67,2% số người cao tuổi sức khỏe yếu và rất yếu

29/05/2023 17:00

67,2% số người cao tuổi có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu. Nguyên nhân phần lớn gắn với các bệnh không lây nhiễm.


Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) thảo luận tại hội trường về báo cáo và dự thảo nghị quyết giám sát. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Sáng 29.5, Quốc hội thảo luận việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Đây là một trong những nội dung được cử tri Hải Dương nói riêng và cử tri cả nước nói chung rất quan tâm tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV. Sau khi nghe báo cáo và xem video clip về kết quả giám sát tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương bày tỏ sự đồng tình.

Góp ý vào dự thảo nghị quyết báo cáo giám sát, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga quan tâm đến một hạn chế được nêu trong báo cáo là công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của nhân dân về phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe còn hạn chế về nội dung, phương thức, nguồn lực thực hiện. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến công tác y tế dự phòng còn tồn tại nhiều điều đáng trăn trở. 


Ông Nguyễn Trọng ở thị trấn Nam Sách (Hải Dương) theo dõi trực tiếp phiên thảo luận về kết quả giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Phạm Tuyết

Dẫn số liệu từ thống kê của Bộ Y tế, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết tuổi thọ bình quân của người Việt hiện là trên 73 tuổi nhưng tuổi sống khỏe mạnh chỉ đến 64 tuổi. 67,2% số người cao tuổi có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu. Thực trạng tuổi thọ bình quân tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh lại thấp so với nhiều nước đồng nghĩa với sự giảm sút chất lượng cuộc sống. Nguyên nhân phần lớn gắn với các bệnh không lây nhiễm xuất phát từ những lối sống, thói quen không lành mạnh như ít vận động thể dục thể thao, lạm dụng rượu bia, thuốc lá...

Theo đại biểu, muốn tạo lối sống lành mạnh, tích cực trong cộng đồng để đẩy lùi nguy cơ đe dọa của bệnh không lây nhiễm thì các giải pháp tăng cường truyền thông là rất quan trọng. Thời gian tới, truyền thông phải được xem là nhiệm vụ trọng tâm vì mang lại hiệu quả cao, nhanh, tiết kiệm và cần nhấn mạnh tuyên truyền phòng ngừa nguy cơ bệnh không lây nhiễm.

Đại biểu Nga đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung trong dự thảo nghị quyết giám sát chuyên đề vào điều 2 khoản 4, mục b nội dung "y tế dự phòng tập trung hơn nữa, nâng cao hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ phòng chống bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm" chứ không chỉ đơn thuần là "y tế dự phòng tiếp tục tập trung các nhiệm vụ phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm". Nếu không làm tốt công tác này thì sẽ gây ra áp lực dài hạn cho ngành y tế, an sinh xã hội, bởi gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm.

PHONG TUYẾT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    67,2% số người cao tuổi sức khỏe yếu và rất yếu