Giao thông Đức tê liệt giữa sóng đình công

28/03/2023 17:10

Cuộc đình công lớn nhất vài thập kỷ khiến giao thông khắp nước Đức tê liệt, khi các công đoàn đòi tăng lương trong bối cảnh lạm phát leo thang.


Sân bay Frankfurt vắng lặng trong cuộc đình công ngày 27.3. Ảnh: AFP

Hàng loạt sân bay, bến xe bus, ga tàu trên khắp nước Đức ngừng hoạt động ngày 27.3, ảnh hưởng đến hàng triệu người. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang trải qua cuộc đình công lớn nhất từ năm 1992, khi lạm phát đẩy giá lương thực, năng lượng leo thang, khiến mức sống của người Đức giảm sút.

Công đoàn Verdi và công đoàn đường sắt, vận tải EVG đã kêu gọi đình công kéo dài 24 giờ, đồng thời khởi động ba ngày đàm phán tăng lương. Các cuộc đình công dự kiến tiếp diễn nếu giới chức không thỏa hiệp.

Các chủ doanh nghiệp đề nghị tăng lương 5% trong 27 tháng cùng khoản thanh toán một lần 2.500 euro. Các công đoàn cho rằng con số này là không chấp nhận được, trong bối cảnh lạm phát Đức chạm mốc 9,3% vào tháng 2. Công đoàn Verdi yêu cầu tăng 10,5% lương, tức tăng ít nhất 500 euro một tháng. Trong khi đó, EVG đề xuất tăng 12%, tức ít nhất 650 euro một tháng.

Nhiều người lao động đình công mặc áo phản quang tụ tập biểu tình. Họ thổi còi, huýt sáo, giương các biểu ngữ và cờ.

Hiệp hội sân bay ADV ước tính 380.000 hành khách bị ảnh hưởng do tình trạng hủy chuyến, trong đó có các chuyến bay tại hai phi trường lớn nhất Đức ở Munich và Frankfurt. Nhiều người mắc kẹt phải ngủ trên các băng ghế.

Công ty vận hành đường sắt Deutsche Bahn cũng ngừng cung cấp dịch vụ. Ở Cologne, tình trạng thiếu các chuyến tàu nội thành đã khiến nhu cầu taxi bùng nổ.

Verdi đang đàm phán thay mặt cho khoảng 2,5 triệu nhân viên trong khu vực công, trong đó có những người làm việc cho hệ thống giao thông công cộng, sân bay. EVG thay mặt khoảng 230.000 nhân viên Deutsche Bahn và các công ty xe bus.

"Người lao động đã chán ngấy những lời lẽ xoa dịu trong điều kiện làm việc ngày càng tồi tệ", Frank Werneke, lãnh đạo công đoàn Verdi, cho biết.


Tàu không hoạt động ở Munich ngày 27.3. Ảnh: AFP

Đức, quốc gia phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga trước xung đột Ukraine, đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng vật giá leo thang, khi lạm phát vượt mức trung bình khu vực đồng euro những tháng gần đây.

Nếu tăng lương, dư địa tài chính của chính phủ Thủ tướng Olaf Scholz sẽ bị siết chặt, khiến các cuộc đàm phán ngân sách ngày càng trở nên khó khăn.

Bộ Nội vụ Đức cho biết các yêu cầu tăng lương từ hai công đoàn trên tương đương bổ sung 1,4 tỷ euro một năm. Nếu đề xuất này mở rộng sang các khu vực công khác, khoản phí bổ sung sẽ là 4,7 tỷ euro.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giao thông Đức tê liệt giữa sóng đình công