệp phải huy động tối đa máy móc, nhân lực  thực hiện. Tuy nhiên với tình hình giá vật liệu hiện tại, càng làm nhanh thì càng thiệt hại nhiều. Riêng dự án tại Hà Nội, dù mới triển khai, song doanh nghiệp đã lỗ 200 triệu đồng do không dự trù hết những biến động về giá vật liệu. Vì vậy doanh nghiệp đang cân đối, xây dựng lại phương án thi công để khắc phục những tác động của giá nguyên liệu đầu vào. Trong đó, chú trọng tới tìm kiếm nguồn cung vật liệu ổn định của các đơn vị uy tín để tránh vừa chịu thiệt do thay đổi giá, vừa lo khan hiếm vật liệu.

Chi phí thi công xây dựng cấu thành từ giá vật liệu, nhân công và vận hành máy móc. Doanh nghiệp xây dựng đang phải đối mặt với những bất lợi từ cả ba yếu tố trên. Vì thế, nhiều doanh nghiệp chọn phương án hoạt động cầm chừng, chờ giá nguyên vật liệu giảm để giảm bớt gánh nặng, chấp nhận vi phạm hợp đồng khi không thực hiện đúng tiến độ.

Đại diện Công ty TNHH Khải Mạnh M&E (Thanh Hà) cho biết: "Tác động từ giá nguyên liệu, vật liệu khiến công trình, dự án bị đội vốn, chi phí thực tế chênh lệch lớn so với tổng mức đầu tư ban đầu. Các doanh nghiệp mong muốn nhà đầu tư có thể chia sẻ khó khăn, cùng nhau vượt qua khủng hoảng về giá vật liệu đầu vào”.

Dù gặp không ít khó khăn nhưng Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 18 đang gấp rút triển khai các dự án theo hợp đồng đã ký kết. Nhằm hạn chế tối đa chi phí phát sinh, doanh nghiệp đã rà soát, lựa chọn đầu mối cung ứng vật liệu gần vị trí công trình để tiết kiệm chi phí vận chuyển. “Chúng tôi cũng mong muốn chủ đầu tư xem xét, linh động điều chỉnh giá của hợp đồng. Có như vậy, các doanh nghiệp xây dựng mới có thể phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19”, ông Chung đề nghị.

 DŨNG QUYẾT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá vật liệu biến động, doanh nghiệp xây dựng lao đao