Xúc tiến tiêu quả thụ vải tại thị trường trong nước và xuất khẩu

10/06/2021 15:26

Trong những ngày qua, đã có khoảng 80.000 tấn vải thiều sớm được tiêu thụ; trong đó khoảng 36% xuất khẩu, còn lại được tiêu thụ tại thị trường nội địa.


Nhiều doanh nghiệp và siêu thị cùng vào cuộc đẩy mạnh tiêu thụ trái vải. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo báo cáo của Bộ Công thương, các chợ đầu mối, chợ truyền thống đang là kênh tiêu thụ chính cho quả vải. Mới có khoảng 1% sản lượng vải sớm được tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử, song đây được đánh giá là kênh xúc tiến, quảng bá quan trọng, tiếp sức cho quả vải đang vào chính vụ, ước khoảng 180.000 tấn.

Để hiểu rõ hơn sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, trong việc kết nối, đẩy mạnh tiêu thụ quả vải chính vụ, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) đã có một số trao đổi với phóng viên về nội dung trên.

- Thưa bà, tỉnh Bắc Giang cho biết đã có 3 kịch bản tiêu thụ sản phẩm vải thiều, trong bối cảnh dịch bệnh thì tăng lượng tiêu thụ tại thị trường trong nước từ 60-90%. Phía Bộ Công thương triển khai các kế hoạch này thế nào để hỗ trợ tiêu thụ quả vải?

Bà Lê Việt Nga: Bộ Công thương đã đồng hành cùng các tỉnh có sản lượng vải thiều lớn nhiều năm qua và đã trở thành hoạt động thường niên để hỗ trợ cho các địa phương như: Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên và Quảng Ninh. Đây những địa bàn vải thiều được trồng tập trung và có sản lượng rất lớn, tính mùa vụ rất ngắn (thu hoạch tiêu thụ chỉ trong vòng khoảng 4 tuần).

Bộ Công thương đã có những chiến lược rất phù hợp trong việc vận chuyển hàng hóa, tổ chức hệ thống thu mua cả xuất khẩu cũng như tiêu thụ trong nước để đảm bảo thu mua với giá thành tốt nhất, có lợi cho bà con nông dân.

Bên cạnh đó, Bộ chỉ đạo triển khai những hoạt động dịch vụ phụ trợ để có thể thu thêm được lợi nhuận đóng góp vào phát triển kinh tế đặc biệt là kinh tế nông nghiệp.

Năm nay có một đặc điểm là dịch bệnh COVID-19 với những biến chủng mới rất phức tạp và gây ra dịch bệnh trên một số tỉnh thành phố, đặc biệt là những địa bàn có thị trường tiêu thụ vải lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, điều này đã đặt ra những vấn đề thách thức rất lớn.

Vụ thị trường trong nước đã có nhiều buổi làm việc với UBND TP Hồ Chí Minh, Sở Công thương để qua đó xác định được các kịch bản phù hợp.

Qua báo cáo của Bắc Giang cũng như Sở Công thương tỉnh này thì địa phương đang kích hoạt ở kịch bản thứ hai, tức là kịch bản dịch bệnh diễn biến ở mức độ kiểm soát được - với mức tiêu thụ nội địa khoảng 70% và xuất khẩu khoảng 30%.

Thực tế, những ngày vừa qua, quả vải đang tiêu thụ ở mức 36% là xuất khẩu và 63% tại thị trường trong nước và 1% là qua thương mại điện tử và một số kênh khác.

- Miền Nam đang được coi là thị trường trọng điểm để tiêu thụ sản phẩm vải thiều chính vụ. Tuy nhiên, lo ngại việc lưu thông hàng hóa khó khăn, tỉnh Bắc Giang đã đề xuất ưu tiên các luồng xanh cho trái vải. Vậy Bộ Công thương đã có chiến dịch cụ thể như thế nào để hỗ trợ trợ cho thị trường trong nước, thưa bà?

Bà Lê Việt Nga: Như chúng ta đã biết trong giai đoạn dịch bệnh, Chính phủ đã giao cho Bộ Công thương soạn thảo quy trình thu mua, lưu thông các mặt hàng nông sản.

Bộ Công thương đã ban hành văn bản số 1083/CV-BCT và căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế về việc người vận chuyển, bốc xếp hàng hóa phải tuân thủ các yêu cầu của Bộ Y tế.

Xuc tien tieu qua thu vai tai thi truong trong nuoc va xuat khau hinh anh 2

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công thương. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Nếu các địa phương đồng lòng hỗ trợ cho việc vận chuyển lưu thông hàng hóa và có những cái cách làm, vận dụng sáng tạo để đảm bảo có luồng xanh cho hàng hóa nông sản thì chắc chắn sẽ rất thuận lợi.

Tuy vậy, tới đây cũng cần có những nghiên cứu thêm để thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm lưu thông hàng hóa, các địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất…

Bộ Công thương sẽ có những cuộc họp và làm việc với các bộ, ban ngành để cải tiến hơn nữa các quy trình lưu thông hàng hóa, nông sản được trồng tập trung và tính mùa vụ cao (như mặt hàng quả vải bảo quản rất khó).

Đặc biệt, với thông điệp mới của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động tấn công bằng sử dụng vaccine phòng COVID-19 tiêm cho các lực lượng, trong đó các lực lượng như thương lái hay lái xe vận tải vận chuyển quả vải, sẽ thuận lợi hơn cho việc lưu thông hàng hóa đi qua các chốt kiểm dịch.

Đối với những đối tượng đã được tiêm chủng đầy đủ và đã được kiểm tra, test một cách đầy đủ rồi thì có những phương thức để quản lý người lao động một cách linh hoạt hơn, để bảo đảm hàng hóa đi được nhanh nhất, vận chuyển tốt nhất trong mùa dịch (với mặt hàng vải thiều đang có tính cao điểm vào mùa bắt đầu từ ngày 10.6 này).

- Đã có rất nhiều văn bản, chỉ đạo từ Chính phủ đến các bộ, ngành tuy nhiên vẫn còn khá nhiều các khó khăn. Vậy, bà có những khuyến nghị thế nào để có thể hỗ trợ một cách tốt nhất trong tiêu thụ quả vải cũng như các sản phẩm nông sản khác đang vào vụ thu hoạch?

Bà Lê Việt Nga: Biện pháp đầu tiên là phải bảo vệ được thị trường trong nước. Theo đó, đầu tiên phải bảo vệ được những hệ thống phân phối hiện nay đang là kênh tiêu thụ chính của quả vải, ví dụ như các chợ đầu mối.

Thực tế TP Hồ Chí Minh hiện nay đang căng mình ra để bảo vệ các chợ đầu mối không bị dịch bệnh COVID-19 xâm nhập và làm cho phải đóng cửa như các chợ Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền...

Thêm vào đó, phải tổ chức tốt giúp tất cả các mạng lưới hệ thống phân phối vào cuộc để ủng hộ bán được quả vải nhiều hơn. Bộ trưởng Công thương đã yêu cầu Vụ Thị trường trong nước phối hợp với các Sở Công thương, các hệ thống phân phối làm sao đẩy được mức tiêu thụ quả vải tăng gấp đôi so với mức cao nhất của những năm trước đây.

Đây là nhiệm vụ hết sức thiết thực trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và khó lường - để cho chúng ta phòng được những trường hợp ở đâu đó nếu thị trường bị tắc nghẽn vì dịch bệnh thì vẫn còn có những điểm tựa khác để hỗ trợ tiêu thụ được mặt hàng này.

Tiếp theo, Vụ thị trường trong nước cũng đề nghị tạo thuận lợi hơn nữa đối với việc vận chuyển lưu thông quả vải. Việc này sẽ được các bộ phương địa phương ngồi lại với nhau để thống nhất cùng với các tỉnh có sản phẩm nhằm bảo đảm phòng chống dịch tốt nhưng cũng phải đi được nhanh nhất đến các địa điểm, các địa bàn mục tiêu như TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây đang có nhu cầu rất cao đối với quả vải thiều.

- Xin cảm ơn bà.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xúc tiến tiêu quả thụ vải tại thị trường trong nước và xuất khẩu