Chất vấn nhiều vấn đề nóng

07/12/2021 09:58

Cuối giờ sáng và cả buổi chiều ngày 7.12, Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.


Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn

9 giờ 51: Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh điều hành phiên chất vấn, trả lời chất vấn. Đồng chí Phạm Xuân Thăng nhấn mạnh đây là phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của HĐND tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2021-2026. HĐND tỉnh đã lựa chọn 5 nhóm lĩnh vực tập trung thực hiện chất vấn, trả lời chấn vấn là kế hoạch và đầu tư; tài nguyên và môi trường; xây dựng; nội vụ và lao động, thương binh, xã hội. Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu các đại biểu chất vấn cần hỏi thẳng vào những vấn đề, nội dung cụ thể. Người trả lời chất vấn cũng sẽ trả lời ngắn gọn, súc tích, rõ ràng. Những nội dung liên quan đến các ngành, đơn vị và lãnh đạo UBND tỉnh phụ trách, chủ tọa phiên chất vấn sẽ mời phát biểu làm rõ. Các thành viên UBND tỉnh cần tham gia đầy đủ phiên chất vấn để trả lời những nội dung đại biểu quan tâm có ý kiến. 

10 giờ: Đồng chí Lê Hồng Diên, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư phát biểu làm rõ thêm một số kết quả trong lĩnh vực của ngành. Theo đó, trong năm 2021, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tích cực phối hợp triển khai nhiều giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế và xây dựng kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, có nhiều giải pháp phù hợp với từng giai đoạn, địa phương. Ngay từ đầu năm, sở có kế hoạch phòng chống dịch, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh đã thực hiện thành công mục tiêu "kép" vừa phát triển kinh tế vừa chống dịch. Dịch tiếp tục diễn biến phức tạp nên việc triển khai việc phát triển kinh tế - xã hội gặp khó khăn, nhiều dự án chưa được triển khai đồng bộ.

 Đồng chí Lê Hồng Diên, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời chất vấn

Về đầu tư công, đồng chí Lê Hồng Diên cho biết sở có hướng dẫn các địa phương đánh giá việc đầu tư công. Khi Luật Đầu tư công có hiệu lực, sở đã triển khai thực hiện theo quy định. Các dự án được triển khai đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Tỉnh triển khai nhiều giải pháp môi trường đầu tư, đẩy mạnh việc lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng huyện, xây dựng chiến lược thu hút đầu tư. Thời gian qua, có nhiều nhà đầu tư lớn vào tỉnh. Các dự án đã được phê duyệt được đẩy nhanh tiến độ. Sở cũng tích cực tham mưu có nhiều giải pháp phát triển doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, việc cấp phép thành lập doanh nghiệp đã được rút ngắn 1 ngày so với trước. Sở tích cực tham mưu giải ngân vốn đầu tư công, tập trung giải quyết vướng mắc, khó khăn. "Những tháng đầu năm việc giải ngân còn hạn chế, sở đã có văn bản chỉ đạo, đôn đốc. Sở tham mưu tỉnh thành lập tổ công tác đặc biệt về giải ngân vốn đầu tư công. Lý do chưa giải ngân đạt 100% kế hoạch do nhiều nguyên nhân như vướng mắc về thủ tục, ảnh hưởng do dịch bệnh, giá cả nguyên, vật liệu tăng...", đồng chí Lê Hồng Diên cho biết.

10 giờ 8: Đồng chí Nguyễn Vĩnh Sơn, Phó Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh đặt câu hỏi: Việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đã được chỉ đạo thực hiện quyết liệt nhưng tỷ lệ giải ngân 66,89% vẫn ở mức trung bình cả nước. Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ có những giải pháp nào để tham mưu đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công?

Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Hồng Diên cho biết có 5 nguyên nhân chủ yếu khiến tỷ lệ giải ngân đầu tư công của tỉnh chưa cao, trong đó có những nguyên nhân do các đơn vị nhà thầu, năng lực của chủ đầu tư, vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng và thủ tục giải ngân vốn ODA rườm rà, mất nhiều thời gian. Cùng với đó dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng tiêu cực đến tiến độ giải ngân.

Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, chủ đầu tư cần đôn đốc các nhà thầu hoàn thiện các thủ tục để thực hiện nghiệm thu, giải ngân. Các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch để giải ngân vốn đầu tư công theo đúng tiến độ, quy định.

Đại biểu Nguyễn Công Hải, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh đặt câu hỏi chất vấn

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Công Hải, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh: "Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) những năm gần đây chỉ ở mức trung bình thấp, nguyên nhân do đâu và làm thế nào để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh?", Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết để nâng cao chỉ số PCI thì tỉnh cần tập trung nâng cao tính minh bạch, đào tạo lao động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp cận đất đai. 

Thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu cho tỉnh rà soát, công bố, công khai, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính. Tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, cung ứng lao động cho doanh nghiệp. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát trong thực thi công vụ; xử lý nghiêm những trường hợp gây phiền hà, nhũng nhiều doanh nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Thị Hải Vân, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh chi nhánh Hải Dương đề nghị Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết trách nhiệm của sở về việc những năm qua chỉ tiêu phát triển doanh nghiệp không đạt và những giải pháp để phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết tỉnh đã có một số chính sách hỗ trợ thành lập doanh nghiệp, các hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp. Tuy nhiên do khó khăn của dịch Covid-19, thị trường ảnh hưởng lớn đến hoạt động, phát triển doanh nghiệp.  Nhận thức của các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp còn hạn chế. "Thời gian tới, sở sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để hỗ trợ thành lập doanh nghiệp; tham mưu báo cáo UBND tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả phối hợp với các ngành địa phương trong giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Tiếp tục lấy sự hài lòng của doanh nghiệp là thước đo chủ yếu trong đánh giá mức hộ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức, các sở ngành, địa phương", đồng chí Lê Hồng Diên cho biết.

10 giờ 28: Đại biểu Phạm Văn Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn An Phát Holdings đặt câu hỏi "Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng như UBND tỉnh có giải pháp gì để tăng thu hút đầu tư nước ngoài?"

Trả lời câu hỏi chất vấn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Hồng Diên cho biết sở sẽ tập trung hoàn thành để trình tỉnh phê duyệt quy hoạch tỉnh, các quy hoạch chuyên biệt; đầu tư hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, phát triển các loại hình dịch vụ. Đồng thời đẩy mạnh việc giải quyết thủ tục đầu tư nhanh chóng, kịp thời, thực hiện hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, nhất là với các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản. Sở sẽ thường xuyên tổ chức đối thoại để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; phối hợp nâng cao tay nghề cho người lao động...

10 giờ 31: Đồng chí Phạm Bá Dũng, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh làm rõ một số nội dung liên quan đến các chỉ tiêu trong năm 2021. Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh cho biết có được tốc độ tăng trưởng 8,6% là do lĩnh vực nông nghiệp tăng trưởng cao, nhất là sản xuất cây vụ đông, vải thiều, lúa được mùa; chăn nuôi cũng phục hồi, tăng trưởng tốt sau dịch tả lợn châu Phi. Đối với sản xuất công nghiệp-xây dựng, dù ngành xây dựng giảm 3,4% do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng sản xuất công nghiệp có tăng trưởng khá. Một số dự án lớn tăng đóng góp lớn cho tăng trưởng của tỉnh như Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương. Các ngành dịch vụ cơ bản sụt giảm, nhất là dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí, vận tải; chỉ có dịch vụ tài chính, y tế tăng.

Về mục tiêu tăng trưởng 10% trở lên trong năm 2022, Cục trưởng Cục Thống kê đề nghị tỉnh cần chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả các giải pháp toàn diện thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Dự báo năm 2022 khu vực nông nghiệp sẽ tăng trưởng 3%; khu vực công nghiệp-xây dựng tăng trưởng 13,6%; khu vực dịch vụ tăng 13%.

10 giờ 35: Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Xuân Thăng nhấn mạnh cần có các giải pháp quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện để phấn đấu đạt mức tăng trưởng 10%, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Đồng chí Lê Ngọc Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh cung cấp thông tin liên quan tới số liệu dữ liệu quốc gia về dân cư của tỉnh

10 giờ 40: Liên quan tới số liệu dữ liệu quốc gia về dân cư của tỉnh, đồng chí Lê Ngọc Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh cho biết đến đầu tháng 12.2021 toàn tỉnh có 654.136 hộ đăng ký thường trú với 2.109.172 nhân khẩu, tạm trú trên 3 tháng có 7.776 hộ, 17.007 nhân khẩu. Ngành công an đã phối hợp với các ngành liên quan cập nhật bảo đảm số liệu "đúng, đủ, sống, sạch"; phối hợp với Sở Y tế cập nhật trên sổ sức khỏe điện tử về số người đã được tiêm vaccine phòng Covid-19.

10 giờ 47: Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Xuân Thăng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan thống nhất số liệu dân cư trong tỉnh để làm căn cứ chính xác hoạch định, thực hiện các chính sách một cách hiệu quả, đúng thực tiễn.

Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đề nghị cử tri trong tỉnh đặt câu hỏi chất vấn về những vấn đề cử tri quan tâm thông qua Trang thông tin điện tử Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh để chủ tọa kỳ họp đề nghị lãnh đạo các sở, ngành liên quan trả lời.


Đồng chí Hoàng Văn Thực, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời chất vấn

10 giờ 49: Đồng chí Hoàng Văn Thực, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo một số kết quả, hạn chế của ngành trong năm 2021 và tham gia trả lời chất vấn.

Theo đó, năm 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025; tập trung thực hiện các giải pháp bảo vệ tài nguyên môi trường; tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động khai thác khoáng sản; đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân...

Để khắc phục những hạn chế trong năm 2021, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết thời gian tới sở sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh hoàn thành công tác quy hoạch sử dụng đất; tăng cường quản lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp, nhất là tại các dự án, nhà máy nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Đối với các cụm công nghiệp mới, sở yêu cầu các đơn vị phải hoàn thành hạ tầng xử lý nước thải tập trung trước khi triển khai các dự án đầu tư thứ cấp. Từ năm 2022, thực hiện Đề án "Thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030", tỉnh sẽ thực hiện thí điểm phân loại rác thải rắn tại nguồn ở 22 xã, phường, thị trấn trong tỉnh để nhân rộng. Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ phối hợp tham mưu xây dựng cơ chế đặc thù thu hút dự án xử lý rác thải có công nghệ hiện đại...

Đại biểu Khổng Quốc Tuân, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đặt câu hỏi chất vấn

11 giờ: Đại biểu Khổng Quốc Tuân, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đặt câu hỏi hiện nay tình trạng khai thác khoáng sản trái phép như cát, đất đồi trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, sở có giải pháp gì tăng cường quản lý việc này trong thời gian tới? Một số doanh nghiệp được cấp phép nhưng không đúng theo giấy phép gây thất thu cho ngân sách, sở có giải pháp gì để xử lý việc này?

Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định tình trạng khai thác trái phép khoáng sản còn xảy ra trên địa bàn tỉnh. Do đó, cần phát huy hơn nữa sự vào cuộc của chính quyền cấp xã, đặc biệt là các đồng chí bí thư chi bộ, trưởng thôn khi có thông tin về việc khai thác khoáng sản trái phép, nhất là kịp thời báo cho cơ quan chức năng. Tỉnh cần có quy hoạch vùng nguyên liệu để phục vụ nhu cầu thực tế. Thời gian tới, sở sẽ tham mưu để tỉnh triển khai việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Trước mắt sẽ tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức đấu giá 5 khu vực khai thác ở TP Chí Linh với diện tích 83,5ha. Ngoài ra, cần có sự vào cuộc của ngành công an, thanh tra giao thông trong việc xác định nguồn gốc các khoáng sản. Rà soát, lắp đặt các trạm cân tại các cửa mỏ để kiểm soát số lượng vận chuyển ra nhằm kiểm soát việc khai thác. Rà soát lại các giấy phép, giấy phép sắp hết hạn xem đã khai thác được bao nhiêu % trữ lượng. Sở sẽ đánh giá lại toàn bộ hoạt động khai thác để tham mưu tỉnh có giải pháp cứng rắn hơn.

11 giờ 05: Đại biểu Lê Hồng Phúc, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh TP Hải Dương hỏi sở có giải pháp gì khắc phục việc không có hạ tầng kỹ thuật bảo đảm vệ sinh môi trường ở các cụm công nghiệp?

Về vấn đề của đại biểu Phúc hỏi, đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định do trước đây thành lập các cụm công nghiệp không có nhà đầu tư hạ tầng. UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát lại các cụm công nghiệp này, nếu còn đất sẽ mở rộng để thu hút các nhà đầu tư hạ tầng đầu tư đồng bộ, nhất là trong việc thu gom, xử lý nước, rác thải. Cần tăng cường công tác thanh tra, nhất là lắp đặt quan trắc môi trường để có biện pháp xử lý kịp thời.

Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 7.12

11 giờ 11: Đặt câu hỏi chất vấn, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Xuân Thăng đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết giải pháp để xử lý rác thải sinh hoạt ở nông thôn?

Trả lời câu hỏi chất vấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết cùng với thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn, sở sẽ tham mưu quy hoạch các khu đất để thu hút các nhà đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải có công nghệ hiện đại.


Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường cần tiếp tục có giải pháp căn cơ, triệt để hơn trong xử lý rác thải sinh hoạt ở nông thôn. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cần làm rõ chủ trương của tỉnh trong việc thu hút đầu tư, hỗ trợ xử lý rác thải. Sở cũng cần chú trọng giải quyết vấn đề xử lý nước thải tập trung tại các khu đô thị, nông thôn trong tỉnh. Đây là vấn đề rất lớn, nhức nhối và gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. UBND tỉnh cần có giải pháp thỏa đáng và quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết.

11 giờ 16: Đồng chí Nguyễn Khắc Toản, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết thông qua Trang thông tin điện tử Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, đã có 3 cử tri ở các huyện Nam Sách, Gia Lộc, Tứ Kỳ chất vấn về giải pháp xử lý rác thải sinh hoạt ở nông thôn khi các bãi rác đã quá tải; tình trạng ô nhiễm môi trường trên hệ thống kênh tưới ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nhất là trên kênh tưới Thạch Khôi - Đoàn Thượng; cần sửa đổi quy định của tỉnh về diện tích tối đa xây dựng nhà trông coi trên đất chuyển đổi cho phù hợp hơn.

Trả lời các câu hỏi nêu trên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết đã phối hợp rà soát những nơi có bãi rác quá tải. Những địa phương đang quá tải về xử lý rác cần có báo cáo về sở để đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương thu gom, xử lý tập trung. Về tình trạng ô nhiễm kênh tưới Thạch Khôi - Đoàn Thượng, sở sẽ phối hợp với huyện Gia Lộc để kiểm tra, xử lý. Về kiến nghị nâng diện tích tối đa xây dựng nhà trông coi, sở sẽ cùng các địa phương khảo sát thực tế, đề xuất tháo gỡ nếu nhu cầu này thực sự chính đáng.

11 giờ 29: Phát biểu làm rõ đề nghị của đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh về trách nhiệm trong quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản trong tỉnh, đồng chí Lê Ngọc Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh cho biết trách nhiệm chính trong quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản là Sở Tài nguyên và Môi trường, chính quyền các địa phương. Thời gian qua, Công an tỉnh đã thực hiện quyết liệt các giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng khai thác khoáng sản, nhất là khai thác cát trái phép trong tỉnh. Lực lượng công an trong tỉnh đã nắm bắt tình hình, yêu cầu ký cam kết, đấu tranh với các loại tội phạm liên quan đến hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép. Trong năm 2021, lực lượng công an tỉnh đã phát hiện, xử phạt 43 vụ việc khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép với tổng số tiền phạt trên 2 tỷ đồng; khởi tố 2 vụ án, 2 bị can vi phạm quy định nghiên cứu, thăm dò tài nguyên trái phép. Đến nay tình hình khai thác cát trái phép trong tỉnh đã được ngăn chặn.

Đồng chí Giám đốc Công an tỉnh đề nghị tỉnh chỉ đạo kiểm tra, xử lý các dự án sử dụng vật liệu san lấp được khai thác trái phép; tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về khai thác tài nguyên, khoáng sản. Tỉnh cũng cần quy hoạch, cấp phép khai thác cát để việc khai thác, sử dụng tài nguyên hiệu quả, đúng quy định.

11 giờ 34: Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao những cố gắng, kết quả của lực lượng Công an tỉnh trong đấu tranh, ngăn chặn khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép và nhất trí với những đề xuất của Giám đốc Công an tỉnh.

11:35: Kết thúc phiên thảo luận và chất vấn buổi sáng.

NHÓM PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chất vấn nhiều vấn đề nóng