Dịch COVID-19 thế giới ngày 11.11: Thuốc điều trị molnupiravir đắt hàng

11/11/2021 05:36

Công ty Merck dự kiến sẽ sản xuất 10 triệu liều molnupiravir vào cuối năm nay và ít nhất 20 triệu liều trong năm 2022.

Dịch COVID-19 thế giới ngày 11-11: Thuốc điều trị molnupiravir đắt hàng - Ảnh 1.

Người dân đeo khẩu trang kiểu có cũng như không ở một nhà ga xe lửa tại Moscow, Nga ngày 2.11- Ảnh: REUTERS

Ngày 10.11, Nga ghi nhận 1.239 ca tử vong mới do COVID-19 và 38.058 trường hợp nhiễm COVID-19 mới trên khắp đất nước. Số ca nhiễm mới hằng ngày có giảm nhẹ trong 4 ngày qua sau khi đạt mức cao nhất là 41.335 vào thứ bảy tuần trước.

Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashk cho biết dự trữ oxy tại các bệnh viện ở 12 vùng của Nga chỉ còn đủ dùng trong tối đa 2 ngày, trừ khi được bổ sung khẩn cấp. Cũng theo ông, tỷ lệ lây nhiễm của một số vùng đã bắt đầu giảm. Hiệu quả của vắc xin là rõ ràng khi chỉ có 3-4% người đã tiêm vắc xin bị nhiễm virus.

Hiện nay, hơn 62 triệu người Nga đã tiêm ít nhất một liều vắc xin COVID-19. Tuy nhiên, vẫn còn 22 triệu người cần tiêm vắc xin và khoảng 9 triệu người cần tiêm liều bổ sung thì nước này mới đạt mục tiêu 80% dân số trưởng thành đã tiêm vắc xin và đạt mức miễn dịch cộng đồng tối thiểu.

Cộng hòa Czech và Slovakia cũng đang chứng kiến những đợt gia tăng số ca nhiễm mới. Các quốc gia này một lần nữa phải hạn chế điều trị các trường hợp không quá khẩn cấp để chăm sóc người nhiễm COVID-19. Các bệnh viện, đặc biệt ở bắc Slovakia đã có dấu hiệu căng thẳng. Trong tuần này, Đức cũng ghi nhận số ca nhiễm cao mọi thời đại.

WHO cho biết khoảng 3,1 triệu ca nhiễm mới được ghi nhận trên toàn cầu trong tuần qua, tăng 1% so với tuần trước đó. Gần 2/3 số này - tức 1,9 triệu ca - là tại châu Âu. Châu Âu hiện là khu vực duy nhất trên thế giới mà cả số ca nhiễm lẫn ca tử vong đều tăng.

Số tử vong đã vượt mốc 5 triệu

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 10.11 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 251.764.622 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.083.684 ca tử vong. Hơn 227,92 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn 18,75 triệu bệnh nhân đang được điều trị.

Thuốc molnupiravir đắt hàng

Ngày 10.11, Công ty Merck & Co Inc và đối tác Ridgeback Biotherapeutics cho biết Chính phủ Nhật Bản sẽ chi từ 1,2 - 1,6 triệu USD để mua thuốc kháng virus molnupiravir.

Theo hãng tin Reuters, nhiều nước cũng đang khẩn trương ký hợp đồng mua thuốc molnupiravir. Ngày 9.11, Mỹ cho biết sẽ mua thêm 1 tỷ USD thuốc molnupiravir.

Các dữ liệu được công bố vào tháng trước cho thấy khi được sử dụng trong giai đoạn sớm, thuốc molnupiravir có thể làm giảm một nửa nguy cơ tử vong hoặc phải nhập viện cho những người có nguy cơ bị COVID-19 nghiêm trọng.

Công ty Merck dự kiến sẽ sản xuất 10 triệu liều điều trị vào cuối năm nay và ít nhất 20 triệu liều trong năm 2022. 

Ưu tiên vắc xin Pfizer-BioNtech cho người trẻ

Nhiều nước châu Âu khuyến cáo nên tiêm vắc xin COVID-19 do Pfizer-BioNtech phát triển cho người dưới 30 tuổi thay vì vắc xin của Moderna vì vắc xin của Pfizer-BioNtech ít gây viêm tim ở đối tượng này hơn.

Dữ liệu tại Đức cho thấy tỷ lệ bị viêm tim là 11,71 trường hợp trong số 100.000 liều tiêm với vắc xin COVID-19 của Moderna ở nam thanh niên, từ 18-29 tuổi. Trong khi đó, tỷ lệ này là 4,68 trường hợp với vắc xin COVID-19 của Pfizer-BioNtech. Ở nữ, tỷ lệ bị viêm tim là 2,95 trường hợp với vắc xin của Moderna và 0,97 với vắc xin của Pfizer-BioNtech.

Ở nhóm từ 12-17 tuổi, tỷ lệ bị viêm tim là 11,41 với nam với vắc xin của Moderna và 4,81 với vắc xin của Pfizer-BioNtech.

Ngày 10.11, Đức là quốc gia châu Âu mới nhất đưa ra khuyến cáo ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19 của Pfizer-BioNtech cho người trẻ. Trước đó, Pháp, Phần Lan, Thụy Điển đã ra khuyến cáo tương tự.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dịch COVID-19 thế giới ngày 11.11: Thuốc điều trị molnupiravir đắt hàng