Chính sách ưu đãi người hành nghề khám chữa bệnh chưa thỏa đáng

26/05/2022 20:05

Góp ý vào dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng các chính sách ưu đãi đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh còn rất chung chung.



Đại biểu Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị quy định cụ thể hơn về chính sách ưu đãi đối với người hành nghề khám chữa bệnh

Quy định cụ thể chính sách ưu đãi đối với người hành nghề khám chữa bệnh

Chiều 26.5, tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Tại phiên thảo luận này, 6 đại biểu Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương tham gia đóng góp ý kiến. 

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương lấy một số ví dụ cụ thể về việc chính sách ưu đãi đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh chưa cụ thể, như các y bác sĩ làm việc tại các phòng, khoa tâm thần bị ảnh hưởng đến tâm lý nhưng chưa có chế độ đãi ngộ thỏa đáng cũng như trong việc luân chuyển. Đồng chí đề nghị đầu tư phân theo nhóm để đạt hiệu quả cao và cần thận trọng, chặt chẽ khi triển khai; cần quan tâm hơn đến đội ngũ bác sĩ gia đình.


Đại biểu Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương phát biểu tại buổi thảo luận

Đại biểu Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng mô hình bác sĩ gia đình đang là xu hướng của các nước trên thế giới và trong nước hiện đã có rất nhiều. Vì vậy, cần quy định cụ thể trong luật để làm căn cứ cho các văn bản dưới luật và xử lý trong trường hợp không mong muốn. Việc kê khai thuốc của bác sĩ và các cơ sở y tế chưa đủ rõ. 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đề nghị làm rõ quy định "pháp luật về giá" trong khám chữa bệnh; việc phân cấp hệ thống cơ sở khám chữa bệnh; sử dụng kết quả cận lâm sàng liên cấp; các điều kiện cần thiết hạn chế tình trạng bạo hành nhân viên y tế và trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở y tế khi xảy ra tình trạng bạo hành nhân viên y tế... 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị làm rõ quy định pháp luật về giá trong khám chữa bệnh

Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn, Giám đốc Sở Tư pháp, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương bày tỏ sự đồng tình với quy định sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt trong khám chữa bệnh của người nước ngoài hoặc người nước ngoài định cư tại Việt Nam. Tuy nhiên, quy định về mức độ thành thạo tiếng Việt thì chưa được làm rõ. Đại biểu Hoàn đề nghị bỏ phí duy trì giấy phép hành nghề vì hiện chưa có luật nào quy định loại phí này...

Tiếp tục duy trì mô hình tổ chức thanh tra cấp huyện

Liên quan đến dự án Luật Thanh tra, đại biểu Lê Văn Hiệu cho rằng thanh tra là cơ quan có vai trò quan trọng trong phòng chống tham nhũng nên cần quy định việc thanh tra, kiểm tra công khai, minh bạch từ quá trình dự thảo, giải trình đến kết luận. 


Góp ý vào dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh nhất trí với phương án tiếp tục duy trì mô hình tổ chức thanh tra cấp huyện

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nhất trí với phương án tiếp tục duy trì mô hình tổ chức thanh tra cấp huyện. Nếu bỏ thanh tra cấp huyện, cần nêu được nguyên nhân. Tuy nhiên, theo báo cáo thẩm tra thì đánh giá nhu cầu thanh tra ở cấp huyện không nhiều là chưa chính xác. Tình trạng biên chế quá mỏng không phải là lý do thuyết phục để bỏ thanh tra cấp huyện.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng nếu bỏ thanh tra cấp huyện mà giao chức năng, nhiệm vụ cho phòng, ban khác thì không đúng chức năng, nhiệm vụ và không thể bảo đảm thực hiện. Trường hợp chuyển toàn bộ nghiệp vụ của thanh tra huyện về thanh tra tỉnh thì càng không hợp lý vì hiện thanh tra tỉnh đã quá tải. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu thật kỹ việc luân chuyển cán bộ làm công tác thanh tra để không ảnh hưởng đến chất lượng thanh tra.


Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn, Giám đốc Sở Tư pháp đề nghị quy định rõ cơ quan nào có thẩm quyền thành lập đoàn thanh tra

Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn, Giám đốc Sở Tư pháp nhận xét quy định tại khoản 3, điều 10 dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) chưa bảo đảm tính chặt chẽ, dẫn đến tình trạng thiếu kiểm soát vì không quy định cơ quan nào có thẩm quyền thành lập đoàn thanh tra. Do đó, cần có quy định tiêu chí cụ thể, rõ ràng hơn. Đại biểu đề nghị giữ nguyên quy định thanh tra là cơ quan độc lập, không kiêm nhiệm, có cơ cấu cứng, không phụ thuộc số lượng. Cơ quan thanh tra ngoài nhiệm vụ thanh tra còn nhiều chức năng khác như phòng chống tham nhũng, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử phạt vi phạm...

NGUYỄN CƯỜNG - PHẠM TUYẾT

(0) Bình luận
Chính sách ưu đãi người hành nghề khám chữa bệnh chưa thỏa đáng