Lý do Mỹ lo ngại tên lửa siêu vượt âm bắn chệch của Trung Quốc

17/10/2021 20:54

Dù bắn chệch 30 km, đầu đạn siêu vượt âm Trung Quốc vẫn có thể xuyên thủng lưới phòng không đa tầng, khiến Mỹ bất ngờ và lo ngại.

Tờ Financial Times dẫn lời 5 quan chức Mỹ giấu tên hôm qua cho biết Trung Quốc đã phóng tên lửa Trường Chinh 2C mang theo phương tiện lướt siêu vượt âm có thể trang bị đầu đạn hạt nhân trong vụ thử hồi tháng 8. Thông tin về vụ phóng không được Bắc Kinh công bố, trái ngược với các đợt phóng tên lửa Trường Chinh 2C trước và sau đó.

"Đầu đạn bắn trượt và rơi cách mục tiêu 30 km trong cuộc thử nghiệm, nhưng tiến bộ của Trung Quốc trong lĩnh vực vũ khí siêu vượt âm đã khiến tình báo Mỹ hoàn toàn bất ngờ", một quan chức thừa nhận.

Tên lửa Trường Chinh 2C rời bệ phóng tại Trung Quốc. Ảnh: CASC.

Mẫu phương tiện lướt siêu vượt âm Trung Quốc thử nghiệm hồi tháng 8 có thể bay nhiều vòng quanh Trái đất ở quỹ đạo thấp, sau đó trở lại khí quyển và lao xuống mục tiêu với tốc độ lớn. Giới chuyên gia quân sự cho rằng loại vũ khí này có khả năng thay đổi đáng kể cán cân sức mạnh chiến lược nếu được đưa vào biên chế.

"Nền tảng của nó là Hệ thống vũ khí tấn công từ quỹ đạo thấp (FOBS) được Liên Xô phát triển thời Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, nó không mang đầu đạn hạt nhân hồi quyển truyền thống, mà sử dụng phương tiện lướt siêu vượt âm với động năng rất lớn, có thể bay trong khí quyển với tốc độ rất cao và công kích mục tiêu ở khoảng cách xa", chuyên gia quân sự Tyler Rogoway nhận định.

Năng lực này của đầu đạn siêu vượt âm Trung Quốc gây lo ngại cho Mỹ bởi khả năng xuyên thủng các lá chắn tên lửa hiện đại, đồng thời khó bị hệ thống cảnh báo sớm phát hiện. FOBS sở hữu uy lực tương tự tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) thông thường, nhưng có thể tấn công từ những hướng không ngờ tới. Nó không chịu hạn chế về tầm bắn, trong khi thời điểm đầu đạn lao xuống cũng rất khó dự đoán, trái ngược với tên lửa đạn đạo.

"Với hệ thống FOBS truyền thống, đối thủ ít nhất có thể đoán đường bay của đầu đạn nếu phát hiện được phương tiện mang phóng trên không gian, dù đó vẫn là điều rất khó khăn. Nhưng với thiết kế hỗn hợp sử dụng đầu đạn lướt siêu vượt âm được Trung Quốc thử nghiệm, đối phương hoàn toàn không thể dự đoán đường bay của nó", Rogoway nhận định.

Tên lửa siêu vượt âm là vũ khí có tốc độ tối thiểu gấp 5 lần âm thanh (Mach 5), tương đương hơn 6.200 km/h. Những vũ khí bay nhanh hơn vận tốc âm thanh nhưng không đạt ngưỡng Mach 5 thường chỉ được gọi là tên lửa siêu thanh.

Đầu đạn lướt siêu vượt âm có thể bay hàng nghìn km từ khi hồi quyển đến lúc lao tới mục tiêu, khác hoàn toàn so với quỹ đạo thông thường của tên lửa đạn đạo. Chúng có thể tấn công lãnh thổ Mỹ từ phía Nam Cực thay vì bay qua Bắc Cực, hướng phòng thủ chính của hệ thống cảnh báo sớm và lá chắn tên lửa Mỹ.

Bắn hạ đầu đạn này cũng không phải điều dễ dàng, đặc biệt khi các hệ thống đánh chặn giai đoạn giữa của Mỹ chỉ chú trọng vào phát hiện và tiêu diệt tên lửa đạn đạo truyền thống, vốn có đường bay cố định theo từng giai đoạn.

"FOBS cho phép triển khai phương tiện lướt siêu vượt âm từ ngoài tầm phát hiện và đánh chặn của hệ thống phòng không ngoài khí quyển, sau đó đầu đạn sẽ di chuyển trong khí quyển và bổ xuống mục tiêu. Lưới radar mặt đất gần như vô dụng vì giới hạn góc nhìn thẳng và tốc độ quá lớn của quả đạn", Rogoway thừa nhận.

Chưa có giải pháp phòng thủ nào đủ sức đối phó phương tiện lướt siêu vượt âm vào thời điểm hiện tại. Nhiều hệ thống đang được phát triển, nhưng mức độ hiệu quả còn tùy thuộc vào tốc độ và khả năng cơ động của mục tiêu, số lượng đầu đạn lao tới và nhiều yếu tố khác.

Tên lửa siêu vượt âm DF-17 trong lễ duyệt binh ở Bắc Kinh, Trung Quốc, tháng 10/2019. Ảnh: Reuters.

Tên lửa siêu vượt âm DF-17 trong lễ duyệt binh ở Bắc Kinh, Trung Quốc, tháng 10.2019. Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall hồi tháng 9 cảnh báo Trung Quốc đang đạt nhiều bước tiến, trong đó có khả năng tấn công mục tiêu trên toàn cầu từ ngoài không gian. "Nếu phát triển tên lửa theo hướng FOBS, họ sẽ không cần lo lắng về đường bay cố định của ICBM. Đó là cách lẩn tránh lưới cảnh báo và phòng thủ tên lửa của đối phương", ông nói.

Tướng Glen VanHerck, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Phòng không Bắc Mỹ (NORAD), hồi tháng 8 cho biết Trung Quốc đã phô diễn các phương tiện lướt siêu vượt âm với tính năng hiện đại. "Điều đó đặt ra những thách thức đáng kể với NORAD trong cảnh báo mối đe dọa và đánh giá nguy cơ tấn công", tướng Mỹ cho hay.

Các chuyên gia cho rằng đầu đạn siêu vượt âm bắn chệch 30 km của Trung Quốc mới chỉ là thử nghiệm sơ khai trên một tên lửa đẩy được dùng cho các nhiệm vụ không gian thông thường. Trung Quốc sẽ mất nhiều thời gian để hoàn thiện hệ thống dùng khái niệm FOBS, cũng như quân sự hóa nó và bảo đảm khả năng triển khai trong thời gian ngắn. Nước này cũng phải giải quyết nhiều vấn đề để bảo đảm đầu đạn không bị phá hủy bởi nhiệt lượng khổng lồ sinh ra trong quá trình hồi quyển.

"Nếu thông tin về vụ thử tên lửa siêu vượt âm của Trung Quốc là chính xác, nhiều khả năng các nghị sĩ Mỹ sẽ kêu gọi xây dựng những lá chắn tên lửa tiêu tốn nhiều tiền, cũng như tìm mọi cách để đưa Trung Quốc vào bàn đàm phán để đạt được hiệp ước kiểm soát vũ khí chiến lược cụ thể", Rogoway nêu quan điểm.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lý do Mỹ lo ngại tên lửa siêu vượt âm bắn chệch của Trung Quốc