Căng thẳng Nga-Đức mới liên quan đến nguồn cung cấp khí đốt

16/05/2022 08:23

Đức cho rằng Nga đang sử dụng năng lượng làm "vũ khí" sau khi Moskva cắt nguồn cung cấp khí đốt cho một đơn vị Gazprom bị Berlin tịch thu.

Chú thích ảnh

Moskva cũng đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với chủ sở hữu Ba Lan của đường ống Yamal vận chuyển khí đốt đến châu Âu. Ảnh: Oilprice.com

Theo trang tin Oilprice.com mới đây, Đức, quốc gia từ lâu vẫn là khách hàng mua khí đốt tự nhiên lớn nhất của Nga, đã tuyên bố một cách "muộn màng và thẳng thắn" rằng điều mà lâu nay họ lo ngại về "tình huống xấu nhất" là Moskva sử dụng xuất khẩu năng lượng của mình như một loại "vũ khí". 

Tuy nhiên, Moskva lập luận rằng các hành động mới nhất của họ nhằm giảm nguồn cung - theo ước tính của các quan chức tại Berlin vào thời điểm này là giảm khoảng 3% so với việc giao hàng thông thường - là một phản ứng tự nhiên và không thể tránh khỏi sau khi Đức tịch thu các công ty con của Gazprom tại nước này để "đảm bảo cung cấp" trong bối cảnh của cuộc xung đột ở Ukraine vẫn tiếp diễn. 

Một tháng trước, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã biện minh cho những động thái "khiêu khích" này khi nói rằng: "Chúng tôi không cho phép các cơ sở hạ tầng năng lượng ở Đức phải gánh chịu các quyết định tùy tiện của Điện Kremlin".

Mới nhất, trong bài phát biểu hôm 12/5 trước Hạ viện Đức, ông Habeck tuyên bố hành động trên của Nga nhằm cắt giảm giảm nguồn cung cho thấy rằng "cuộc đối đầu về năng lượng là một vũ khí và nó có thể được sử dụng trong một cuộc xung đột kinh tế".

Ông Habeck cũng tìm cách đảm bảo với các nhà lập pháp và quan chức Đức khi nước này tiếp tục cạnh tranh giành nguồn cung thay thế rằng "thị trường khí đốt hiện vẫn có thể bù đắp cho việc mất khí đốt từ Nga".

Những diễn biến leo thang lớn mới, gây ra cáo buộc "vũ khí hóa", xuất hiện sau khi Moskva cấm giao dịch với Gazprom Germania GmbH và các công ty con khác hiện nằm dưới sự kiểm soát của cơ quan quản lý năng lượng của Đức.

Việc cấm giao dịch cũng bao gồm nhà cung cấp năng lượng Wingas GmbH, một doanh nghiệp lưu trữ khí đốt ở châu Âu, chi nhánh thương mại của Gazprom có ​​trụ sở tại London và EuRoPol Gaz, chủ sở hữu đoạn qua Ba Lan của đường ống Yamal-Europe nối Nga với Đức.

Động thái trên của Nga diễn ra sau khi Gazprom Germania bị chính quyền Đức tịch thu trong bối cảnh các công ty châu Âu gia tăng áp lực cắt đứt quan hệ với các thực thể của Nga. Ngày 13/5, Moskva cũng có động thái mạnh mẽ khác là áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với chủ sở hữu của Ba Lan trong đường ống Yamal vận chuyển khí đốt đến châu Âu.

Theo Báo Tin tức

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Căng thẳng Nga-Đức mới liên quan đến nguồn cung cấp khí đốt