Bộ Công an nhận trách nhiệm về việc cấp hộ chiếu mới

10/08/2022 10:26

Sáng 10.8, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nhiều nội dung được quan tâm như việc cấp căn cước công dân, hộ chiếu mới, công tác phòng, chống tội phạm, "tín dụng đen", an ninh mạng.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm

Sáng 10.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Theo đó, bộ trưởng Bộ Công an sẽ trả lời tập trung vào công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng; vấn đề an toàn đối với hệ thống an ninh mạng quốc gia trong giai đoạn hiện nay; giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là tình trạng đánh bạc, lừa đảo, đưa tin không chính xác, phát tán các video clip phản cảm, độc hại.

Việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi.

Việc triển khai thực hiện cấp thẻ căn cước công dân; việc cấp và sử dụng hộ chiếu phổ thông mẫu mới; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm kết nối với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, bảo đảm quyền khai thác thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật và vấn đề bảo mật thông tin cá nhân.

Ngoài Bộ trưởng Tô Lâm, Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh, bộ trưởng các bộ Tư pháp, Thông tin và truyền thông, Khoa học và công nghệ, Ngoại giao; thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Điều tra đối tượng rao bán 30 triệu dữ liệu được cho là lấy từ Bộ GD-ĐT

Mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết ngày 16.3.2022, Bộ Chính trị ban hành nghị quyết số 12 đẩy mạnh xây dựng lực lượng công an nhân dân chính quy, tinh nhuệ. 

Phiên chất vấn cũng là dịp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc triển khai thực hiện nghị quyết trên. Bộ trưởng Bộ Công an cho biết những vấn đề chất vấn đều là những vấn đề nóng bỏng của thực tiễn, đồng thời có nhiều khó khăn, thách thức. 

Dù lực lượng công an nhân dân đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và tình hình chung đã giữ được an ninh trật tự nhưng cũng có những diễn biến phức tạp, khó khăn và có những việc mới chưa có tiền lệ nên việc triển khai còn tồn tại những vấn đề thiếu sót.

Chất vấn đầu tiên, đại biểu Siu Hương (Gia Lai) hỏi về việc bảo vệ thông tin cá nhân được Hiến pháp và pháp luật quy định rất rõ, nhưng hiện nay việc rao bán, sử dụng dữ liệu cá nhân vi phạm phổ biến. Đơn cử như những thông tin quảng bá sản phẩm hiện nay đều lấy thông tin dữ liệu cá nhân trái phép, vi phạm rất lớn. Giải pháp xử lý của Bộ Công an?

Cùng nội dung, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đặt vấn đề hiện nay các thông tin cá nhân đang được rao bán dễ dàng trên các hội nhóm. Mặc dù thời gian qua công an địa phương triệt phá nhiều thông tin nhưng còn nhiều đối tượng chưa được phát hiện xử lý. Những giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn?

Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên (Long An) đặt vấn đề hiện nay các trang mạng xã hội, các thế lực thù địch đăng tải những thông tin giả mạo, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước để tung tin giả, thất thiệt, phát tán các video độc hại, phản cảm gây nhiều tác hại đến việc đảm bảo an ninh, trật tự. 

Dù Bộ Công an và các bộ, ngành đã phối hợp để xử lý nhưng hiện tượng này vẫn phức tạp. Những giải pháp của Bộ Công an để tăng cường đấu tranh, ngăn chặn? Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Binh Thuận) chất vấn việc một số quốc gia không chấp nhận hộ chiếu phổ thông mẫu mới, trách nhiệm thuộc về ai, cách khắc phục như thế nào?

Trả lời các câu hỏi của đại biểu Siu Hương, Nguyễn Thị Thủy, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân là sự quan tâm của cử tri. Thực trạng của việc lộ, lọt dữ liệu cá nhân trên thế giới và nước ta đang ở mức rất đáng báo động. Các hành lang pháp ý chưa hoàn thiện và ý thức của người dân bảo vệ dữ liệu cá nhân chưa cao là nguyên nhân gây ra lộ lọt. 

Theo bộ trưởng, để hạn chế, bộ đã triển khai một số giải pháp như xây dựng hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ dữ liệu cá nhân. "Chúng tôi đang tiến hành nhưng còn gặp nhiều khó khăn như đã trình Chính phủ ban hành nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, đã qua 10 lần trình rồi và hiện nay đang vào giai đoạn "chót", sẽ sớm ban hành để có căn cứ pháp lý" - ông Tô Lâm nói. 

Theo lộ trình, dự kiến năm 2024 nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành luật bảo vệ dữ liệu cá nhân. Cạnh đó, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhất là tham gia môi trường mạng.

Đồng thời, tích cực điều tra xử lý nghiêm các trường hợp làm lộ, lọt, rao bán dữ liệu cá nhân. Điển hình, bộ đang điều tra đối tượng rao bán 30 triệu dữ liệu được cho lấy từ nguồn của Bộ GD-ĐT. 

Ngoài ra, một số cơ sở dữ liệu của các ngành khác như y tế cũng có nguy cơ bị lộ lọt nên sẽ tập trung điều tra, xử lý. Ông nói thêm, về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có dữ liệu rất lớn và là tài nguyên quốc gia nên phải đảm bảo. Bộ đã thực hiện đúng các điều kiện về an ninh, an toàn theo cấp độ 4. 

Hiện nay rất an toàn. Ngoài ra, hằng ngày lực lượng chức năng phải đối phó với hàng ngàn cuộc tấn công vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhiều tấn công từ nước ngoài nên phải có hệ thống đảm bảo…

Bộ Công an nhận trách nhiệm về việc cấp hộ chiếu mới

Trả lời về việc "cấp hộ chiếu mới không có nơi sinh, một số quốc gia từ chối chấp nhận" được đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) nêu ra, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay hiện nay có 2 nước không cấp thị thực.

Ông Lâm khẳng định việc cấp hộ chiếu mới được thực hiện theo đúng Luật xuất nhập cảnh công dân Việt Nam được Quốc hội thông qua năm 2019. Tất cả các chi tiết in trên hộ chiếu đều thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. 

Bộ trưởng Tô Lâm trả lời chất vấn

Hộ chiếu mới phù hợp với thông lệ quốc tế. Hiện nay nhiều nước trên thế giới đều sử dụng mẫu này và đều không có nơi sinh. 

Bản thân hộ chiếu chúng ta đưa ra cũng được đa số các nước trên thế giới chấp nhận. Hiện chỉ có 3 nước không chấp nhận là Đức, Czech và Tây Ban Nha nhưng gần đây Tây Ban Nha đã chấp nhận hộ chiếu của chúng ta.

Một số nước cũng đang vướng mắc về hộ chiếu, gần đây có Hàn Quốc bị xem xét tương tự. "Quá trình chúng tôi thực hiện đúng pháp luật, còn một số nước căn cứ vào đó có phản ứng gây khó khăn vì cũng có những lý do rất thực tế. 

Qua tìm hiểu cho thấy họ cũng muốn tìm hiểu xem nguồn gốc công dân ở những địa phương nào cụ thể, vì không tra cứu được nên vậy. Chúng tôi cho rằng đây là các vấn đề kỹ thuật, Bộ Công an đã có giải pháp. 

Trước mắt những cá nhân cần bổ sung nơi sinh thì chúng tôi đã bàn với các cơ quan sẽ bổ sung ở phần bị chú nơi sinh để tạo thuận lợi. Về lâu dài, nếu cần bổ sung nơi sinh sẽ đề xuất, báo cáo Chính phủ, thống nhất với các cơ quan liên quan, báo cáo Quốc hội sửa Luật xuất nhập cảnh, trong đó bổ sung việc này.

Trách nhiệm thì Bộ Công an chủ trì về việc này nên xin nhận trách nhiệm", Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ.

Đã đến lúc cho phép cá cược?

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) cho rằng vừa qua tình hình tội phạm tín dụng đen, cho vay nặng lãi diễn biến phức tạp. Người cho vay buộc người vay phải sang nhượng nhà đất như để thế chấp, khi người vay không có khả năng trả nợ, các đối tượng vay sang tên tài sản này. Giải pháp của Bộ Công an để ngăn chặn, xử lý loại tội phạm này?

Đại biểu cũng chất vấn thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có biết tình trạng nhiều người dân phải vay nặng lãi ở ngoài để đáo hạn ngân hàng, sau đó làm hồ sơ vay lại ngân hàng?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) hỏi dữ liệu thông tin về dân cư, định danh chưa đồng bộ nên khó khăn khi triển khai, giải pháp của bộ trưởng để khắc phục tình trạng này?

Bộ trưởng Tô Lâm trả lời các đại biểu

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đặt vấn đề hiện tội phạm đánh bạc, cá cược trên mạng diễn ra rầm rộ, phức tạp. Dù Bộ Công an có nhiều hoạt động xử lý nhưng tình trạng trên vẫn diễn biến phức tạp. Vậy đâu là nguyên nhân?

Đại biểu Đồng Tháp cho rằng đã đến lúc cần thực hiện nghị định 06 năm 2017 về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế để có thể kiểm soát, quản lý hoạt động này. Quan điểm của bộ trưởng như thế nào?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Văn Hòa về vấn đề cá cược thể thao, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay mặc dù đã có nghị định 06 của Chính phủ nhưng đến nay các cơ quan chuyên môn, Bộ Tài chính chưa chọn được đơn vị, cơ quan nào để làm đầu mối. 

"Quan điểm của chúng tôi đã có nghị định của Chính phủ là phải thực hiện, nhưng hiện chưa có cơ quan, doanh nghiệp nào đảm bảo đủ điều kiện để làm cá cược thể thao nên chưa thực hiện được. Chúng tôi ủng hộ cần thực hiện để giảm những việc bất hợp pháp" - bộ trưởng nói.

Ông Hòa cũng chất vấn thêm nội dung về việc triển khai căn cước công dân có gắn chip hiện nay ở nhiều địa phương làm luôn cả ban đêm, lực lượng làm quá sức dẫn đến việc nhập liệu thông tin người dân có nhiều sai sót, phải chỉnh sửa nhiều lần. Mặt khác, có địa phương báo cáo không trung thực để lấy thành tích. Biện pháp khắc phục?

Trả lời câu hỏi về tín dụng đen, Bộ Công an cho biết đã nhiều lần báo cáo trước Quốc hội. Trong 3 năm qua, Bộ Công an đã phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý, giải quyết, trấn áp mạnh và kiềm chế, đẩy lùi tội phạm này, không còn hiện tượng phức tạp, công khai, lộng hành như trước. Nhưng tình hình vẫn tiềm ẩn phức tạp, nhất là cho vay qua mạng. 

Gần đây bộ đã triệt phá các băng nhóm cho vay qua app, hoạt động với quy mô lớn ở nhiều tỉnh, thành, thậm chí có người nước ngoài tham gia điều hành. Trong đó, có hàng trăm ngàn khách hàng vay, số tiền hàng ngàn tỉ đồng…

Nguyên nhân của tình trạng trên là nhu cầu vay tiền trong nhân dân vẫn còn rất lớn và việc xử lý tội phạm liên quan tín dụng đen có nhiều khó khăn do nhiều đối tượng có thủ đoạn, lách luật nên rất khó xác định ranh giới giữa dân sự với hoạt động tội phạm hình sự trong hoạt động cho vay. Nếu không thận trọng có thể hình sự hóa hoạt động dân sự, nhưng nếu không làm tốt, kỹ sẽ bỏ lọt tội phạm.

Trong thời gian tới, theo Bộ trưởng Tô Lâm, sẽ tiếp tục duy trì tấn công tội phạm tín dụng đen. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, cảnh báo đến người dân về hoạt động tín dụng đen. Phối hợp với ngân hàng để có thể giúp người dân tiếp cận vốn vay tốt hơn, không phải vay tín dụng đen…

Bằng giả, giấy tờ giả 2-6 triệu rao bán công khai, phải làm gì?

Trả lời câu hỏi tình trạng mua bán giấy tờ, chứng chỉ giả được đại biểu nêu, Bộ trưởng Tô Lâm chỉ rõ việc này đang diễn ra ngang nhiên, nhiều loại giấy tờ làm giả được rao bán từ 2-6 triệu đồng, rao bán công khai trên mạng. 

Ông nói bộ đã triệt phá nhiều vụ án, đường dây làm giả giấy tờ quy mô lớn, thu giữ hàng nghìn con dấu, phôi bằng cấp, công cụ máy móc. 

Qua đấu tranh, đối tượng cũng khai nhận có thể tự thực hiện hầu hết các công đoạn từ làm giả phôi, con dấu, tự đóng dấu, ký; các đối tượng cũng sẵn sàng nhận làm giả hầu hết các bằng cấp, kể cả của các trường đại học ngành y, dược và nhiều giấy tờ quan trọng khác.

Thời gian tới, Bộ Công an sẽ tăng cường tuyên truyền các cơ quan chức năng về thủ đoạn của nhóm đối tượng này, tham mưu, hỗ trợ rà soát, phát hiện các trường hợp sử dụng văn bằng, giấy tờ giả để xử lý nghiêm; sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để điều tra, xử lý các đường dây sản xuất giấy tờ giả.

Cấp căn cước công dân gắn chip: Có báo cáo khống số liệu chạy theo tiến độ?

Đại biểu Phạm Văn Hòa chất vấn việc triển khai cấp thẻ căn cước công dân có gắn chip điện tử theo tiến độ, nhiều nơi làm việc cả ban đêm, lực lượng chuyên môn mỏng, làm việc quá sức dẫn đến có rất nhiều sai sót dữ liệu cá nhân nên người dân phải đi điều chỉnh nhiều lần, làm mất thời gian, tiền bạc, gây dư luận không tốt. 

Có địa phương chạy theo thành tích, báo cáo khống số liệu để chạy theo tiến độ trên. Bộ trưởng cho biết cách xử lý của mình và biện pháp khắc phục vấn đề này?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết vừa qua có số liệu không chính xác thì đã rà soát. Hiện nay đối với cơ sở dữ liệu thực hiện đúng nguyên tắc đúng - đủ - sạch. Nếu không đúng - đủ - chưa sạch phải làm lại. 

Tuy nhiên có những trường hợp thay đổi thông tin cá nhân. Công dân có quyền thay đổi thông tin cá nhân của mình, về tên, họ, quê quán, chỉnh sửa ngày sinh… Ngoài ra, cũng có trường hợp người khai không đưa ra thông tin chính xác. 

Hoặc có nguyên nhân cán bộ làm tắc trách, làm ẩu, làm thành tích nhưng số lượng này không nhiều. Bộ trưởng Bộ Công an cho biết bộ sẽ tích cực phối hợp, hoàn thiện, cấp đúng, đủ giấy tờ cho công dân, trên cơ sở đó các cơ quan khác căn cứ vào dữ liệu chính xác đó để tiến hành công việc của mình. Đây cũng là việc rất công phu, đòi hỏi công sức và thời gian.

Phòng ngừa đánh bạc trên mạng thế nào?

Trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp về giải pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm có tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên không gian mạng, bộ trưởng Tô Lâm cho biết trong thời gian vừa qua, Bộ đã triển khai nhiều kế hoạch, các giải pháp đấu tranh trấn áp tội phạm, tổ chức đánh bạc trên không gian mạng đạt được nhiều kết quả.

Riêng 6 tháng đầu 2022 đã khởi tố trên 100 vụ án, gần 600 bị can trong các vụ án đánh bạc, đánh bạc trên không gian mạng. Nhưng hiện nay tình hình còn rất phức tạp do phần lớn máy chủ chủ yếu đặt ở nước ngoài nên rất khó xử lý triệt để. 

Các đại biểu đang chất vấn bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm

Triệt phá các đường dây này lại nảy sinh đường dây khác. Việc thu thập chứng cứ, củng cố tài liệu xử lý các đối tượng rất khó khăn do độ ẩn danh rất lớn vì chúng đã tận dụng được công nghệ để thực hiện hành vi phạm tội.

Về những giải pháp trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ triển khai các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, tổ chức trên không gian mạng; tiếp tục đẩy mạnh công tác nắm tình hình các trang mạng, tổ chức đánh bạc tại Việt Nam, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, nhất là đối tượng cầm đầu.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến phương thức, thủ đoạn hoạt động của tổ chức tội phạm đánh bạc trên không gian mạng, phổ biến các quy định, chế tài xử lý hệ lụy của việc tham gia đánh bạc giúp cho người dân nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa, hỗ trợ cho lực lượng chức năng trong đấu tranh với tội phạm này. 

Bộ Công an sẽ phối hợp với các bộ, ban, ngành chức năng triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực an ninh mạng, đặc biệt là thanh toán trực tuyến.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bộ Công an nhận trách nhiệm về việc cấp hộ chiếu mới