Nước nhập khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới áp biện pháp mạnh tay giữa khủng hoảng

18/05/2022 08:07

Theo luật mới, nhà chức trách Ai Cập đã bắt giữ hàng chục người với cáo buộc buôn lậu ngũ cốc tại thời điểm quốc gia Bắc Phi này đối diện với khó khăn về nguồn cung lúa mỳ.

Chú thích ảnh

Theo luật mới, nông dân Ai Cập phải bán 60% sản lượng lúa mỳ thu hoạch cho nhà nước. Ảnh: Reuters

Đối mặt với việc giá ngũ cốc trên thị trường thế giới tăng giá kỷ lục, giới chức Ai Cập đang quyết liệt triển khai luật mới vừa được ban hành với một mục đích quan trọng là buộc nông dân phải bán 60% sản lượng lúa mỳ thu hoạch được cho nhà nước. Đã có tới hơn người bị bắt giữ với cáo buộc liên quan đến buôn lậu ngũ cốc. 30 nông dân khác cũng đang bị cơ quan thực thi pháp luật truy tìm.

Là nước nhập khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, Ai Cập từ trước đến nay thường rất quan tâm đến yêu cầu bảo đảm đủ nguồn cung lúa mỳ để làm ra bánh mỳ, mặt hàng quen thuộc với gần gần như toàn bộ 103 triệu dân nước này. Có khoảng 71 triệu dân Ai Cập phụ thuộc vào bánh mỳ được bán với giá rẻ thông qua hệ thống trợ giá lương thực, thực phẩm mà chính phủ cho triển khai.

Đứt gãy nguồn cung từ Nga và Ukraine – hai đối tác cung cấp gần 50% sản lượng lúa mỳ nhập khẩu cho Ai Cập, đã đẩy chính quyền Cairo rơi vào tình thế bấp bênh, buộc phải tìm kiếm các thị trường thay thế, đồng thời tìm ra cách thức để tăng sản lượng, thu mua được nhiều hơn lúa mỳ từ ngay thị trường trong nước.

Tuần này, nhà chức trách đã cho thấy mức độ quyết liệt trong triển khai giải pháp nhằm bình ổn thị trường. Giới chức Ai Cập thông báo đã bắt giữ 41 người vì vi phạm quy định bán 60% sản lượng lúa mỳ thu hoạch được cho nhà nước. Cơ quan thực thi pháp luật cũng đang truy tìm 30 nông dân khác đang bỏ chốn. Luật mới của Ai Cập cũng cấm hành vi vận chuyển lúa mỳ, trừ trường hợp có giấy phép của chính phủ. Người vi phạm có thể bị phạt tù tới 5 năm và chịu mức phạt tiền lớn.

Văn phòng Công tố Quốc gia cùng với Bộ Cung ứng và Nội thương Ai Cập đang phối hợp để thúc đẩy cơ chế bảo đảm nông dân bán cho nhà nước 5,5 triệu tấn lúa mỳ trong mùa vụ thu hoạch này. Theo Thủ tướng Mostafa Madbouly, riêng khoản kinh phí bỏ ra để kích thích, khuyến khích nông dân mở rộng sản xuất, tăng sản lượng, bán lúa mỳ cho nhà nước đã tốn tới khoảng 2 tỷ USD.

Trên thị trường thế giới, giá lúa mỳ đã tăng 40% kể từ khi nổ ra cuộc xung đột tại Ukraine, lên mức cao kỷ lục 456,78 USD/tấn tại thị trường châu Âu trong tuần này. Giá lúa mỳ Ai Cập nhập khẩu cũng tăng từ 270 USD/tấn thời điểm trước xung đột lên 435 USD/tấn như hiện nay.

Theo Báo Tin tức

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nước nhập khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới áp biện pháp mạnh tay giữa khủng hoảng