Nét sắc ngọn bút

20/06/2021 10:04

Nhà báo Hữu Thọ đã đúc kết rất hay về hình ảnh người làm báo: “Mắt sáng - Lòng trong - Bút sắc”, bởi cái chính là nét sắc của ngọn bút và để có nét sắc thì cái tâm, cái tài, cái tầm của người cầm bút luôn phải được trau dồi, rèn luyện và thử thách.

Mỗi khi nghĩ về những người làm báo ta thường nói đến ngòi bút, cây bút biểu tượng cho nghề nghiệp vốn là một công cụ viết báo. Nhưng với riêng tôi, tôi lại hay nghĩ đến hình ảnh ngọn bút có lẽ bắt đầu từ hai câu thơ của nhà thơ Sóng Hồng (Trường Chinh): “Lấy cán bút làm đòn xoay chế độ/ Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”. Ngọn bút là hình ảnh sống động tươi tắn cũng như ngọn cây là nơi nhạy cảm hút bao sương nắng, hứng chịu bao ngọn gió quyết liệt. Cũng như ngọn bút là nơi khám phá những hiện thực mới mẻ, phát hiện những vấn đề nhạy cảm nhất của đời sống hiện thực.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - một nhà báo vĩ đại đã từng tóm tắt khi nêu trách nhiệm của các nhà báo bằng 4 chữ ngắn gọn, súc tích mà hàm chứa nhiều ý nghĩa, đó là “phò chính, trừ tà”. Trong bức thư gửi trí thức Nam Bộ trong đó có các nhà báo (ngày 25.5.1947), Bác viết: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà, mà anh em văn hóa và trí thức phải làm cũng như là những chiến sĩ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để tranh lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”. “Phò chính” tức là bảo vệ chính nghĩa, nói lên sự thật, đồng hành với lẽ phải. "Trừ tà” là lên án cái xấu, chống lại sự phi nghĩa.

Sau này nhà báo Hữu Thọ bằng cuộc đời làm báo phong phú và tích lũy kinh nghiệm của mình đúc kết rất hay về hình ảnh người làm báo: “Mắt sáng - Lòng trong - Bút sắc”, bởi cái chính là nét sắc của ngọn bút và để có nét sắc thì cái tâm, cái tài, cái tầm của người cầm bút luôn phải được trau dồi, rèn luyện và thử thách.

Cách đây 96 năm, ngày 21.6.1925 tại Quảng Châu (Trung Quốc), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập ra tờ báo Thanh Niên - cơ quan của tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Báo Thanh Niên giữ vai trò lịch sử đặc biệt quan trọng mở đầu cho việc tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa cách mạng theo quan điểm Mác - Lênin, viết bằng chữ quốc ngữ được phổ cập rộng rãi khắp cả nước cho người dân Việt. Dù 96 năm đã trôi qua nhưng sức sống trẻ trung, sức mới, sáng tạo, nhiệt huyết, tâm huyết của đội ngũ những người làm báo bắt đầu từ “ngọn lửa thanh niên” ấy, từ ngọn bút trào dâng sức sống ấy, vẫn luôn ngời lên rạng tỏa đến ngày nay. Chính cuộc đời hoạt động cách mạng lấy báo chí làm phương tiện để tuyên truyền của lãnh tụ Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo của Đảng là những tấm gương chiếu rọi cho đến hôm nay. Bác Hồ đã viết hàng nghìn bài báo, ký hàng trăm bút danh. Các đồng chí lãnh đạo: Trần Phú, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Lê Duẩn, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng... là những nhà báo sắc sảo. Chính tờ báo Thanh Niên ra đời trước khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 5 năm đã tuyên truyền rộng rãi, truyền cảm hứng cách mạng, đặt những viên gạch đầu tiên cho lý luận cách mạng áp dụng vào thực tiễn.

Vào thăm Bảo tàng Hội Nhà báo Việt Nam, tôi bồi hồi xúc động khi đến bên những bút tích mà các nhà báo để lại. Đó là những chiếc ba lô, tăng võng, bi đông nước lỗ chỗ vết đạn. Đó là những trang bản thảo nhòe nét mực bởi người viết đang lên cơn sốt rét rừng viết lại những thông tin tư liệu mới nhất, hoặc bị nhòe do mưa rừng nước suối và do cả máu. Có những cuốn phim tài liệu rất sống động, tiếp cận hiện thực chiến tranh khốc liệt bằng những cận cảnh rung động lòng người. Những người quay phim đã mãi mãi nằm lại chiến trường. Họ không có trong khuôn hình nhưng trong ánh mắt nụ cười trẻ trung của các nhân vật, của những người lính trong chiến hào ngổn ngang khói bom, khói đạn lại có cả hình ảnh của họ. Những chiếc máy ảnh, máy quay phim cũ kỹ, những chiếc bút Trường Sơn đã khô mực nhưng tôi vẫn như còn nghe được tiếng chạy xè xè của máy quay, tiếng “tách” khoảnh khắc lóe sáng của máy ảnh...

Tôi biết nhiều nhà báo ra Trường Sa không chỉ mang theo những thiết bị máy móc nghề nghiệp mà họ còn mang theo những hạt giống rau để gieo mầm xanh trên đất đảo san hô nắng gió. Trong những lúc say sóng vật vã thân tàu chao đảo thì một ngọn sóng bỗng dội lên cân bằng đối trọng lại như nhà thơ Nguyễn Viết Chiến đã viết: “Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa/ Trong hồn người có ngọn sóng nào không?”. Ngọn sóng yêu nước luôn thường trực trong mỗi người con đất Việt được nhân lên gấp bội trong lòng những người làm báo khi ra với đảo khơi. Ngọn sóng đó lại trào dâng lên ngọn bút để tạo cảm hứng khơi nguồn cho những bản tin, bút ký, thước phim nóng hổi chuyển tải về đất liền. Từ năm xưa với cây bút đơn sơ đến ngày nay các nhà báo đã trang bị những phương tiện hiện đại thì vẫn có chung trái tim của người làm báo, vẫn vẹn nguyên dòng máu đỏ với bầu nhiệt huyết lớn lao, với những tri thức được trang bị đầy đủ từ giảng đường đại học đến thực tế.

Trong những ngày này khi cả đất nước và dân tộc đang chung tay, chung lòng chống đại dịch Covid - 19 thì các nhà báo trong những bộ đồ bảo hộ ngành y giữa cái nóng nực, bức bối của ngày hè thiêu đốt đã lao vào tâm dịch để ghi hình, ghi nhận những hình ảnh sống động. Họ cũng như những người chiến sĩ áo trắng ngành y không sợ những con virus vô hình mà nguy hiểm biết bao.

NGUYỄN NGỌC PHÚ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nét sắc ngọn bút