Phát triển du lịch trên nền tảng giá trị truyền thống và ứng dụng công nghệ

26/08/2021 12:45

Sáng 26.8, đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì Hội nghị lần thứ 35 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng chủ trì Hội nghị lần thứ 35 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe Ban Cán sự đảng UBND tỉnh báo cáo các đề án: Phát triển du lịch chất lượng cao giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050; Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Đề án Phát triển du lịch chất lượng cao giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050 đặt mục tiêu đến năm 2025 tỉnh Hải Dương đón 2,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 3,7 triệu lượt khách nội địa và mang lại thu nhập từ du lịch đạt 7.450 tỷ đồng. Đến năm 2030 các chỉ số tương ứng sẽ là: 3,4 triệu, 4,8 triệu và đạt 21.000 tỷ đồng. Phát triển du lịch chất lượng cao dự kiến sẽ tạo 12.600 việc làm trực tiếp vào năm 2025 và 24.700 việc làm vào năm 2030.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Hùng báo cáo làm rõ một số nội dung Đề án Phát triển du lịch chất lượng cao giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050

Phát biểu kết luận nội dung trên, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng yêu cầu đề án phải đánh giá đúng thực trạng và làm rõ khái niệm du lịch chất lượng cao của tỉnh; xác định nguyên nhân du lịch Hải Dương chưa phát triển bứt phá so với tiềm năng, thế mạnh.

Khẳng định du lịch là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu đề án cần bám sát định hướng phát triển du lịch của tỉnh là dựa trên nền tảng các giá trị truyền thống và ứng dụng khoa học, công nghệ để phát triển ở trình độ cao hơn. Đối với du lịch truyền thống phải bảo tồn, phát huy bền vững các giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử.

Đối với du lịch hiện đại cần định hướng phát triển các loại hình nghỉ dưỡng, thể thao, trải nghiệm, chăm sóc sức khỏe... Đề án cần đánh giá đúng nhu cầu, xác định rõ đối tượng khách du lịch cần thu hút và những lợi thế, tiềm năng riêng có của tỉnh như khai thác du lịch sông nước, có các nút giao với đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng chuẩn bị đầu tư, có một số dự án lớn chuẩn bị đầu tư.

Lãnh đạo huyện Thanh Hà phát biểu tham luận trực tuyến tại điểm cầu huyện Thanh Hà

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng yêu cầu đề án phải xác định các mục tiêu cụ thể, theo từng lộ trình, trong đó có các chỉ tiêu thu hút khách lưu trú, thu hút các dự án đầu tư phát triển du lịch tại Hải Dương. Tập trung xác định, hoàn thiện 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện là: Làm tốt công tác xây dựng quy hoạch các khu, vùng, điểm du lịch gắn với các sản phẩm du lịch đặc thù; xây dựng quy hoạch chi tiết để quản lý, lập danh mục dự án kêu gọi đầu tư.

Rà soát, bổ sung các cơ chế, chính sách ưu đãi, giảm bớt thủ tục hành chính để thu hút các doanh nghiệp có kinh nghiệm, năng lực đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số vào tuyên truyền, quảng bá du lịch của Hải Dương. Nguồn ngân sách ưu tiên đầu tư thỏa đáng cho quy hoạch, tuyên truyền, quảng bá và hạ tầng giao thông kết nối phát triển du lịch; tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa. Tăng cường quản lý Nhà nước về du lịch để du lịch của tỉnh thực sự là du lịch chất lượng cao, văn minh.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo hoàn thiện đề án để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành trong tháng 8.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo Đề án Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2021-2025

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Cán sự đảng UBND tỉnh xây dựng đề án mới về phát triển nguồn nhân lực đáp ứng mục tiêu đến năm 2030 tỉnh Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, hoàn thành dự thảo đề án trong tháng 9.2021.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng yêu cầu đề án cần đánh giá đúng thực trạng lao động ở lĩnh vực công nghiệp trong tỉnh, dự báo chính xác nhu cầu lao động đến năm 2025, 2030 và đưa các giải pháp đột phá thực hiện như: Tạo ra thị trường lao động trên môi trường số hóa; hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, tuyển dụng lao động; thu hút đầu tư vào lĩnh vực giáo dục đại học, cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp; quy hoạch, sắp xếp, đầu tư nâng cấp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện có; quy hoạch các khu đô thị, thương mại khi quy hoạch khu công nghiệp để thu hút công nhân đến Hải Dương làm việc.

HOÀNG BIÊN

(0) Bình luận
Phát triển du lịch trên nền tảng giá trị truyền thống và ứng dụng công nghệ